Tướng Thụy Điển: Phải sẵn sàng "khai chiến" với Nga

Hải Võ |

Theo một lãnh đạo cấp cao của quân đội Thụy Điển, trong vài năm tới, quốc gia này có thể sẽ phải đối đầu với một "đối thủ tầm cỡ".

Theo RT (Nga), thông điệp cảnh báo trên được cho là do Thiếu tướng Anders Brännström nêu trong tài liệu nội bộ chỉ phát cho những người tham gia một sự kiện thường niên quan trọng tổ chức vào tuần tới ở Boden, Thụy Điển.

Tại sự kiện này, các quan chức cấp cao của quân đội, chính phủ cùng các học giả Thụy Điển và đại diện một số nước quan trọng sẽ tham gia thảo luận sự phát triển quân sự của nước này.

Brännström viết trong tài liệu bị lộ trên tờ Expressen, Thụy Điển hôm 27/1: "Cục diện toàn cầu mà chúng ta đang đứng trong đó, đồng thời được làm rõ bằng quyết định chiến lược, đã đưa đến kết luận là chúng ta có thể rơi vào một cuộc chiến tranh trong vài năm tới.

Đối với quân đội của chúng ta, cùng với mọi nguồn lực có thể huy động, chúng ta phải thực hiện các quyết định chính trị."

Theo ông, lực lượng vũ trang Thụy Điển phải "có đủ khả năng tiến hành chiến tranh vũ trang chống lại kẻ địch tầm cỡ".

Dù viên tướng Thụy Điển không chỉ đích danh danh "đối thủ tầm cỡ" là nước nào, nhưng truyền thông phương Tây đa phần lý giải ông Brännström đề cập tới Nga.

Tờ Daily Express của Anh nói rằng đây là lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây một quan chức cấp cao quân đội Thụy Điển nhận định nước này đang đứng "bên thềm" chiến tranh.

Ibtimes (Mỹ) thì đánh giá, quân đội Thụy Điển muốn cảnh báo "Thế chiến 3" có thể bùng phát trong tương lai vài năm sắp tới và nhắc nhở giới quân sự nước này chuẩn bị sẵn sàng.

Stockholm và Moscow hiện chưa lên tiếng về thông tin "bị lộ" nêu trên, nhưng hãng RT chú thích rằng, Expressen là một tờ báo dạng "lá cải" ở Thụy Điển.


Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Phương Tây muốn Thụy Điển "tiên phong" chống Nga?

RT cho hay, Thụy Điển đã không tham gia bất kỳ cuộc chiến nào kể từ năm 1814, khi nước này sử dụng quân sự ép Na Uy nhập vào một liên minh tồn tại đến tận năm 1905.

Thụy Điển giữ vị trí trung lập trong cả hai cuộc Chiến tranh thế giới của thế kỷ XX và duy trì lập trường không đối đầu trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dựa trên một hệ thống gọi là "phòng thủ toàn diện" để ngăn chặn "khả năng Liên Xô xâm phạm".

Kể từ thập niên 1990, quốc gia Bắc Âu này đã thu nhỏ quy mô quân đội. Năm 2010, Thụy Điển bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự thời bình và chỉ sử dụng lực lượng tình nguyện.

Đến năm 2014, chế độ trên được khôi phục sau khi Nga-Mỹ rơi vào trạng thái đối đầu hết sức căng thẳng bởi cuộc khủng hoảng Ukraine, làm dấy lên quan ngại về tình hình an ninh châu Âu.

Cũng trong năm này, Hải quân Thụy Điển phải tiến hành một cuộc tìm kiếm quy mô và tốn kém bởi thông tin "tàu ngầm Nga xuất hiện" đã khiến truyền thông của họ kích động.

Tuy nhiên, Thụy Điển sau đó không tìm được gì. Quân đội cuối cùng xác định bức ảnh "tàu ngầm Nga" trên thực tế chỉ là ảnh chụp một chiếc tàu bình thường.

RT cho biết, vụ "hớ" trên không ngăn cản được quân đội Thụy Điển đề xuất tăng gói ngân sách quốc phòng giai đoạn 2016-2020 thêm 696 triệu USD để "sẵn sàng đối phó mối đe dọa gián điệp từ tàu ngầm Nga".

Đồng thời, Stockholm cũng tỏ rõ thái độ muốn thắt chặt mối quan hệ với Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thậm chí trở thành một thành viên của liên minh này. Đây là động thái khiến Nga phản ứng gay gắt nhất và xem như "mối đe dọa an ninh quốc gia".

Trong khi đó, "sự xâm lược của Nga" mà tướng Brännström nêu lên trên thực tế vẫn không thực sự trở thành nhận thức về một mối đe dọa trong quân đội Thụy Điển.

Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Thụy Điển Micael Byden, cấp trên của Brännström, từng nhấn mạnh rằng "không có đe dọa quân sự nào" đối với nước này.

Đánh giá trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, chuyên gia Hạ Nghĩa Thiện của Sở nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc cho rằng, thông tin "Thụy Điển chuẩn bị khai chiến với Nga" rất có thể chỉ là sự "tô vẽ" của truyền thông phương Tây như một đòn tâm lý với dư luận Nga.

Theo ông Hạ, bên cạnh một số lần xung đột trong quá khứ, Thụy Điển hiện nay cũng có mâu thuẫn với Nga trong vấn đề biển ở vùng Bắc Cực, nhưng điều này có thể giải quyết bằng lộ trình ngoại giao, không dẫn đến nguy cơ chiến tranh.

Ông bình luận: "Đối với Thụy Điển, họ sẽ không thực sự đưa mình vào thế đối đầu với Moscow.

Quốc gia này không hiếu chiến, dân số không nhiều và trang thiết bị quân sự không hiện đại. Ngoài ra, họ cũng sẽ không nghe theo quan điểm kích động từ phương Tây để làm 'tiên phong' trong cuộc chiến chống Nga.

Còn với Nga, họ đang đối mặt với tình hình kinh tế hết sức khó khăn, không cho phép Moscow nghĩ đến ý định gây hấn với Thụy Điển."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại