Tính tới hôm nay (11/11), 3 ngày sau cuộc bầu cử lịch sử ở Myanmar, kết quả cuối cùng vẫn chưa được công bố nhưng hôm 9/11, đảng Đoàn kết Thống nhất và Phát triển (USDP) cầm quyền do quân đội hậu thuẫn đã phải thừa nhận thất bại trước đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) nhận định, dù kết quả bầu cử chính thức như thế nào, quân đội Myanmar vẫn nắm giữ một thế lực quan trọng can thiệp vào tình hình chính trị quốc gia.
Theo đó, quân đội Myanmar nắm quyền điều hành đất nước sau cuộc đảo chính năm 1962 và từng không ít lần mạnh tay đàn áp các cuộc cách mạng ủng hộ nền dân chủ.
"Cuộc bầu cử hôm 8/11 vẫn chưa đánh dấu thắng lợi toàn diện của nền dân chủ ở Myanmar", chuyên gia Ellen Bork tại Viện Chính sách ngoại giao Mỹ nhấn mạnh:
"Trong những năm qua, rõ ràng, quân đội Mynamar và đảng cầm quyền USDP không hề quan tâm tới việc chuyển đổi sang nền dân chủ bởi nó sẽ khiến họ mất quyền lực".
Bên cạnh việc đưa các cựu quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền vào nắm giữ những vị trí ở Nội các, quân đội Myanmar còn tự trao cho mình quyền lực hiến pháp để gây ảnh hưởng với chính phủ của bất cứ ai được bầu lên làm Tổng thống.
Thậm chí, trong trường hợp khẩn cấp, một cơ quan chuyên trách do quân đội chỉ huy còn có thể giành lại quyền quản lý đất nước. Hơn nữa, hiến pháp Mynamar hiện thời không cho phép bà Suu Kyi được giữ chức Tổng thống.
Lý do là bà đã kết hôn với một người nước ngoài là nhà sử học Oxford quá cố Michael Aris và có hai người con trai mang quốc tịch Anh.
Do đó, trên phương diện không chính thức, đảng NLD của bà Suu Kyi vẫn chưa giành được thắng lợi tuyệt đối trước đảng USDP.
Trong buổi phỏng vấn với BBC, bà Suu Kyi tuyên bố đảng NLD của bà hy vọng giành được 75% số ghế trong tổng số 664 ghế trong Quốc hội Myanmar. Tuy nhiên, kết quả của cuộc bầu cử hôm 8/11 đang được thông báo một cách chậm chạp.
Tính tới hôm nay, theo Uỷ ban bầu cử Myanmar, NLD đã giành 78 trong 88 ghế Hạ viện và 29 trong 33 ghế Thượng viện.
"Chiến thắng vang dội của đảng NLD là bước đi đầu tiên trong tiến trình đàm phán diễn ra trong vài tuần và vài tháng nữa giữa NLD và giới quyền lực quân đội kiểm soát hiến pháp", phó Giám đốc phụ trách bộ phận châu Á thuộc tổ chức giám sát nhân quyền ở New York, ông Phil Robertson nói.
"Họ xây dựng một cấu trúc chính trị để ngăn bà Aung San Suu Kyi không được giữ quyền Tổng thống và bị đưa vào tầm kiểm soát cũng như ảnh hưởng của họ", ông Robertson nói thêm.
Theo quy định của hiến pháp Myanmar, ngay cả khi NLD giành một tỷ lệ lớn trong tổng số 664 ghế trong Quốc hội, đảng USDP do quân đội hậu thuận vẫn sẽ tự động giữ 25% số ghế.
Điều quan trọng là, dù có thua trong cuộc bầu cử, quân đội vẫn sẽ giữ lại các vị trí bộ trưởng quan trọng gồm quốc phòng, nội vụ và biên phòng. Theo hiến pháp, quân đội có thể kiểm soát tổng thể chính phủ, bao gồm cả quản lý kinh tế nếu họ thấy cần thiết.
"Dù có ai hậu thuẫn, bà Aung San Suu Kyi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn nếu như đối đầu với quân đội. Hành động này không khác gì như việc đâm đầu vào tường", chuyên gia Robertson chia sẻ.
Còn theo nhà phân tích chính trị độc lập ở Myanmar, Toe Kyaw Hlaing, do quân đội nước này vẫn đang nắm quyền đưa ra những quyết định chính trị quan trọng, đảng NLD và nhiều đảng phái chính trị khác không còn đường nào khác là hợp tác với quân đội.
Ngoài ra, Hội đồng Quốc phòng và An ninh của quân đội còn có cơ chế mạnh mẽ hơn cả Quốc hội cũng như được hiến pháp hậu thuẫn.
Do đó, chính phủ NLD sẽ khó có tiếng nói lớn. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lực thực sự có thể vẫn nằm trong tay quân đội bất chấp thành công của NLD.
Vào năm 1990, sau khi đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử, các tướng lĩnh quân đội đứng đầu Myanmar đã bác bỏ kết quả, ra lệnh quản thúc bà và bỏ tù hàng nghìn người ủng hộ bà.
Người dân Myanmar vui mừng chào đón chiến thắng của đảng NLD. (Ảnh minh họa)
Theo dự đoán trong cuộc bầu cử hôm 8/11, đảng NLD đã giành được thắng lợi tương đương với kết quả bầu cử năm 1990. Chia sẻ với AP, một đồng minh của bà Suu Kyi, ông Tin Oo cho rằng đảng NLD đã giành được gần 81% số phiếu ủng hộ của cử tri.
Tuy nhiên, phát ngôn viên dảng NLD Win Htein cho rằng việc Ủy ban bầu cử chậm chạp công bố kết quả kiểm phiếu chính thức là có ý đồ riêng. "Uỷ ban Bầu cử đang cố trì hoãn vì họ muốn thực hiện mưu mẹo hay một điều gì đó", ông Htein nói.
Khi chia sẻ với BBC, bà Suu Kyi nhấn mạnh bà hy vọng quân đội Myanmar không bác bỏ kết quả chiến thắng bầu cử của đảng NLD như năm 1990. "Họ nhiều lần khẳng định sẽ tôn trọng suy nghĩ của người dân và thực thi kết quả của cuộc bầu cử", bà Suu Kyi nói.
Nếu như NLD giành được 2/3 số ghế trong Quốc hội Mynamar, đảng của bà Suu Kyi sẽ giành quyền kiểm soát nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng trong hệ thống chính trị ở quốc gia này.
Theo bà Suu Kyi, dù không được chính thức nắm quyền Tổng thống, bà vẫn sẽ lãnh đạo đất nước bằng cách đặt vị trí của mình là "trên cả Tổng thống".
Trong thời gian tới, quân đội và các đảng phái chính trị quyền lực nhất ở Thượng viện và Hạ viện sẽ đề cử ứng viên cho vị trí Tổng thống. Theo đó, sau ngày 31/1/2016, toàn bộ 664 nghị sĩ sẽ bỏ phiếu và bầu ra một Tổng thống và hai người khác nắm chức phó Tổng thống.