Dẫn nguồn từ trang tin tài chính Emerging Markets (Anh), các bản tin cho biết một đặc sứ cấp cao của Bình Nhưỡng đã gặp ông Kim Lập Quần, chủ tịch AIIB, và bị sốc khi Trung Quốc lắc đầu.
Cũng theo trang này, giới chức Trung Quốc giải thích thông qua các kênh ngoại giao là nền kinh tế và các điều kiện tài chính của Triều Tiên chưa đủ tiêu chuẩn làm thành viên AIIB.
Trong khi đó, trang NK News dẫn lời ông Masahiro Kawai, cựu Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho biết từng nghe ông Kim Lập Quần kể về mong muốn gia nhập của Triều Tiên nhưng Bình Nhưỡng không cung cấp những chi tiết kinh tế được yêu cầu, như thông tin về thuế, hoạt động kinh tế và cách sử dụng nguồn vốn được vay…
Hãng tin UPI (Mỹ) dẫn lời ông Nicholas Eberstadt, nhà kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, bình luận việc Trung Quốc xử lý trường hợp Triều Tiên sẽ là cái cớ để Mỹ lên tiếng lo ngại về các tiêu chuẩn quản trị của AIIB.
Dù vậy, theo ông Eberstadt, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng không chấp nhận cho Triều Tiên gia nhập vào năm 1997.
Một nguồn tin tại Ngân hàng Thế giới (WB) cho UPI hay Triều Tiên không có hệ thống tài chính phù hợp. Các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đã cô lập ngành tài chính, du lịch và thương mại của Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 31-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói bà không biết gì về tin “Bắc Kinh không cho Bình Nhưỡng gia nhập AIIB”.
“Chúng tôi chào đón tất cả các bên tham gia để cùng phát triển hạ tầng ở châu Á” – bà Hoa nói và không nhắc cụ thể đến Triều Tiên.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin tính đến hạn chót 31-3, đã có 42 nước đăng ký gia nhập làm thành viên sáng lập AIIB nhưng chỉ có 30 nước được chấp nhận. Danh sách chính thức sẽ được công bố ngày 15-4.