Cùng với Ngoại trưởng, Bộ trưởng Tư pháp, và Bộ trưởng Ngân khố, Bộ trưởng Quốc phòng là "chân" còn lại trong nhóm "tứ trụ", những nhân vật quan trọng bậc nhất trong hệ thống điều hành của chính quyền Mỹ.
Ngoài Tổng thống Obama, Bộ trưởng Quốc phòng là nhân vật duy nhất có quyền điều phối quân đội Mỹ trong và ngoài nước. Trong trường hợp an ninh nước Mỹ bị xâm phạm, người đứng đầu Lầu Năm Góc sẽ mặc định được bầu làm Tổng chỉ huy lãnh đạo chiến đấu.
Tính đến ngày 31/12/2013, có tổng cộng 1.369.532 binh sĩ Mỹ đang làm nhiệm vụ trong nước và khắp năm châu. Con số này đứng thứ hai trên toàn thế giới, chỉ sau Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuy không trực tiếp điều hành tất cả các binh sĩ này, song mọi đường đi nước bước của họ đều phải được ông thông qua. Ngoài Tổng thống Obama, ông chủ Lầu Năm Góc là người duy nhất có thể ra chỉ thị tiến quân và rút quân trên mọi mặt trận mà không cần thông qua Quốc hội.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nắm trong tay lực lượng quân đội hùng hậu đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), với 1.369.532 binh sĩ đang làm nhiệm vụ.
Tuy đang có những biện pháp cắt giảm ngân sách, nhưng chi tiêu quốc phòng của Mỹ vẫn chiếm một nửa tổng chi tiêu quốc phòng toàn thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hàng năm được cấp 533,8 tỉ USD ngân sách gốc, ngoài ra có thể xin bổ sung ngân sách dự phòng cho các chiến dịch lớn.
Mỹ đứng đầu Ngân sách Quốc phòng các nước (2011), theo thống kê của trang Industry Tap. Chi phí quân sự của Mỹ thậm chí còn cao hơn tổng chi phí của 10 nước đứng sau cộng lại.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nắm trong tay quyền chỉ đạo cả năm bộ phận của Quân đội Mỹ, bao gồm Lục quân, Hải quân, Không lực, Thủy quân lục chiến, và Tuần duyên. Người đứng đầu mỗi bộ phận này cũng chịu sự điều hành trực tiếp của người đứng đầu Lầu Năm Góc.
Từ phải sang: Lục quân, Không lực, Hải quân, Thủy quân lục chiến, và Tuần duyên. Tất cả các bộ phận này đều nằm dưới sự chỉ đạo của ông chủ Lầu Năm Góc.
Ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh quốc gia, quân đội Mỹ còn được phân bổ trên khắp năm châu với mục đích đảm bảo an ninh toàn cầu.
Lực lượng này được chia làm 6 Bộ tư lệnh, mỗi Bộ tư lệnh phụ trách một vị trí địa lý nhất định. Ngoài ra còn có 3 Bộ tư lệnh đặc trách khác gồm Bộ tư lệnh Đặc nhiệm, Bộ tư lệnh Chiến lược và Bộ tư lệnh Giao thông.
Quân đội Mỹ được phân bổ trên khắp thế giới. Tất cả 9 Bộ tư lệnh này đều nằm dưới quyền điều hành của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng còn lãnh trách nhiệm chỉ đạo bốn cơ quan tình báo trung ương của Mỹ, bao gồm Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA), Cơ quan Tình báo Địa không gian Quốc gia (NGA), Cơ quan Trinh sát Quốc gia (NRO) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).
Ở vị thế của mình, Bộ trưởng Quốc phòng là một trong những nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ, thậm chí là trên toàn thế giới.
Trong trường hợp Tổng thống phải rời Nhà Trắng giữa nhiệm kì, Bộ trưởng Quốc phòng sẽ là người thứ sáu trong thứ tự kế vị Tổng thống, sau phó Tổng thống, chủ tịch Thượng viện/Hạ viện, Ngoại trưởng, và Bộ trưởng Ngân khố.
Tổng kết lại, để xứng đáng với mức lương 200.000 USD/năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải có trách nhiệm với hơn 500 tỉ USD ngân sách mỗi năm, phải quán xuyến hơn 3 triệu binh sĩ và cán bộ các cấp trong và ngoài nước, ngoài ra còn phải đối mặt với những bất đồng quan điểm đến từ Tổng thống và Quốc hội.
Như vậy, liệu 200.000 USD/năm là nhiều hay ít?