Việc Trung Quốc toan tính lớn ở miền bắc Úc, cũng khiến Mỹ - Nhật Bản quan ngại cho Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và cho Biển Đông, nơi mà TQ ngang ngược đòi độc chiếm.
Vùng đất chưa phát triển trong một quốc gia phát triển
Nước Úc rộng lớn, nhưng đa số thành phố lớn ở vùng đông nam. Không như thủ đô Canberra và các thành phố lớn ở bờ biển phía đông, bang Lãnh thổ Bắc (Northern Territory) chưa phát triển mạnh.
Nhưng đối với các nước châu Á, vùng này có tiềm năng lớn là nguồn lương thực và tài nguyên tự nhiên phong phú.
Một chuyến bay thẳng từ thủ phủ Darwin của Lãnh thổ Bắc đến Singapore, điểm đến hàng không lớn nhất Đông Nam Á chỉ mất 4 giờ rưỡi bay. Nhưng chưa có hãng lớn nào khai thác tuyến bay này, nên đa số du khách phải bay qua các thành phố đông nam Úc, tức phải ngồi gần 12 giờ trên máy bay.
Bộ trưởng thương mại Úc Andrew Robb nói với trang Nikkei: “Nơi này như một vùng chưa phát triển trong một quốc gia phát triển. Vùng đất lớn bằng Campuchia này chưa được phát triển, chưa ai đụng đến”.
Chính phủ Úc không thể khai thác tiềm năng của Lãnh thổ Bắc, vì tốn rất nhiều kinh phí phát triển vùng này. Lãnh thổ Bắc có 17 triệu héc ta đất nông nghiệp nhưng đa phần chưa được trồng trọt. Và dù ở đây có đủ lượng mưa, chỉ có 2 % được dùng cho tưới tiêu.
Úc hy vọng TPP sẽ giúp phát triển vùng này, đưa nó vào hệ thống cung cấp lương thực của châu Á.
Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng có thể thực hiện, vì dân số châu Á tăng nhanh, nguồn thu nhập tăng cũng có nghĩa nhu cầu lương thực cũng tăng theo.
Theo một nghiên cứu, tầng lớp trung lưu ở TQ và Đông Nam Á sẽ là 2,36 tỉ người từ năm 2030, tăng so với 1,95 tỉ người hồi năm 2015.
Theo tạp chí The Economist (Anh), nông sản-lương thực nhập vào TQ sẽ chiếm 29 % tổng sản lượng toàn cầu từ năm 2030, tăng 4 % so với hồi năm 2007.
Tạp chí này cũng dự báo: nguồn lương thực nhập vào các nền kinh tế châu Á đang nổi sẽ tăng từ 15 % lên 43 % trong thời gian cùng kỳ.
TQ mở rộng cảng Darwin, Mỹ-Nhật-Úc đề phòng mưu đồ độc chiếm Biển Đông của TQ
Vấn đề an ninh lương thực đang gây sức ép lên châu Á, và nước nào đó sẽ phải thỏa mãn nguồn cầu lương thực ngày càng tăng.
Vì thế, Lãnh thổ Bắc rộng lớn, màu mỡ, sạch và tương đối gần-thu hút sự chú ý, hứa hẹn là “giỏ bánh mì mới”. Nó cũng nâng tầm quan trọng của thành phố cảng Darwin như một cơ sở xuất khẩu lương thực.
Cho đến nay, mỗi TQ đầu tư mạnh vào miền bắc Úc. Ngày 13.10.2015, chính quyền bang Lãnh thổ Bắc ký một hợp đồng, cho công ty xây dựng cơ sở hạ tầng Sơn Đông Landbridge (TQ) thuê khai thác-hiện đại cảng Darwin suốt 99 năm.
Hợp đồng này trị giá 506 triệu USD. Thông tin của báo The Wall Street Journal cho biết giá trị hợp đồng là 500 triệu đô-la Úc (AUD, 366 triệu USD).
Công ty TQ hứa chi 35 triệu USD trong 5 năm tới để mở rộng cảng, và 200 triệu USD nữa trong 25 năm kế tiếp.
WSJ ngày 15.10.2015 đưa tin: hợp đồng này khiến một số quan chức quốc phòng Úc lo ngại an ninh quốc gia, vì cảng Darwin là nơi hàng ngàn quân Mỹ-Úc thường xuyên tập trận chung.
Mỗi năm, hàng ngàn lính thủy quân lục chiến Mỹ cùng chiến đấu cơ không quân Mỹ tập trận ở cảng Darwin, nơi cũng có hơn 15.000 quân nhân Úc (chiếm 2/3 trong tổng số quân lực chiến đấu Úc) trú đóng.
Vấn đề an ninh của Úc được đặt ra, vào lúc chính phủ nước này xem xét tăng cường liên minh với Mỹ, gồm khả năng tàu chiến Mỹ-Úc cùng rời cảng Darwin tuần tra Biển Đông, nơi TQ có những hành vi hung hăng độc chiếm gần như toàn bộ vùng biển có tuyến hàng hải trị giá 5.000 tỷ USD/năm này.
Cảng Darwin cũng là tuyến đường gần nhất đến Biển Đông. Theo thỏa thuận với Mỹ, Úc sẽ đón nhiều tàu chiến, máy bay và quân Mỹ để có nhiều cuộc tập trận hơn.
Một số cuộc tập trận còn có sự tham gia của Nhật Bản, Ấn Độ, điều sẽ khiến TQ càng ngán chiến lược kiềm chế TQ của Mỹ và đồng minh.
Các nhà ngoại giao TQ đã chỉ trích Úc về thỏa thuận này, cùng việc Úc ủng hộ Mỹ yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt hành xử hung hăng trên Biển Đông.
Tại kỳ họp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Philippines hồi tháng 11.2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề nghị Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull giải thích vụ công ty TQ thuê cảng Darwin. Ông Turnbull nói đấy chỉ là một hợp đồng thương mại thuần túy.
Chuyện TQ thuê cảng Úc cho thấy Úc khó xử khi muốn đào sâu quan hệ quân sự-chính trị chiến lược với Mỹ, trong khi ngày càng lệ thuộc nền kinh tế TQ, đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Năm ngoái, thương mại song phương đạt 142 tỉ (AUD so với 40 tỉ AUD đạt được với Mỹ.
Cải thiện hoạt động của cảng Darwin là phần chủ lực trong tham vọng của chính phủ Úc: tăng tốc phát triển miền bắc ít dân cư, nhằm kích cầu xuất khẩu sang châu Á và ngăn chặn nền kinh tế Úc giảm tốc.
Các quan chức chính phủ TQ gần đây dự một hội thảo cấp cao về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Darwin, trong khi các nhà đầu tư TQ ồ ạt thuê nhà, nông trại, công ty thực phẩm Úc.
Có tin một hãng hàng không TQ đang xem xét mở tuyến bay trực tiếp giữa Hoa lục với Darwin.
Đây là một sự đáng lo cho Mỹ và Nhật Bản, vì nó có thể ngăn chặn Mỹ-Nhật lập một trật tự kinh tế mới ở Thái Bình Dương, thông qua TPP.
Việc Mỹ cùng nhiều nước đạt được TPP cũng khiến Bắc Kinh tăng tốc lập một vùng kinh tế châu Á do TQ dẫn đầu.
TQ rõ ràng muốn đạt hợp đồng thuê cảng Darwin, để nâng cao vị thế ở bắc Úc, trước khi TPP có hiệu lực. Một khi TPP có hiệu lực, các nước tham gia gồm Mỹ-Nhật và Singapore chắc chắn sẽ tăng cường đầu tư và thương mại ở khu vực này.
Phải mất khoảng 2 năm để TPP có hiệu lực, vì cần 12 nước thông qua. Đến lúc đó, TQ đã có thể nắm quyền kiểm soát một vùng thương mại chủ lực của nước Úc.