Trung Quốc mưu đồ gì khi tăng gấp 4 lần số đường băng ở Biển Đông?

Trần Khánh |

Số lượng đường băng của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo phi pháp ở Biển Đông có thể sẽ tăng lên gấp 4 lần so với trước đây.

Theo AP, đây là nhận định được Mỹ đưa ra sau một thời gian dài theo dõi việc Trung Quốc rầm rộ xây dựng các công trình quân sự phi pháp trên các đảo nhân tạo nói trên với tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực có vị trí chiến lược quan trọng này.

Đô đốc Hải quân Mỹ Harris trình bày về việc Trung Quốc xây đường băng trên bãi Chữ Thập ở Biển Đông. Ảnh AP
Đô đốc Hải quân Mỹ Harris trình bày về việc Trung Quốc xây đường băng trên bãi Chữ Thập ở Biển Đông. Ảnh AP

Xây thêm 2-3 đường băng nữa

Tuy nhiên, đây cũng có thể được coi là “tin dữ” đối với Mỹ và một số nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông như Philippines và Việt Nam.

Việc xây dựng của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo nói trên đã biến một khu vực lớn vốn trước đây là các bãi đá ngầm hoặc các rặng san hô thành những bãi đất được bồi đắp bằng cát nạo vét quanh đó để nước này xây dựng các tòa nhà, cảng biển và quan trọng nhất là những đường băng trên đó.

Hiện Trung Quốc đang vận hành một đường băng tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và nhiều hình ảnh vệ tinh cho thấy nước này đang xây thêm 2 hoặc 3 đường băng nữa trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang cải tạo phi pháp ở phía Đông quần đảo Trường Sa.

Ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney, Australia, nhận định: “Những căn cứ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực” và giúp Trung Quốc hiện thực hóa mưu đồ tăng cường sự hiện diện của lực lượng tuần duyên và Hải quân nước này ở Biển Đông.

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang cải tạo rầm rộ bãi Subi ở Biển Đông. Ảnh AP
Hình ảnh cho thấy Trung Quốc đang cải tạo rầm rộ bãi Subi ở Biển Đông. Ảnh AP

Cũng giống như nhiều lần trước, Trung Quốc vẫn giữ thái độ “mập mờ” khi được hỏi về kế hoạch của nước này khi xây dựng các đường băng cũng như các công trình khác ở Biển Đông.

Tại cuộc họp báo thường kỳ gần đây, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã từ chối trả lời về việc Trung Quốc dự định xây bao nhiêu công trình quân sự và mục đích của các công trình này là gì.

Thay vì thế, ông Dương Vũ Quân chỉ nói rằng, các công trình này chỉ nhằm mục đích phòng vệ.

Trước đó, Trung Quốc từng ngang nhiên ra yêu sách đường 9 đoạn bao trùm hầu khắp Biển Đông và từ năm 2014 đã cải tạo tới 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo có tổng diện tích lên đến hơn 800ha theo số liệu từ hình ảnh vệ tinh mà Chính phủ Mỹ cùng các tổ chức cá nhân như Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington thu thập được.

Răn đe bằng việc sử dụng chiến đấu cơ tuần tra

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn khăng khăng bao biện về hành vi cải tạo đảo phi pháp của mình và khẳng định, việc cải tạo và xây dựng này không đe dọa đến sự ổn định trong khu vực.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng cường quân sự hóa của Trung Quốc trên các đảo này là rất rõ ràng, nhất là khi nước này đang ngày một tỏ ra quyết liệt hơn trong việc áp đặt chủ quyền phi pháp của nước này ở Biển Đông.

Nhận định trên của các chuyên gia càng được củng cố với việc Trung Quốc hồi tháng 10 đã điều các chiến đấu cơ hiện đại J-11BH/BHS thuộc lực lượng Hải quân Trung Quốc đến đảo Phú Lâm.

