Ukraine mời người nước ngoài nắm trọng trách chính phủ làm gì?

Hùng Mạnh |

Truyền thông Ukraine cho biết, Tổng thống nước này đã xây dựng lộ trình để tiến hành bổ nhiệm người nước ngoài nắm giữ vị trí chủ chốt trong chính phủ.

Kiev sửa luật để mời người nước ngoài vào chính phủ

Ngày 27-11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã công bố kế hoạch thay đổi luật để cho phép có thể bổ nhiệm người nước ngoài đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong chính phủ, một động thái “chưa có tiền lệ”, và có thể cho thấy rằng nước này sẽ bị “chỉ đạo từ bên ngoài.”

Phát biểu trước phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới, ông Poroshenko cho rằng: “Ý tưởng của tôi là thay đổi luật pháp để cho phép người nước ngoài tham gia vào các cơ quan nhà nước, trong đó có chính phủ hoặc để mở rộng danh sách những người mà tổng thống Ukraine có thể trao quốc tịch Ukraine với một thủ tục nhanh chóng.”

Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh rằng việc những người nước ngoài đó sẵn sàng chấp nhận quốc tịch Ukraine để đảm nhiệm những chức vụ trên sẽ “thừa nhận cam kết mạnh mẽ của các đối tác và những ứng cử viên tiềm năng của chúng ta.”

Trước các đại biểu quốc hội, ông Poroshenko cũng đã đề nghị bổ nhiệm một người nước ngoài làm người đứng đầu Cục chống tham nhũng quốc gia mới thành lập.

Ông chỉ rõ rằng người nước ngoài sẽ có một “lợi thế” đặc biệt, do họ không có liên quan đến giới chính trị của Ukraine.

“Không có ai sẽ là người đỡ đầu của bất cứ ai”, ông nói khi đề cập đến “chủ nghĩa gia đình trị” chính trị.

Trước đó, Thủ tướng Arseny Yatsenuk cũng đã đề nghị đặt ra một chức vụ mới, đó là Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề “hội nhập châu Âu”, đồng thời đề xuất bổ nhiệm một nhà lãnh đạo châu Âu đảm nhiệm chức vụ này.

Ukraine sửa luật để nhanh chóng gia nhập EU và NATO?
Ukraine sửa luật để nhanh chóng gia nhập EU và NATO?

Hôm 27-11, ông Yatsenyuk đã được các nhà lập pháp phê chuẩn tiếp tục đảm nhiệm chức thủ tướng Ukraine, trong phiên họp đầu tiên của quốc hội mới sau khi 5 đảng phái chính trị tại Ukraine thành lập một liên minh cầm quyền thân châu Âu trong quốc hội.

Poroshenko cho rằng tất cả quan chức Ukraine đều tham nhũng?

Nếu Kiev thực sự có kế hoạch đề xuất trao các vị trí chủ chốt trong chính phủ cho công dân của các nước khác, thì đây là tình huống chưa có tiền lệ - một chuyên gia chính trị Ukraine nói với RIA Novosti, đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về tính pháp lý của một động thái như vậy.

Ông cho rằng, những trường hợp như vậy không thể xảy ra trong thực tế của nền chính trị hiện đại, khi một ai đó không có quyền tiếp cận đến bí mật nhà nước, ngay cả về mặt lý thuyết - do người ấy là một công dân của một quốc gia khác - được mời nắm giữ một chức Bộ trưởng hay Phó Thủ tướng trong chính phủ của một quốc gia có chủ quyền.

“Tôi cho rằng đây là một minh chứng nữa của tình trạng ‘xuống dốc về chính trị’ và lòng trung thành thấp kém với cái gọi là sự lựa chọn châu Âu” - ông Mikhail Pogrebinskiy, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị và quản lý xung đột của Ukraine cho biết.

Việc này sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi là liệu kế hoạch của Tổng thống Poroshenko về việc bổ nhiệm một người nước ngoài làm người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng của chính phủ có cho thấy một điều là ông thiếu hoàn toàn niềm tin vào chính nhân dân của mình hay không?

