Theo hãng tin Reuters, ông Biden cùng các quan chức cấp cao Mỹ đang cố gắng thuyết phục giới lãnh đạo Ukraine đoàn kết và thực hiện những cải cách đã cam kết.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực, chia rẽ bên trong liên minh cầm quyền tại Kiev tiếp tục phát triển khiến nhiều chính sách bị đình trệ.
Giới phân tích chính trị nhận định, nếu các nhà lãnh đạo Kiev thất bại trong kế hoạch cải tổ đất nước, Washington, EU và IMF sẽ đối mặt với những chỉ trích do gạt bỏ mối quan hệ trước đó với Nga để tập trung hỗ trợ cho Ukraine.
Khi cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich - người được Moscow hậu thuẫn trốn chạy khỏi Kiev vào ngày 21.2.2014, Washington đã nhận thấy “đất sống” cho chính sách đối ngoại của mình tại quốc gia Đông Âu.
Mỹ hy vọng Ukraine mới sẽ thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Moscow, gia nhập liên minh phương Tây do cường quốc này dẫn đầu.
Sau khi Nga phản ứng bằng cách sáp nhập bán đảo Crimea và hậu thuẫn cho lực lượng chống đối tại miền đông Ukraine, Washington đã tăng gấp đôi những cam kết hỗ trợ đối với Kiev.
Ngoài ra, châu Âu cũng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga, đẩy mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây xuống mức thấp nhất từ sau Thế chiến thứ 2.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế đồng ý duy trì các gói hỗ trợ tài chính cho Ukraine nhưng yêu cầu quốc gia này tái cơ cấu các khoản nợ và một số hoạt động liên quan đến tài chính, chính trị và công nghiệp.
Ukraine ngay sau đó đã ban hành một loạt chính sách cải cách tích cực, nhằm đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi bắt đầu, nhiều cam kết của Kiev nhanh chóng bị lãng quên, bao gồm việc thanh tra các ngân hàng, đào tạo lại lực lượng cảnh sát và một số chính sách cấp thiết khác.
Điều này vô tình khiến Mỹ, EU và IMF cảm thấy “mất mặt” khi đặt nhiều hy vọng vào Ukraine.
Trong một tuyên bố trước Ủy ban Đối ngoại Quốc hội vào tháng 3.2015, nhà ngoại giao cấp cao Mỹ Victoria Nuland cho biết: “Ukraine đang tiến đến kế hoạch xây dựng một quốc gia mới theo cách riêng”. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy tình hình tại Ukraine đang có những diễn biến ngược lại.
Tại cuộc họp với Tổng thống Poroshenko, ông Biden đã đưa ra một số cảnh báo nguy hiểm cho tương lai của Ukraine và mối quan hệ giữa hai nước.
Một quan chức giấu tên cung cấp cho hãng tin Reuters: “Ông Biden cho biết tương lai của Ukraine rất quan trọng đối với Mỹ. Thời điểm hiện tại là cơ hội cuối cùng để giới lãnh đạo Kiev khắc phục những khó khăn. Sự kiên nhẫn của Washington dành cho Kiev sắp kết thúc”.
Ông Biden nói với cánh phóng viên trong chuyến thăm: “Chúng tôi đã dành khoảng 1.000 giờ để trao đổi các vấn đề bằng điện thoại”.
Phó tổng thống nhấn mạnh các cuộc gọi cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chú trọng vào một số chính sách hiện tại của Kiev, và nói đùa rằng thời gian gọi cho nhà lãnh đạo Ukraine còn nhiều hơn thời gian ông nói chuyện với vợ.
Một báo cáo từ Văn phòng Phó tổng thống cho biết ông Biden đã có 40 cuộc nói chuyện điện thoại với Tổng thống Poroshenko và 16 lần với Thủ tướng Arseny Yatseniuk kể từ năm 2014 đến nay.
Ngoài ra, Phó tổng thống cũng có 4 chuyến thăm đến Kiev trước đó và tiến hành nhiều cuộc họp với Tổng thống Poroshenko hay Thủ tướng Yatseniuk tại Washington hoặc châu Âu.