Các chiến đấu cơ hiện đại J-11BH/BHS của Hải quân Trung Quốc có thể được điều đi tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo trái phép ở Biển Đông. Ảnh Reuters
Các chiến đấu cơ hiện đại J-11BH/BHS của Hải quân Trung Quốc có thể được điều đi tuần tra quanh các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo trái phép ở Biển Đông. Ảnh Reuters

Tuy nhiên, đường băng dài 2,4km trên đảo Phú Lâm sẽ nhanh chóng trở lên “lu mờ” trước đường băng dài tới 3km trên bãi Chữ Thập và 2 đường băng khác có chiều dài tương đương trên các bãi Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Việc tuần tra của các chiến đấu cơ Trung Quốc quanh các đảo mà nước này đang cải tạo phi pháp ở Biển Đông dù chỉ mang tính chất tạm thời do thời tiết ở đây khá khắc nghiệt và thường có bão lớn.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hành động này chỉ nhằm răn đe các nước có tranh chấp với Trung Quốc như Philippines và Việt Nam cũng như nhằm ngăn chặn các chiến dịch do quân đội Mỹ tiến hành để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

“Trong thời điểm xảy ra căng thẳng, việc điều máy bay tuần tra đến các đảo nhân tạo nói trên có giá trị răn đe rất rõ ràng”, ông Graham nói.

Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông?

Ông Hans Kristensen, một chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, nhận định, các đường băng nói trên sẽ tạo điều kiện cho các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tiếp nhiên liệu và vũ khí tại chỗ mà không phải quay trở lại đảo Hải Nam cách đó gần 1.000km.

Điều này sẽ khiến cho những chiến đấu cơ này có thể thực hiện các cuộc tuần tra một cách thường xuyên và liên tục hơn và khiến các nước có tranh chấp với Trung Quốc và Mỹ phải “đau đầu” lên kế hoạch đối phó.

Tình hình sẽ trở lên khó lường hơn rất nhiều nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Trong trường hợp đó, các đường băng nói trên sẽ là nơi các máy bay chiến đấu của nước này cất cánh và có thể thực hiện các vụ tấn công mà Trung Quốc cho là cần thiết.

Trước đó, hồi cuối năm 2013, Trung Quốc từng thành lập ADIZ ở biển Hoa Đông nhưng bị Mỹ, Nhật Bản và rất nhiều nước khác không chấp nhận.

Mỹ thậm chí đã điều các máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 bay qua đó mà không vấp phải bất kỳ sự kháng cự nào từ phía Trung Quốc như nước này từng cảnh báo tại thời điểm thiết lập ADIZ.

Vùng ADIZ (màu đỏ) mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập ở biển Hoa Đông năm 2013 chồng lấn lên Vùng ADIZ của Nhật Bản (màu xanh). Ảnh Reuters
Vùng ADIZ (màu đỏ) mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập ở biển Hoa Đông năm 2013 chồng lấn lên Vùng ADIZ của Nhật Bản (màu xanh). Ảnh Reuters

Đầu tháng 12/2015, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tuần tra định kỳ quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông với sự tham gia của máy bay ném bom tầm xa H-6K cùng nhiều chiến đấu cơ khác.

Khi được hỏi về dự định thiết lập ADIZ ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho rằng điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc an ninh và lợi ích của Trung Quốc bị đe dọa đến đâu.

“Chính vì thế, chúng tôi cần cân nhắc một số yếu tố trước khi đưa ra quyết định của mình”, ông Dương Vũ Quân nói.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc xây dựng thêm các đường băng mới sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc đẩy nhanh chương trình phát triển tàu sân bay của nước này.

Các đường băng nói trên sẽ phục vụ cho việc huấn luyện các phi công hạ cánh ban đêm hoặc ứng phó với các tình huống nguy hiểm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về sự hữu dụng của các đường băng này bởi nếu đi vào vận hành, số lượng nhiên liệu dự trữ tại mỗi sân bay là rất lớn để có thể phục vụ số máy bay tham gia tuần tra tại đây.

Ngoài ra, những đường băng này cần phải được gia cố thật chắc mới có thể tiếp nhận các máy bay ném bom và máy bay hạng nặng khác.

“Nếu chúng ta theo dõi hình ảnh vệ tinh về việc Trung Quốc tích trữ nhiên liệu với số lượng lớn trên các đảo nhân tạo nói trên, chúng ta có thể khẳng định đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Trung Quốc đang biến các đảo nhân tạo này thành các căn cứ không quân”, ông Graham nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại