Động thái trên diễn ra sau khi Chính phủ Trung Quốc vào năm ngoái phát động chiến dịch yêu cầu thực hiện những biện pháp nghiêm khắc để giữ cho các cơ quan chính phủ trong sạch và hiệu quả.
Tại tỉnh Hà Bắc, hơn 55.000 "công chức ma" đã bị sa thải như một phần của chiến dịch chống tham nhũng và bộ máy quan liêu, theo Tân Hoa Xã hôm 25-9. Những người này bị phát hiện vẫn nhận lương thậm chí khi không còn làm việc trong các cơ quan chính quyền.
Zhao Wenhai, Phó trưởng Cục Tài chính tỉnh Hà Bắc, nói rằng: “Chúng tôi đã thực hiện một loạt biện pháp để loại bỏ các công chức như thế nhằm siết chặt quan hệ giữa đảng viên và người dân”. Tương tự, chính quyền các tỉnh Tứ Xuyên, Hà Nam và Cát Lâm cũng lần lượt sa thải 28.000, 15.000 và 8.600 "công chức ma". Những bình luận trên mạng cho rằng số lượng công chức ngồi không ăn lương nói trên là đáng báo động.
Yang Weidong, một giáo sư luật tại Học viện Quản trị Trung Quốc, cho biết: “Một trong những lý do chính dẫn đến số lượng lớn “công chức ma” như thế là do việc trả lương diễn ra quá dễ dàng”. Hồi cuối tháng 7, tỉnh Hà Bắc đã thu hồi 120 triệu nhân dân tệ, chiếm 55% số tiền lãng phí cho những công chức "ngồi không". Tại tỉnh Hà Nam, số “công chức ma” được trả lương hơn 118 triệu nhân dân tệ.
Trong khi đó, giáo sư Xin Ming của Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định rằng việc giám sát thiếu hiệu quả từ cấp trên và sự trừng phạt nhẹ tay đối với những trường hợp vi phạm cũng góp phần khích lệ các quan chức cao cấp có sự bố trí công việc có lợi cho người thân.
Ông Yang nói thêm giải pháp “nhổ cỏ tận gốc” để giữ cho các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương trong sạch và hiệu quả là tăng cường hoạt động giám sát cũng như rà soát từ các cơ quan phụ trách bố trí nhân sự và tài chính. Bên cạnh đó, ông Yang cũng cho rằng quyền lực của các quan chức cấp cao cần được kiểm soát.