Bài phân tích đăng tải trên trang Chinanews (Trung Quốc) đánh giá, thế kỷ 21 là thời đại mà đàm phán thay thế chiến tranh, qua đó nhận định "Binh pháp Tôn Tử" của nước này sẽ trở thành "sổ tay ngoại giao" dành cho các chính trị gia.
Từ Trung Quốc tới quốc tế
Nhà kinh tế học kỳ cựu của Đài Loan Vu Tông Tiên cho rằng, những thách thức trong thế kỷ 21 chính là sự toàn cầu hóa kinh tế.
Theo ông Vu, những cuộc đối đầu quốc tế không còn là chiến tranh "binh phạt" - tức sử dụng vũ lực, mà đã trở thành cuộc đấu về chiến lược kinh tế lớn, nghĩa là "có thể vận dụng học thuyết trí tuệ của Binh pháp Tôn Tử".
Trung Quốc luôn hãnh diện vì là quốc gia sở hữu "Binh pháp Tôn Tử" và sử dụng bộ sách này như một "công cụ quyền lực mềm" để chinh phục thế giới.
Chinanews cho hay, tại Đài Loan đã xuất hiện nhiều "cao thủ" nghiên cứu mối tương quan giữa nghệ thuật đàm phán và Binh pháp Tôn Tử.
Giáo sư khoa chính trị ĐH Đông Ngô Đài Loan, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu phát triển đàm phán Đài Bắc Lưu Tất Vinh được đánh giá là giáo sư "đàm phán học" có uy tín nhất tại Đài Loan.
Chinanews tiết lộ, Binh pháp Tôn Tử là một trong những "vũ khí bí mật" của giáo sư Lưu.
Ông Lưu đã nghiên cứu sự liên quan và phối hợp giữa lý luận đàm phán truyền thống của phương Tây và các học thuyết trong Binh pháp Tôn Tử, và áp dụng thực tiễn ngay trong các hợp đồng kinh tế lớn.
Tổng biên tập Nhà xuất bản thương mại Đài Loan Phương Bằng Trình từng nghiên cứu về các cuộc đàm phán giữa Đài Loan - Trung Quốc và quan sát sách lược thuyết phục của song phương.
Ông Phương bình luận, "Binh pháp Tôn Tử" và "Quỷ Cốc Tử" là hai bộ sách kinh điển về đàm phán. Tôn Tử chủ trương "phạt giao" - tức đàm phán, trong khi 2 đệ tử của Quỷ Cốc Tử là Tô Tần và Trương Nghi là những nhà ngoại giao theo chính sách hợp tung - liên hoành.
Chinanews dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu binh pháp từng công tác tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng Hàn Quốc đánh giá, Binh pháp Tôn Tử có giá trị thực tiễn về sách lược ngoại giao và được áp dụng nhiều.
Theo nguồn tin trên, đã có nhiều quốc gia áp dụng lý thuyết từ Binh pháp Tôn Tử vào chính sách ngoại giao thực tế của mình. Thậm chí một số lãnh đạo các chính phủ cũng "dùi mài" cuốn sách này.
Tư tưởng "không đánh mà thắng"
"Bất chiến mà thắng" - một trong những tư tưởng cốt lõi của quân sự gia Tôn Vũ rất được các nhà ngoại giao hiện đại yêu thích.
Chinanews "tự tin" khoe rằng, chính bộ binh pháp kinh điển của Trung Quốc đã có sức ảnh hưởng lớn lên chiến lược ngoại giao của các Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và George Bush.
Theo đó, ngày nay có nhiều chính trị gia Mỹ có khả năng áp dụng thành thạo những câu danh ngôn trong Binh pháp Tôn Tử để nhìn nhận và đánh giá sách lược cùng hoạt động ngoại giao của chính phủ.
Ngay tại phương Tây cũng có nhiều chuyên gia nghiên cứu về Tôn Tử - Chinanews cho hay.
Chủ nhiệm khu vực Châu Á thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp Valerie Niquet là người đã phiên dịch Binh pháp Tôn Tử sang tiếng Pháp.
Học giả Valerie Niquet - người dịch Binh pháp Tôn Tử sang tiếng Pháp.
Bà cho biết, các học giả Trung Quốc từng đăng tải bài xã luận "Tư tưởng 'phạt giao' và phương thức hòa bình của Tôn Tử giải quyết tranh chấp quốc tế", trong đó giải thích "phạt giao nghĩa là dùng ngoại giao để đạt thắng lợi".
Bà Niquet bình luận, 2 từ "ngoại giao" và "thắng lợi" khiến người ta liên tưởng tới một tư tưởng cốt lõi của Tôn Tử - "không đánh mà thắng".
Chinanews cho hay, Trung tâm nguy cơ thuộc Bộ ngoại giao Pháp cũng nghiên cứu Binh pháp Tôn Tử.
Người phụ trách trung tâm này cho biết, các nhân viên tại đây được kiến nghị nghiên cứu Binh pháp Tôn Tử và đúc rút kinh nghiệm cũng như chiến thuật trong đó.
"Quyền lực mềm" của văn hóa ngoại giao Trung Quốc
Trung Quốc thường "khoe" rằng nước này áp dụng thành thục những tư tưởng tinh hoa của cổ nhân vào chính sách ngoại giao hiện đại.
Giám đốc Hội nghiên cứu Binh pháp Tôn Tử Hứa Ba Lai bình luận, áp dụng lý luận của Tôn Tử trong hoạt động đàm phán cho phép các nước duy trì quan hệ hợp tác và cạnh trong, đồng thời tránh khỏi nguy cơ "động súng động dao".
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương từng trích dẫn Binh pháp Tôn Tử khi nói về vấn đề "cứng và mềm" trong ngoại giao của Trung Quốc.
"Chính sách ngoại giao của Trung Quốc tích cực bảo vệ và phát triển hòa bình thế giới. Chúng tôi có sách lượ và cả nguyên tắc của mình.
Cổ nhân Trung Quốc đã 'ngộ' ra đạo lý đó. Không thể nói sử dụng vũ lực là cứng, đàm phán thỏa hiệp là mềm" - ông Tần nói.
Chinanews khẳng định các học thuyết và tư tưởng của Tôn Tử "giúp ích cho hòa bình ngoại giao và sự ổn định của nhân loại".