Với đòn tấn công ông Obama bất thường trước Quốc hội Mỹ này, ông Netanyahu đã phá vỡ nghi thức ngoại giao.
Ông Netanyahu cũng tiết lộ những gì mà ông tuyên bố là các chi tiết của thỏa thuận hạt nhân mới. Theo đó, Iran được phép giữ "một cơ sở hạ tầng hạt nhân" bao gồm "hàng nghìn máy ly tâm" làm giàu uranium.
Bất kỳ hạn chế nào về chương trình hạt nhân Iran đều chỉ là tạm thời.
Trong khi, "hầu hết các hạn chế về chương trình hạt nhân Iran sẽ tự động hết hiệu lực trong khoảng một thập kỷ.
Đó là lý do tại sao nói thỏa thuận này là rất xấu"- ông Netanyahu nói. "Nó không phải là chặn con đường để Iran chế tạo bom, mà ngược lại là mở ra".
Với bài phát biểu của ông Netanyahu, Đảng Dân chủ Mỹ bị giằng xé giữa sự trung thành với ông Obama và sự ủng hộ đối với Israel. Các quan chức Nhà Trắng thì bị sốc bởi sự dữ dội trong bài phát biểu của ông Netanyahu.
Ông Obama phản pháo lại rằng: "Tôi không để ý đến 'phường chèo'.
Vấn đề cốt lõi là làm sao có thể ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân, trong khi Thủ tướng Netanyahu không đưa ra được giải pháp thay thế khả thi nào".
Trước đó, hôm 2.3, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp lại nhau tại Montreux (Thụy Sĩ) với hy vọng thúc đẩy các đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.
Thời gian rất gấp rút bởi nhóm 5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp cộng với Đức) đã đề ra mục tiêu là trước ngày 31.3 phải đạt được thỏa thuận bảo đảm chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran không nhằm mục đích chế tạo bom nguyên tử.
Nếu không đạt được thoả thuận trước thời hạn nói trên, thương lượng giữa nhóm 5+1 với Teheran về chương trình hạt nhân của Iran có thể dừng lại ở đó.
Kể từ khi mở lại các cuộc đàm phán quốc tế cách đây 18 tháng và ký kết thỏa thuận tạm thời tháng 11.2013, Iran và nhóm 5+1 vẫn rất kín đáo về nội dung các cuộc thương lượng. Vậy, hiện đàm phán này đã đi đến đâu?
Theo lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, hiện đang dự họp Liên Hợp Quốc ở Genève và đã lần lượt gặp hai Ngoại trưởng Mỹ và Iran, đàm phán giữa nhóm 5+1 với Iran đã đạt "những tiến bộ đáng kể".
Tuy nội dung đàm phán không được tiết lộ, nhưng có những dấu hiệu cho thấy một số điểm đã được khai thông và những điểm khác thì vẫn bế tắc.
Đổi lại những cam kết về hạt nhân, Teheran muốn quốc tế nhanh chóng bãi bỏ những biện pháp trừng phạt tài chính và dầu hỏa, đang gây tác hại nặng nề cho nền kinh tế Iran.
Một trong những điểm khác còn gây tranh cãi, đó là "breakout-time", thuật ngữ của giới chuyên gia, dùng để nói về khoảng thời gian mà Iran cần để sản xuất một quả bom nguyên tử.
Về mặt lý thuyết, Iran cần 12 tháng để sản xuất đủ uranium làm giàu cho việc chế tạo một quả bom nguyên tử.
Như vậy, các cường quốc sẽ có đủ thời gian để phát hiện Teheran sản xuất bom nguyên tử và dùng các phương tiện quân sự để phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran.
Cho tới nay, Teheran vẫn khẳng định họ không hề có ý định trang bị vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn muốn phát triển khả năng làm giàu chất uranium làm nhiên liệu cung cấp cho các nhà máy điện nguyên tử.