Vì sao Bắc Kinh muốn Hillary Clinton làm tổng thống Mỹ?

Nhàn Đàm |

Nếu được quyền chọn lựa, thì Bắc Kinh sẽ không ngần ngại mà chọn Hillary Clinton là tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016.

Dù cuộc chạy đua tranh cử vào chiếc ghế tổng thống Mỹ tiếp theo mới vừa bắt đầu diễn ra, nhưng có vẻ như nó đã trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết.

Không khó hiểu khi cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực nhất thế giới này lại đang nhận được sự quan tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các cường quốc.

Việc ai sẽ trở thành ông chủ của Nhà Trắng trong ít nhất là 4 năm tới sẽ làm thay đổi việc xây dựng chính sách của các quốc gia.

Mỗi quốc gia trên thế giới, vì thế đều có sự lựa chọn ngầm của riêng mình đối với người sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho họ trên cương vị tổng thống Mỹ.

Trung Quốc cũng vậy, và nếu được quyền chọn lựa, thì Bắc Kinh sẽ không ngần ngại mà chọn Hillary Clinton.

Việc cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố sẽ ra tranh cử chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới đang là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong những ngày gần đây.

Nó không chỉ mang ý nghĩa rằng, nước Mỹ sẽ có một nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử, mà còn ở việc lần đầu tiên chiếc ghế tổng thống Mỹ có chủ nhân là một cặp vợ chồng.

Trên thực tế, việc có những gia tộc có hơn một người từng nắm giữ chức vụ tổng thống Mỹ là điều không hiếm, như gia tộc Roosevelt hay nhà Bush, nhưng hai vợ chồng lần lượt nắm giữ chức vụ đầy quyền lực này là điều chưa từng xảy ra.

Chính vì thế, đã có những lời giễu cợt đảng Dân Chủ, rằng họ đang sử dụng chiến thuật tung ra những nước đi lạ để gây sự chú ý và giành lợi thế.

Năm 2008 là một ứng cử viên da màu là ông Barack Obama, và giờ đây lại là một phụ nữ là cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.

Nhưng, những lời châm biếm đó cũng không che lấp được một thực tế rằng, cơ hội để nước Mỹ có một vị nữ tổng thống đầu tiên là rất cao.

So với một Obama tương đối vô danh khi ra tranh cử vào năm 2008, Hillary Clinton ở thời điểm hiện tại có nhiều ưu thế hơn rất nhiều, cả về kinh nghiệm lẫn danh tiếng trên chính trường.

Trước khi trở thành ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Obama, Hillary Clinton đã là đệ nhất phu nhân nước Mỹ của tổng thống Bill Clinton, do đó bà này không lạ lẫm gì với những công việc chính trị.

Sự thể hiện của cựu đệ nhất phu nhân nước Mỹ trong vai trò ngoại trưởng Mỹ cũng được đánh giá cao, khi Hillary được xem là ngoại trưởng để lại nhiều dấu ấn nhất so với hàng loạt các ngoại trưởng trước đó vốn bị coi là rất mờ nhạt.

Chính khả năng và kinh nghiệm cùng danh tiếng đạt được trên ghế ngoại trưởng, đã đủ để đưa Hillary Clinton trở thành ứng cử viên cho chiếc ghế tổng thống tiếp theo.

Một Obama khá vô danh còn có thể giành chiến thắng năm 2008, thì tại sao một Hillary đầy kinh nghiệm và bản lĩnh lại không thể giành thắng lợi trong năm 2015?

Việc đánh giá quan điểm về chính trị của Hillary Clinton, vì thế đang trở thành mối quan tâm hàng đầu trên thế giới.

Vì một khi trúng cử, các nước trên thế giới sẽ buộc phải dựa vào quan điểm chính trị của bà này để xây dựng chính sách cho mình.

Trung Quốc cũng không là ngoại lệ. Thậm chí nếu xét về mọi mặt, Trung Quốc sẽ là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ kết quả cuộc bầu cử tổng thống này.

Không chỉ ở việc Trung Quốc đang là nền kinh tế thứ hai thế giới, mà còn vì nước này sẽ là đối tượng được quan tâm hàng đầu của Mỹ trong nhiệm kỳ tới, bất kể tổng thống Mỹ là ai.

Chiến lược xoay trục về châu Á Thái Bình Dương của Mỹ là không thể ngăn cản. Đánh giá quan điểm chính trị của các ứng viên tổng thống, là yêu cầu cấp bách hàng đầu đối với Trung Quốc so với phần còn lại của thế giới.

Chỉ có điều, công việc đánh giá ấy cũng không hề dễ dàng. Với những nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hillary Clinton là một ẩn số khó hiểu.

Hillary hiện lên trong mắt Bắc Kinh là một người khôn ngoan và cởi mở trong vai trò đệ nhất phu nhân của tổng thống Bill Clinton.

Sức hấp dẫn và thu hút của đệ nhất phu nhân này ở Trung Quốc là không thể phủ nhận, khi cuốn sách Living History của bà này là một trong những cuốn sách bán chạy nhất ở Trung Quốc năm 2003.

Nhưng khi hiện diện trong cương vị ngoại trưởng Mỹ, Bắc Kinh lại thấy ở Hillary Clinton một chính khách thuộc phe diều hâu, cứng rắn, luôn có xu hướng công kích Trung Quốc trong các vấn đề về thương mại, nhân quyền và tranh chấp lãnh thổ.

Sự khó đoán của Hillary Clinton còn thể hiện ở việc, một mặt bà này không hề bỏ lỡ dịp nào để bày tỏ thiện cảm với đất nước và người dân Trung Quốc, nhưng lại cứng rắn và gắt gỏng trong những cuộc tiếp xúc ngoại giao với quan chức Trung Quốc.

Điều này đang dẫn tới một thực tế không dễ chịu lắm với Bắc Kinh, rằng một khi trở thành tổng thống Mỹ, Hillary Clinton sẽ tiếp tục thể hiện sự cứng rắn ấy trong chính sách với Trung Quốc. Đó là điều Bắc Kinh không mong đợi ở một vị tổng thống từ đảng Dân Chủ.

Vì một thực tế rằng, chiến lược xoay trục về châu Á Thái Bình Dương của Mỹ là điều không thể ngăn cản. Và bất kể tổng thống Mỹ sắp tới là từ đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa thì cũng đều sẽ thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc, như một sự bắt buộc.

Mặc dù vậy, nếu đánh giá một cách toàn diện, thì Hillary Clinton vẫn sẽ là một lựa chọn tốt hơn với Trung Quốc.

Xu hướng của đảng Dân Chủ vẫn là tập trung vào các vấn đề trong nước hơn là quốc tế.

Các tổng thống từ đảng Dân Chủ như Bill Clinton hay Obama đều lấy thành công trong nước như bàn đạp để tạo uy tín và chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai. Hillary Clinton cũng không phải là ngoại lệ.

Dù chắc chắn thái độ của Hillary với Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn khi trở thành tổng thống, nhưng chắc chắn vẫn sẽ dễ thở hơn so với một tổng thống từ đảng Cộng Hòa.

Các tổng thống từ đảng Cộng Hòa, như cha con nhà Bush, đều lấy thành công trong những vấn đề quốc tế làm mục tiêu. Và họ chẳng ngại ngần gì việc ép Trung Quốc đến cùng như một thắng lợi cần thiết nhất cho việc tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của họ.

Vì thế, dù người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố không quan tâm đến cuộc bầu cử ở Mỹ, thì Bắc Kinh vẫn đang mơ về Hillary Clinton.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại