Việc Indonesia xử bắn công dân Việt Nam Trần Thị Bích Hạnh do Hạnh bị phát hiện mang 1,1 kg crystal methamphetamine khi bị bắt ở sân bay Adi Sumarmo (Surakarta) hồi 4 năm trước. Cô bị xử bắn tại nhà tù Boyolali (Trung Java).
Shabu là tên gọi loại ma túy Hạnh đưa vào Indonesia, trị giá 2,2 tỷ rupiah (175.000 USD), theo cáo trạng khi xét xử cô. Hạnh bị tuyên án tử hình dù viện công tố chỉ đề nghị án tù chung thân.
Trước đó, giám đốc nhà tù nữ Bulu ( ) bà Suprobowati cho hãng tin Anadolu biết: các tù phạm đã tập trung cầu nguyện cho Hạnh chết nhanh và không đau đớn.
Giáo viên nhà tù Shinta Ardhan kể Hạnh là một học trò thông minh: “Cô ấy thừa nhận tội phạm với tất cả các bạn tù, và với tôi”.
Ông nói Hạnh có tên trong tù là Asien, nhận trách nhiệm về tội đã phạm, không đổ cho ai khác.
Hạnh là tù nhân duy nhất bị xử bắn ở nhà tù Boyolali. 5 người khác, gồm cô Rani Andriani người Indonesia, bị xử bắn ở đảo tù Nusa Kambangan, ngoài khơi nam Java.
4 tù phạm nam người Brazil, Malawi, Nigeria và Hà Lan bị xử bắn. Công tố viên trưởng Muhammad Prasetyo cho biết 6 đội xử bắn thi hành án cùng lúc vì “lý do tâm lý”, theo trang tin Kompas.com.
Ông nói xác các công dân nước ngoài sẽ được trả về nước họ.
Người phát ngôn Rikwanto của cảnh sát Jakarta cho biết việc xử bắn được tiến hành tại một bãi xử tử hình kín.
Mỗi đội xử bắn có 12 người,nhưng chỉ có 3 người bắn đạn thật, trước sự chứng kiến của bác sĩ và đại diện tôn giáo. Đội xử bắn sẽ bắn từ khoảng cách 5 đến 10 mét.
Đơn xin ân xá của 6 công dân nước ngoài bị Tổng thống Widodo bác, nên họ trở thành những tù phạm đầu tiên bị xử tử hình từ lúc ông Widodo nắm quyền lực.
Thông tin xử bắn 6 công dân nước ngoài từ hôm 14.1 đã khiến thế giới kêu gọi hủy xử bắn họ.
EU, các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi chính quyền Indonesia ngưng xử tử hình lập tức, với lý do xử tử hình là vi phạm nhân quyền.
Thủ tướng Úc Tony Abbott từng hứa cử “đại diện mạnh nhất có thể” đến Indonesia để cứu hai tù phạm Úc Myuran Sukumaran -Andrew Chan khỏi bị xử tử hình, nhưng Indonesia bác kêu gọi khoan hồng của nữ Ngoại trưởng Úc Julie Bishop.
Nhưng ông Abbott nói tình hình này sẽ không làm hỏng quan hệ Úc-Indonesia.
Nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff triệu hồi Đại sứ tại Indonesia, cho thấy một dấu hiệu quan hệ ngoại giao căng thẳng giữa Brazil với Indonesia.
Bà nói rất “đau đớn” và phẫn nộ việc xử tử hình Marco Archer Cardoso Moreira, và xem xét khả năng cấm vận Indonesia, sau khi đồng nhiệm Widodo bác yêu cầu ân xá của chính bà.
Phi công Moreira bị tuyên án tử hình năm 2004, vì đem lén 13kg cocaine vào Indonesia.
Dù phương tây xem ông là một nhà cải cách tự do, ông Widodo cực lực ủng hộ án tử hình, vốn được tái áp dụng ở Indonesia từ năm 2013, sau 4 năm ngưng xử tử hình (ngưng không chính thức) bằng cách xử bắn một công dân Malaysia buôn lậu ma túy.
Trong bài diễn văn với sinh viên hồi tháng 12.2014, ông tuyên bố sẽ bác đơn xin ân xá của 64 tù phạm lãnh tội tử hình vì buôn lậu ma túy.
Ông giải thích việc ủng hộ xử tử hình các tội phạm ma túy, vì Indonesia lâm “tình trạng khẩn cấp”: giới trẻ lạm dụng ma túy khiến mỗi ngày có khoảng 40-50 thanh niên chết.
Ông giải thích việc bác đơn xin ân xá của tội phạm ma túy bị án tử hình là “liệu pháp sốc quan trọng”.