Và “lý do mà Tổng thống Ukraine đưa ra cũng gây ngạc nhiên, ông Poroshenko cho rằng tất cả công dân Ukraine khi đảm nhiệm chức vụ này cũng có thể sẽ tham nhũng hay sao?” ông Pogrebinskiy đặt câu hỏi.

Dự luật này liệu có được quốc hội Ukraine thông qua?
Dự luật này liệu có được quốc hội Ukraine thông qua?

Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn lời các nguồn tin cho rằng người nước ngoài có thể được trao các vị trí đứng đầu tại các bộ tài chính, năng lượng và sản xuất than, và cơ sở hạ tầng, và cũng có thể cả chức phó thủ tướng.

Ông Denis Denisov, người đứng đầu chi nhánh Ukraine của Viện CIS, nói với RIA Novosti rằng, ông Aleksander Kwasniewski, bạn thân của Tổng thống Poroshenko và là cựu Tổng thống Ba Lan giai đoạn 1995-2005, được cho là đã được đề xuất đảm nhiệm một vị trí chưa xác định trong chính phủ Ukraine.

Theo ông Denisov, hiện tại có nhiều chuyên gia nước ngoài, chủ yếu là từ Mỹ và châu Âu, đang cố vấn và làm việc trong nhiều cơ quan chính phủ và các bộ ngành khác nhau của Ukraine.

Thực tế này đã đặt Ukraine dưới sự kiểm soát từ bên ngoài, điều đó có nghĩa là hiện các hoạt động của Kiev đều do Mỹ và EU “giật dây”.

Ukraine chưa được chào đón trở thành thành viên EU và NATO

Trong bài phát biểu trước Quốc hội, ông Poroshenko cho rằng tình trạng trung lập đứng ngoài khối của Ukraine đã được chứng minh là không hợp lý và cần phải từ bỏ.

Vì vậy, Ukraine đã quay trở lại ý tưởng hội nhập NATO. Quân đội Ukraine sẽ tăng cường hợp tác với các lực lượng vũ trang NATO và định hướng lại theo tiêu chuẩn của khối này.

Ông tuyên bố rằng việc thực hiện cải cách tại Ukraine sẽ cho phép nước này được công nhận tư cách thành viên EU trong 5 năm.

Tư cách thành viên EU là yêu cầu chính của những người tham gia vào các cuộc biểu tình Maidan, dẫn đến cuộc đảo chính vũ trang lật đổ cựu Tổng thống Viktor Yanukovych hồi đầu năm nay.

Ukraine vẫn chưa được EU và NATO chào đón
Ukraine vẫn chưa được EU và NATO chào đón

Bất kể nguyện vọng của ông Poroshenko, các quan chức EU đã nhiều lần khẳng định rằng liên minh này chưa sẵn sàng chào đón Ukraine trở thành một thành viên.

Hôm 24-11, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Der Spiegel rằng ông không tin việc Ukraine gia nhập EU trong tương lai gần sẽ trở thành hiện thực, vì việc hiện đại hóa kinh tế và chính trị của Ukraine là một “dự án cho nhiều thế hệ”.

Ông Steinmeier cũng cho rằng, ông phản đối Ukraine gia nhập NATO và sẽ cân nhắc ủng hộ khả năng hợp tác.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo i-Tele ngay sau bài phát biểu nhậm chức của ông Poroshenko, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng cho rằng ý tưởng gia nhập EU của Ukraine cũng sẽ không nhận được sự ủng hộ của “các đồng nghiệp phương Tây của ông”.

Ngoài ra, trong bài phát biểu hôm 27-11, ông Poroshenko cũng loại trừ khả năng liên bang hóa Ukraine khi cho rằng 100% người dân nước này ủng hộ một nhà nước thống nhất, không áp dụng chế độ liên bang, theo yêu cầu của lực lượng ly khai tại các khu vực miền đông Donetsk và Lugansk.

Trong khi chính quyền Kiev liên tục bác bỏ ý tưởng liên bang hóa, thì hôm 26-11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho rằng Ukraine cần phải thực sự trải qua liên bang hóa và nhấn mạnh rằng đây có thể là một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại nước này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại