Đầu tháng 9 vừa qua, Mỹ và Nhật Bản đã xác định phương châm hợp tác quốc phòng mới, cho phép quân đội 2 nước “hợp tác không giới hạn” trên phạm vi toàn cầu.
Liên minh Mỹ - Nhật được truyền thông quốc tế gọi là “liên minh quân sự mạnh mẽ nhất thế giới”. Thế nhưng, một học giả Trung Quốc cho rằng, Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã làm được "điều tương tự" từ 1.500 năm trước.
Bài viết của Trình Vạn Quân – Giám đốc Tạp chí Chinachizi – đăng tải trên trang Sina cho rằng, cách đây 1.500 năm, Trung Quốc cũng từng đứng đầu một liên minh quân sự như vậy – liên quân Hán Hồ.
Ông Trình phân tích, trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, ngoại trừ những trường hợp "giang sơn đổi chủ" theo hình thức các dân tộc bên ngoài thống trị như Mông Cổ và Mãn Châu, thì quốc gia này hầu như chưa từng có cơ hội đóng vai trò dẫn dắt thế giới.
Tuy nhiên, bài viết trên cũng chỉ ra, duy nhất một trường hợp ngoại lệ đối với thực tế nói trên, đó là Đường Thái Tông Lý Thế Dân với vị thế “Thiên Khả Hãn” của mình.
Lý Thế Dân là “hoàng đế chuẩn thế giới” duy nhất của TQ?
Một số sử gia Trung Quốc cho rằng, sự xuất sắc của Lý Thế Dân xuất phát từ “huyết thống” của ông. Theo đó, tuy họ Lý là họ của dân tộc Hán tại Trung Nguyên, nhưng có giả thuyết cho rằng gia tộc Lý Uyên - cha của Lý Thế Dân - là người Hán đã “Hồ hóa”, mang một nửa huyết thống của tộc người Tiên Ti.
Cho đến nay, việc gia tộc Lý Đường là người Hán hay người Hồ vẫn còn là chủ đề tranh cãi của các học giả.
Tuy nhiên bài viết của Sina đã khẳng định điều này không phải là vấn đề mấu chốt, bởi các vị Hoàng đế có huyết thống người Hồ trong lịch sử Trung Quốc không phải là hiếm.
Vậy do đâu chỉ có Lý Thế Dân sáng tạo được sự nghiệp được giới nghiên cứu lịch sử đánh giá là huy hoàng?
Những hoàng đế "nội" của Trung Quốc cổ đại thường không đưa nước này thành cường quốc có vị thế quốc tế, Lý Thế Dân là ông vua duy nhất được đánh giá là đã chứng minh điều ngược lại.
Theo Trình Vạn Quân, điều khác biệt ở Lý Thế Dân, là việc ông đã xây dựng được “bản sắc lãnh đạo” của nhà Đường.
Có nghĩa là, một cường quốc có khả năng phát huy vai trò lãnh đạo trên trường quốc tế thì quốc gia đó nhất định phải là “một chủ thể văn minh” của thế giới.
Các nhà sử học Trung Quốc đánh giá, vào thời kỳ cực thịnh của Đường Thái Tông, thì các đế chế trên thế giới dù là La Mã, Ba Tư, các vương quốc Tây Á hay Ả Rập đều không thể so sánh với nhà Đường, và Trung Quốc hiển nhiên là quốc gia hội tụ đầy đủ 2 tiêu chí của “quốc gia chủ thể văn minh thế giới”.
Thứ nhất, nhà Đường đạt đến đỉnh cao của một thể chế chính trị văn minh. Trình Vạn Quân đánh giá, thể chế của Đại Đường là mô hình tiên tiến nhất trên thế giới trong thời kỳ đó.
Số lượng quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào thời Lý Thế Dân lên tới hơn 70 nước. Theo ông Trình, một số nước ở cả phương Đông và phương Tây thậm chí đã học tập thể chế chính trị của Trung Hoa.
Thứ hai là vai trò lãnh đạo mà Trung Quốc thể hiện dưới thời Lý Thế Dân trị vì. Ông Trình cho biết, Đại Đường của Lý Thế Dân đã đứng đầu một tổ chức quốc tế - Thiên Khả Hãn.
“Khả Hãn” là danh xưng mà bộ lạc các dân tộc thiểu số tại Trung Quốc thường sử dụng để xưng hô thủ lĩnh của mình, còn ngôi vị Thiên Khả Hãn – chủ của thiên hạ – được các quốc gia Tây Vực tạo ra để dành riêng cho Lý Thế Dân.
Trình Vạn Quân phân tích, danh xưng này không đơn thuần là danh nghĩa cá nhân, mà thực tế lịch sử cho thấy đó là một tổ chức quốc tế có hệ thống.
Bài viết của Trình Vạn Quân cho rằng, Thiên Khả Hãn dưới thời Đường Thái Tông xét về quy mô không thể bằng Liên Hợp Quốc, nhưng thực tế có thể ngang tầm với Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO (!?).
Đây là tổ chức quốc tế đầu tiên mà Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo, với hoạt động chủ yếu ở 2 lĩnh vực chính trị và quân sự.
Thủ đô Trường An của nhà Đường là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa trong khu vực, còn Thiên Khả Hãn là một "liên minh quốc tế " mà Đường Thái Tông Lý Thế Dân đóng vai trò "chủ tịch".
Trình Vạn Quân chỉ ra, từ thể chế chính trị, văn hóa tới quân sự của thời thịnh Đường đều khác hoàn toàn so với các vương triều khác trong lịch sử Trung Quốc, đó là việc họ áp dụng “thể chế nhị nguyên”.
Nhà nghiên cứu nổi tiếng người Nhật Tanigawa Michio gọi thể chế này là “Hán - Hồ nhị nguyên thể chế”, còn học giả Trung Quốc Trần Dần Khác thì gọi đó là “Hán – Hồ phân trị”.
Theo đó, quân đội nhà Đường thời Lý Thế Dân sở hữu thế mạnh mà các cường quốc đương thời cũng phải thèm muốn, đó là lực lượng quân sự Hán – Hồ kết hợp.
Thành phần chủ lực của quân đội chính là “con nhà nòi” ở Trung Nguyên và con cháu quý tộc người Hồ. Thành phần binh sĩ Trung Nguyên là những thanh niên “có nhà có ruộng, đạo đức tốt”.
Bên cạnh đó, thành phần binh sĩ gốc Hồ là những người có thiện cảm đối với thể chế của nhà Đường, và mong muốn thông qua con đường chiến đấu để giành được vị trí trong thể chế này.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Trình Vạn Quân, thành viên Thường vụ Hiệp hội giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội Trung Quốc, Tổng biên tập trang ChiziChina, Giám đốc tạp chí Chinachizi.