Theo hãng thông tấn TASS, đã có khoảng 3.000 người xuống đường tại Kiev vào ngày 6/6 để lên án chính phủ vì không đưa ra được chính sách cải tổ và khiến nền kinh tế mất ổn định.
Rất nhiều người đã mang những biểu ngữ như “Chúng tôi đói”, “Hãy tăng tiền lương hưu” và một số dòng chữ chống lại những người đồng tính và tuần hành dọc từ phố Khreshchatyk cho đến quảng trường Maidan ở trung tâm thủ đô Kiev.
Có người đã lớn tiếng đòi các quan chức trong chính phủ hiện tại phải từ chức còn Tổng thống Petro Poroshenko thì phải bị đưa ra tòa xét xử, bởi họ không đủ năng lực giải quyết những vấn đề của đất nước.
Người biểu tình đã yêu cầu tăng tiền trợ cấp xã hội và chấm dứt bạo lực ở miền Đông Ukraine. Cảnh sát đã được điều đến khu vực có biểu tình và đảm bảo trật tự an ninh tại đây.
Trong khi đó, ngày 5/6, một cuộc diễu hành do những người đồng tính tổ chức đã diễn ra tại Kiev, tuy nhiên nó đã kết thúc nhanh chóng khi các phần từ cực hữu đã tấn công bằng bom khói và ném đá vào những người tham gia.
Theo các hãng tin của Ukraine, đã có 5 sĩ quan cảnh sát bị thương, trong đó 1 người bị thương rất nặng, và khoảng 30 kẻ tấn công bị bắt sau đó.
Đã có 3.000 người tham gia phản đối chính quyền Ukraine hiện tại.
Chuyên gia phân tích chính trị Aleksandar Pavic trả lời hãng RT rằng, kể từ sau cuộc khởi nghĩa Maidan, chất lượng sống và quyền lợi của người dân đã đi xuống và điều đó đã khiến những cuộc biểu tình phản đối chính quyền Kiev hiện tại đã nổ ra.
“Kể từ sau Maidan năm 2014 không ai ở Ukraine có cuộc sống tốt đẹp hơn, ngoại trừ những người đứng đầu các tổ chức đằng sau cuộc khởi nghĩa Maidan”, Pavic cho biết.
Từ thời điểm cuộc cách mạng xảy ra, Ukraine đã trở thành một “chế độ của ông trùm dầu lửa” và chính phủ đã bỏ qua “một số lượng lớn người dân có quyền được phát biểu về vấn đề chính trị”, ông nói.
“Nếu ta nhìn vào cuộc sống của họ vào một năm rưỡi trước, tôi tin không ai là không nhân ra sự suy giảm về chất lượng sống cũng như quyền công dân của họ”.
Ngay cả dưới thời Yanukovich, Ukraine “có lối sống gần với châu Âu hơn”, ông Pavic nói. “Người dân được sống trong hòa bình, có hy vọng phát triển kinh tế và được các nước phương Tây và phương Đông đầu tư”.
Cuộc biểu tình ở Maidan ban đầu là một cuộc đấu tranh hòa bình chống lại Tổng thống Ukraine thời đó là Viktor Yanukovich khi ông từ chối ký vào một thỏa thuận hợp tác với EU vào cuối năm 2013.
Tuy nhiên, nó đã biến thành một cuộc xung đột và trở thành và khiến ông Yanukovich cùng chính phủ của ông bị lật đổ vào tháng 2/2014.
Mặc dù chính quyền mới đã hứa sẽ cải cách về chính trị và xã hội để nâng cao kinh tế và củng cố chế độ dân chủ giống các nước EU, để Ukraine sau này có thể gia nhập vào khối này. Lãnh đạo của EU vẫn tỏ ra khá dè dặt trong việc chào đón Ukraine.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk phát biểu tại cuộc họp về hợp tác giữa các nước phương Đông tại thủ đô Riga ở Latvia rằng: “Họ có quyền mong muốn, nhưng có lẽ việc gia nhập sẽ chưa thể thực hiện được trong tương lai gần”.