Iraq liệu đã thật sự "thắng" IS tại Ramadi?

Đức Huy |

Việc tái chiếm Ramadi có thể đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng...

Theo các báo cáo hôm qua (29/12), các lực lượng vũ trang Iraq đã giành được thắng lợi lớn nhất từ trước đến nay trong cuộc chiến chống IS, với việc tái chiếm thành phố Ramadi.

Tuy nhiên, theo phân tích của tạp chí The Daily Beast, tầm quan trọng của chiến thắng, cũng như ý nghĩa của nó trong chiến dịch lâu dài đánh bại IS, vẫn chưa thực sự rõ rệt.

Theo các quan chức quân đội Mỹ, binh sĩ Iraq, với sự trợ giúp từ các đợt không kích của liên minh phương Tây trong 5 tháng vừa qua, cuối cùng cũng đã chiếm được tòa thị chính bên trong thành phố, cũng như 50% diện tích thủ phủ tỉnh Anbar.

Không thể phủ nhận đây là thắng lợi lớn nhất của Iraq và liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu trước IS, nhưng nên nhớ chiến thắng này diễn ra tại thành phố IS nắm quyền kiểm soát trong thời gian ngắn nhất. Đó là chưa kể một vài địa điểm bên trong Ramadi vẫn nằm trong tay IS.


Quân đội Iraq tiến vào Ramadi

Quân đội Iraq tiến vào Ramadi

Theo The Daily Beast, đang có một sự "lạc quan cầm chừng" trong hàng ngũ quân đội Mỹ. Họ cho rằng việc để mất Ramadi cộng với thất bại trong việc đạt được bất kì một bước tiến đáng kể nào về mặt lãnh thổ trong năm qua là dấu hiệu cho thấy "gió đã đổi chiều" tại Trung Đông.

Phía Iraq ăn mừng gần như ngay lập tức, và có lẽ hơi sớm? Họ nói rằng đã kiểm soát toàn bộ Ramadi, nhưng sau đó đã phải rút lại tuyên bố này. Dù là cờ bay trên nóc tòa thị chính nay đã là cờ Iraq, nhưng IS vẫn kiểm soát một vài cứ điểm trong thành phố.

Thắng rồi sao nữa?

Theo The Daily Beast, những gì chính phủ Iraq (chủ yếu là người Shiite) sẽ làm tại Ramadi, thành phố nơi người Sunni chiếm đa số, sẽ quyết định xem liệu thắng lợi về mặt quân sự tại đây có thật sự "đáng".

Liệu chính phủ có sẵn sàng cung cấp vũ khí cho một lực lượng người Sunni và trao cho họ quyền hành lớn hơn trong việc điều hành thành phố? Liệu Baghdad có sẵn sàng tái thiết Ramadi để những người Sunni lánh nạn có thể trở về?

Hay liệu một nhóm Hồi giáo cực đoan khác sẽ lợi dụng nỗi khổ của phe thiểu số (mà ở Iraq là người Sunni), và lại tiếp nối vòng luẩn quẩn hàng chục năm qua tại Trung Đông?

Nhà nghiên cứu chống khủng bố
Daveed Gartenstein-Ross
Một trong những yếu tố quan trọng giúp giữ vững ổn định lâu dài [tại Ramadi] là việc chính phủ phải cho người dân thấy nơi đây dành cho họ. Nhưng chưa rõ liệu chính phủ Iraq sẽ tiến xa tới đâu trong đường lối chính trị theo giáo phái của họ.  

Đến nay vẫn chưa rõ lực lượng dân quân Shiite, với sự hậu thuẫn của Iran, có vai trò như thế nào trong trận đánh Ramadi. Điều này rất quan trọng, bởi việc giải phóng Ramadi được không ít người xem như một nước cờ do Iran đạo diễn chứ không phải do Iraq "tự lực tự cường".

Nếu sự thật là như vậy, căng thẳng giáo phái sẽ gia tăng và nhiều khả năng sẽ cô lập hơn nữa bộ phận người dân Sunni, những người mà theo các chuyên gia phân tích, sự trợ giúp của họ đóng vai trò tối quan trọng đối với mục tiêu loại bỏ IS của Iraq và cả Mỹ.

Sau Ramadi sẽ là đâu?

Nhưng dù gì thì gì, điều quan trọng là Ramadi đã không còn nằm trong tay IS. Theo The Daily Beast, số phận của Ramadi sau khi trở về tay chính phủ Iraq có thể sẽ là dự báo cho tương lai của một thành phố lớn hơn mà lực lượng vũ trang nước này đang cố gắng chiếm lại từ tay IS.

"Cái cách mà chính phủ Baghdad điều hành Ramadi sẽ là yếu tố sống còn quyết định xem liệu Mosul, pháo đài thực sự của IS, có được giải phóng trong năm 2016" - Bruce Riedel, cựu quan chức CIA kiêm chuyên gia nghiên cứu chống khủng bố thuộc Học viện Brookings, cho biết.

Liệu Mosul có sạch bóng IS trong năm 2016?
Liệu Mosul có sạch bóng IS trong năm 2016?

Ngoài ra, theo The Daily Beast, việc phải mất tới 5 tháng công kích trên diện rộng mới chiếm lại được Ramadi cho thấy chiến dịch giải phóng Mosul nhiều khả năng sẽ tiếp tục là một trận chiến dai dẳng.

"Chỉ vài trăm quân IS đóng tại Ramadi mà vẫn có thể cầm chân quân Iraq trong hàng tháng trời, đó là chưa kể các đợt không kích hỗ trợ của liên quân. Mosul chắc chắn sẽ là một trận chiến khó khăn hơn nhiều" - Ioannis Koskinas, cựu quan chức Không lực Mỹ, nhận định.

Việc quân đội Iraq hướng mục tiêu tới Mosul là hoàn toàn hợp lý, vì thành phố này đang ngày một bị cô lập. Tuy nhiên, theo ông Gartenstein-Ross, thành bại của chiến dịch phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (quan điểm của người Sunni địa phương, tình báo, v.v..).

Người ta nói nếu Mosul thất thủ, IS cũng sẽ như rắn mất đầu rồi lụn bại. Nhưng từ giờ đến lúc đó sẽ lại là một cuộc chiến dai dẳng...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại