Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) mới đây cho hay, ông Vương Kiện Lâm đã có bài diễn thuyết theo chương trình "lớp học công khai" tại trường Đại học Harvard, Mỹ hôm 29/10 (giờ địa phương).
Trong bài nói chuyện, ông Vương đã trả lời trực tiếp một số câu hỏi liên quan đến vấn đề cổ phần trong tập đoàn số 1 Trung Quốc này.
Vương Kiện Lâm cho biết: "Công ty do vợ chồng Tề Kiều Kiều và Đặng Gia Quý nắm giữ cổ phần từng đầu tư vào Công ty Wanda Shangye, nhưng đã chuyển nhượng toàn bộ trước khi công ty của Wanda niêm yết trên sàn chứng khoán."
Bà Tề Kiều Kiều là con gái của nguyên lão cách mạng, cựu Phó thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân. Bà cũng chính là chị ruột Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tờ Caixin của Trung Quốc đã đăng tải tiết lộ trên của ông Vương và được nhiều tờ báo lớn của nước này dẫn lại, tuy nhiên bài báo này đã đồng loạt bị gỡ khỏi các trang lớn ngay trong ngày 30/10.
Ông chủ tập đoàn Wanda, Trung Quốc Vương Kiện Lâm. Ảnh: Reuters
Anh rể ông Tập "chấp nhận hy sinh to lớn"
Vương Kiện Lâm đã nhận được câu hỏi từ Giáo sư kinh doanh ĐH Harvard Willy Shih: "Tờ New York Times từng đưa tin Wanda phát triển nhanh chóng chủ yếu nhờ vào 'bối cảnh', bao gồm việc thân nhân ông Tập Cận Bình và các quan chức khác sở hữu cổ phần. Điều này có thật hay không?"
Ông Vương cho hay, hồi tháng 8/2008, công ty bất động sản Wanda Shangye thuộc tập đoàn của ông đã ủy thác 2 công ty tài chính lớn nhất Trung Quốc thời điểm đó là Chứng khoán Ngân Hà và Công ty cổ phần tài chính quốc tế Trung Quốc (CICC) thực hiện kêu gọi vốn.
Trong số các nhà đầu tư vào đây, công ty bất động sản Qinchuan Dadi mà vợ chồng Đặng Gia Quý, Tề Kiều Kiều nắm giữ cổ phần cùng hơn 10 công ty khác đã tham gia góp cổ phần vào Wanda Shangye.
Đến tháng 12/2014, do nhiều nguyên nhân nên Wanda Shangye mới niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông.
Theo lời ông Vương, 2 tháng trước khi công ty này bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Đặng Gia Quý đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu của Wanda Shangye với giá thấp. Khi công ty này "lên sàn", vợ chồng chị gái ông Tập Cận Bình đã không còn là cổ đông.
Vương Kiện Lâm nói trong trước các cử tọa ở ĐH Harvard: "Vụ việc là một sự hy sinh to lớn của ông Đặng Gia Quý. Ông đã kiên trì đầu tư trong 6 năm liền, đến khi có thể thu về lợi nhuận lớn thì lại không làm.
Điều này trên thực tế đã chứng minh Chủ tịch Tập Cận Bình 'trị quốc nghiêm, trị gia càng nghiêm'."
Theo SCMP, ông Vương cũng khẳng định Wanda "không có bối cảnh gì" và sự phát triển của tập đoàn này "chủ yếu dựa vào mô hình và cách thức quản lý".
"Thứ nhất, cho đến nay rất khó để tìm được một doanh nghiệp giống như Wanda trên toàn thế giới. Chúng tôi có thể tuyên bố ngày khai trương của hàng chục trung tâm thương mại và khách sạn ngay khi khởi công mỗi năm và bảo đảm khai trương đúng vào thời gian cam kết.
Thứ hai, hệ thống rạp chiếu phim AMC của Mỹ vốn làm ăn bết bát nhiều năm, sau khi được Wanda sáp nhập đã tăng trưởng đều đặn. Khi IPO vào năm thứ hai, Wanda thu được giá trị khổng lồ.
Hai ví dụ này chứng minh Wanda phát triển dựa vào năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp," người giàu nhất Trung Quốc tuyên bố.
"Lớp học công khai Harvard" là một thương hiệu nổi tiếng của trường đại học này, do giáo sư của Harvard hoặc những nhân vật nổi tiếng diễn giảng, sinh viên được phép tự do đăng ký tham gia. Trong quá khứ đã có 8 vị Tổng thống Mỹ tới phát biểu ở đây.
Vương Kiện Lâm là doanh nhân Trung Quốc đầu tiên trở thành "người đứng lớp" tại chương trình này.
SCMP cho hay, danh sách những người giàu Trung Quốc theo số liệu do tạp chí Forbes (Mỹ) công bố hôm 26/10 cho thấy Vương Kiện Lâm tiếp tục trở thành người giàu nhất của quốc gia này với tài sản khoảng 30 tỉ USD.
Tập đoàn Wanda được ông Vương sáng lập vào năm 1988, chủ yếu kinh doanh ở 3 lĩnh vực: Bất động sản, văn hóa, tài chính.
Trong đó, Wanda Shangye hiện là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có quy mô lớn nhất toàn cầu. Tính đến cuối năm 2014, công ty này đã khai trương 125 Quảng trường Wanda, 81 khách sạn với tổng diện tích 21.57 triệu mét vuông trên toàn Trung Quốc.