Ván cược của Shinzo Abe: Tổng thống Putin sẽ nhượng bộ?

Hải Võ |

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây đã bày tỏ, ông sẵn sàng đến thăm Moscow trong vai trò Chủ tịch luân phiên 2016 của nhóm G7, hoặc sẽ gửi lời mời ông Putin tới Tokyo.

Mục đích của Shinzo Abe khi thúc đẩy cải thiện quan hệ với Nga

Lý do ông Abe đưa ra cho tuyên bố trên là "tình hình phức tạp ở Trung Đông cần sự tham gia mang tính xây dựng của Nga".

Chủ biên trang Tài chính-Kinh tế Đông Bắc Á (Trung Quốc) Quách Thiếu Anh hôm 19/1 đánh giá, Thủ tướng Nhật trên thực tế tính toán nhiều hơn đến vấn đề Quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc - khu vực hiện do Nga kiểm soát mà 2 nước đang có tranh chấp về chủ quyền.

Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm mạnh, đồng thời các biện pháp cấm vận của phương Tây đối với Nga vẫn được duy trì, nước Nga - trong tình trạng kinh tế vô cùng khó khăn - có thể sẽ nhượng bộ Tokyo trên bàn đàm phán nếu Nhật "ra tay" giúp đỡ.

Đây là "canh bạc" của Shinzo Abe, ông Quách nhận định.

Đòi chủ quyền Quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc là một trong những mục tiêu lớn nhất của ông Abe sau khi tái cử chức Thủ tướng và không kém quan trọng hơn việc sửa đổi "Hiến pháp hòa bình", điều mà ông đã đạt được một phần bằng Luật an ninh mới.

Theo Quách Thiếu Anh, sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản dễ dàng hơn nhiều so với việc tranh chấp lãnh thổ cùng Nga.

Dù vậy, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý tiến hành đàm phán với phía Nhật Bản về vấn đề lãnh thổ cũng được xem là một thành công đáng kể mà chính phủ của Thủ tướng Abe phải tốn nhiều công sức mới đạt được.

Đồng thời, ông Abe bên cạnh việc coi trọng quan hệ đồng minh với Mỹ cũng không bị "lép vế" trước sức ép từ Washington và thực hiện nhiều chủ trương theo ý tưởng độc lập của mình.

"Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa chính phủ Nga-Nhật về vấn đề tranh chấp lãnh thổ sẽ không đem lại kết quả gì," ông Quách bình luận.


Tổng thống Nga và Thủ tướng Nhật Bản gặp mặt tại khu nhà riêng Bocharov Ruchei của ông Putin tại Sochi, Nga ngày 8/2/2014. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga và Thủ tướng Nhật Bản gặp mặt tại khu nhà riêng Bocharov Ruchei của ông Putin tại Sochi, Nga ngày 8/2/2014. Ảnh: AFP

Cơ hội của ông Abe trong "ván cược Putin"

Trong bài viết tiêu đề "Thu hồi Vùng lãnh thổ phương Bắc: Nhiệm vụ bất khả thi của Shinzo Abe" hồi tháng 2/2015, Quách Thiếu Anh cũng nêu ra những đánh giá tiêu cực và viễn cảnh ảm đạm của đàm phán Nga-Nhật.

Các diễn biến trong năm 2015 cũng cho thấy đàm phán không có nhiều tiến triển. Tokyo và Moscow mới chỉ dừng lại ở việc tuyên bố lập trường của mỗi bên và chưa bên nào có động thái nhượng bộ, ngoài việc khẳng định "đàm phán sẽ tiếp tục".

Quách Thiếu Anh nói: "Trong tình hình đàm phán song phương không đạt được đột phá, ông Abe tin rằng lãnh đạo quốc gia cần phải quyết đoán về mặt chính trị.

Ai cần quyết đoán? Tất nhiên là Putin. Vậy làm thế nào để ảnh hưởng đến quyết định của Putin? Abe sẽ phải quyết định thực hiện chuyến công du Nga."

Tuyên bố "muốn thăm Nga" mới đây của ông Abe cho thấy thái độ cứng rắn trước sức ép của Mỹ, bởi Washington không mong muốn quan hệ Nga-Nhật được cải thiện và đã nhiều lần thể hiện lập trường này trong năm 2015.


Ông Putin và ông Abe tại hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2007 tại Heiligendamm, Đức. Thủ tướng Nhật đang nỗ lực để đưa Nga trở lại nhóm này. Ảnh: Gettty Images

Ông Putin và ông Abe tại hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2007 tại Heiligendamm, Đức. Thủ tướng Nhật đang nỗ lực để đưa Nga trở lại nhóm này. Ảnh: Gettty Images

Hôm 15/1, ông Abe tham dự hội nghị của Ủy ban ngân sách Thượng viện Nhật, bày tỏ quan điểm tích cực đối với việc mời ông Putin sang thăm Nhật Bản.

"Đối thoại với Nga rất quan trọng. Về việc tôi sang Nga hoặc ông Putin tới Nhật, song phương sẽ tìm kiếm thời điểm phù hợp," Thủ tướng Nhật nói.

Ông Abe chỉ ra, vấn đề tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật "không thể giải quyết nếu không đối thoại thượng đỉnh" và khẳng định Tokyo sẽ tranh thủ mọi cơ hội để triển khai đối thoại, đàm phán với Moscow.

Trước đó, cựu Thủ tướng Nhật Masahiko Komura hôm 12/1 đã có chuyến thăm Nga và chuyển thư tay của Thủ tướng Shinzo Abe tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, với kỳ vọng tạo chuyển biến trong cuộc đàm phán song phương.

Những nỗ lực hiện nay của Nhật Bản trên nhiều phương diện, đều tập trung vào việc thông qua hội nghị thượng đỉnh để thực hiện mục tiêu trên.

Theo ông Quách Thiếu Anh: "Đối với vấn đề này, điểm đáng chú ý đầu tiên là liệu Thủ tướng Abe có thuận lợi thực hiện chuyến công du Nga hay không.

Thứ hai là Putin có thực hiện chuyến công du Nhật trong năm nay hay không. Thứ ba là G7 dưới nỗ lực của Tokyo có đón nhận Nga trở lại hay không."

Chuyên gia này phân tích, bởi cả 3 trường hợp nêu trên đều có khả năng xảy ra, do đó vẫn tồn tại tỷ lệ nhất định khả năng, dù không lớn, rằng Nga sẽ chấp nhận thỏa hiệp một phần trong vấn đề tranh chấp Quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại