Tấn bi kịch mang tên Hy Lạp đã không ngăn cản được Liên minh châu Âu EU tiến hành một Hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sau cuộc đàm phán tại Brussels (Bỉ) đã kêu gọi thực hiện các bước nhằm loại bỏ hàng rào thuế quan trong thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc cũng như xúc tiến ký kết hiệp định đầu tư tương ứng.
Một Hiệp định như vậy sẽ góp phần cải thiện khả năng Trung Quốc “mua được” các công ty ở "Lục địa già", cũng như có thể thỏa mãn những tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh.
Vấn đề ở chỗ, Mỹ và EU cũng đang phát triển đối tác đầu tư thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Song, để thực hiện những tham vọng nói trên và mua được thương hiệu cũng như công nghệ châu Âu, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ gặp phải những vấn đề không hề đơn giản.
Mặc dù các bên khá hài lòng với kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU lần thứ 17. Song, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu vẫn phàn nàn với báo chí rằng phía Trung Quốc đã từ chối tổ chức một cuộc họp báo chung sau hội nghị.
Phát biểu trước báo giới, ông Lý Khắc Cường cho rằng Hội nghị thượng đỉnh lần này cần phải trở thành một điểm khởi đầu tốt đẹp, là cơ sở đặt nền móng cho mối quan hệ mới giữa EU và Trung Quốc.
Hãng DPA dẫn tuyên bố của ông Lý Khắc Cường cho rằng Trung Quốc sẵn sàng tham gia thực kiện kế hoạch đầu tư mới, đem đến cho Brussels tia hy vọng thoát khỏi những "vòng xoáy mới" của cuộc khủng hoảng kinh tế.
Về phần mình, các quan chức châu Âu bày tỏ sự quan tâm đến các dự án của Trung Quốc nhằm cải thiện nền tảng các quan hệ với châu Âu.
Nguy cơ phá sản của Hy Lạp có thể phủ bóng đen lên các tổ chức của EU.
Tuy nhiên, trong khi EU chưa tìm được giải pháp hữu hiệu, phía Trung Quốc đã bày tỏ sẵn sàng "ghé vai gánh đỡ" khi quá "nhiệt tình" đề cập đến chủ đề Hy Lạp, khiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker buộc phải nhiều lần đề nghị phía Trung Quốc "trả lại" diễn đàn.
Ngoài câu chuyện nợ công của Hy Lạp, Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU còn đề cập đến các vấn đề người tị nạn, biến đổi khí hậu, tình hình Ukraine, Syria và Biển Đông.
Theo tờ Financial Times, EU đề nghị Trung Quốc mở rộng hợp tác, Bắc Kinh bày tỏ lo ngại rằng 2 Hiệp định về thương mại có quy mô toàn cầu, do Mỹ và các đồng minh làm chủ đạo (đó là TPP và TTIP), có thể làm suy yếu ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhận được sự ủy nhiệm của các nhà lập pháp để hoàn thành đàm phán về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đó là thỏa thuận thương mại lớn nhất giữa Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia khác. Người ta cho rằng ký thỏa thuận về TPP sẽ mang đến xung lực khuyến khích làm việc giữa 2 bờ Đại Tây Dương.
Hiệp định TTIP nói cách khác là thỏa thuận thương mại và đầu tư của EU với Mỹ. Nếu thỏa thuận này được thực hiện, sẽ đẩy siêu cường thứ hai thế giới (Trung Quốc) vào băng ghế dự bị.
Vì vậy, việc ông Lý Khắc Cường phàn nàn về thực tế đầu tư giữa Trung Quốc và EU chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có cũng là điều dễ hiểu.
Theo ông Lý Khắc Cường, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và EU đạt 1,7 tỷ USD/ngày, trong khi tổng vốn đầu tư hai chiều trong năm 2014 chỉ đạt 20 tỷ USD.
Bức tranh thương mại và đầu tư tổng thể nói trên không tương xứng với các kế hoạch của Bắc Kinh khi đang muốn chuyển hướng đầu tư từ các thị trường đang phát triển giàu tài nguyên sang các nước phương Tây.
Để đạt được bước chuyển này, Trung Quốc cần gia tăng chi phí thúc đẩy các nhà sản xuất phát triển, trong khi phải tính đến việc khắc phục những bài toán như: khả năng cạnh tranh suy giảm, thị trường quốc nội tăng trưởng chậm...
Cho nên các công ty của Trung Quốc đang cử nhiều phái viên tới châu Âu để tìm kiếm cơ hội mua lại các doanh nghiệp, công ty.
Đây là biện pháp hữu hiệu cho phép Trung Quốc nhanh chóng sở hữu công nghệ mới cũng như các thương hiệu uy tín của châu Âu.
Vì vậy, việc ký kết các hiệp định đầu tư và các thỏa thuận về thương mại tự do với EU cho phép Trung Quốc cắm rễ sâu hơn vào "Thế giới cũ".
Ngày nay, thái độ châu Âu đối với Trung Quốc nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk cũng bày tỏ mối quan ngại về "tự do ngôn luận và hiệp hội" tại Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến những người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ.
Song, những ý kiến, quan ngại này không ngăn cản được các quan chức châu Âu ủng hộ tăng cường vốn đầu tư từ Trung Quốc.
Về phần mình, Bắc Kinh cũng nhắc lại rằng hy vọng sự hỗ trợ của EU khi xem xét các vấn đề trong WTO về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Trung Quốc.