Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 23/1, sau cuộc gặp với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố:
"Chúng tôi biết sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể đạt được một giải pháp về chính trị, nhưng nếu không thể có được nó, thì chúng tôi cũng đã chuẩn bị một giải pháp quân sự cho chiến dịch này và đánh đuổi Daesh (tên gọi khác của IS)".
Trong cuộc gặp, quan chức cấp cao 2 bên cũng bàn luận về cách các đồng minh NATO có thể hỗ trợ hơn nữa cho các lực lượng nổi dậy Ả Rập theo dòng Sunni trong cuộc chiến lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Phó Tổng thống Mỹ khẳng định, Washington cùng chung lập trường với Thổ Nhĩ Kỳ rằng, so với IS thì đảng Công nhân lao động người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa lớn hơn đối với Ankara.
Về phần mình, phát biểu sau các cuộc hội đàm với các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ở Ả Rập Xê-Út, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận, việc tìm được một giải pháp chính trị cho Syria sẽ "khó khăn".
"Nếu dễ dàng thì nó đã được tiến hành từ cách đây rất lâu rồi".
Trong khi đó, theo Phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq, các cuộc đàm phán hòa bình về Syria có thể sẽ không diễn ra vào ngày 25/1 như dự kiến.
Các lực lượng đối lập ở Syria tới nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc sẽ cử đại diện nào tham dự cuộc đàm phán này.
Vài ngày trước đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng từng lên tiếng bày tỏ lo lắng về thời gian diễn ra đàm phán. Dù vậy, hôm nay, ông Kerry đã bày tỏ tin tưởng các cuộc đàm phán này rồi sẽ sớm diễn ra ở Geneva.