Trung Quốc bất ngờ có hành động "không lý giải nổi" với Nhật Bản

Hải Võ |

Bắc Kinh bất ngờ chủ động "giải thích nội dung sách trắng" với Tokyo khi mà căng thẳng Trung-Nhật gần đây liên tục leo thang do vấn đề Biển Đông.

Bắc Kinh lần đầu "giải thích sách trắng" cho Nhật Bản

Kyodo News (Nhật Bản) hôm 17/6 đưa tin, đoàn đại biểu báo chí Bộ quốc phòng Trung Quốc do người phát ngôn bộ này Cảnh Nhạn Sinh dẫn đầu đã có chuyến thăm Bộ quốc phòng Nhật Bản và giới thiệu sách trắng "Chiến lược quân sự của Trung Quốc" mà Bắc Kinh công bố hôm 26/5.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc "giải thích" nội dung sách trắng cho Nhật Bản.

Kyodo cho hay, đại diện Nhật Bản cho biết: "Rất hy vọng Trung Quốc nâng cao độ minh bạch liên quan tới bố trí quân đội và trang thiết bị".

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) gọi đây là hoạt động nhằm "loại bỏ nghi ngờ" giữa Trung-Nhật trong khuôn khổ giao lưu cơ quan báo chí song phương.

Hoạt động trao đổi giữa Bộ quốc phòng Trung Quốc và Nhật Bản đã được tiến hành từ tháng 3/2010, và chuyến thăm hôm 17 là lần thứ 3 các cuộc giao lưu được tổ chức.

Lần gần đây nhất là khi đại diện Bộ quốc phòng Nhật Bản thăm Trung Quốc vào tháng 9/2012. Sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa đảo Senkaku/Điếu Ngư, hoạt động giao lưu đã bị đình trệ.

Trung Quốc bất ngờ tìm đến Nhật để giải thích lại về nội dung sách trắng 2015.

Trung Quốc bất ngờ tìm đến Nhật để "giải thích lại" về nội dung sách trắng 2015.

Đặc biệt, hoạt động "giới thiệu sách trắng quốc phòng" lần này xuất phát từ đề nghị của chính Bắc Kinh.

Tuy nhiên, đối với yêu cầu "nâng cao tính minh bạch" từ phía Nhật Bản, Trung Quốc không đưa ra hứa hẹn gì mà chỉ giải thích rằng "sách trắng là báo cáo tổng kết mang tính hệ thống" và tập trung vào... diễn giải quá trình biên tập, hoàn thành sách trắng.

Trung Quốc bất ngờ "yếu thế" trước Nhật?

Trang Đa Chiều bình luận, năm nay Trung Quốc sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít Nhật vào tháng 9, vì vậy việc Bắc Kinh chủ động giải thích về sách trắng quốc phòng trong thời điểm này được cho là nhạy cảm.

Trong sách trắng, báo cáo về Nhật Bản chỉ được gói gọn trong 1 câu: "Nhật Bản ra sức tìm cách thoát khỏi thể chế thời hậu chiến, điều chỉnh mạnh mẽ chính sách an ninh quân sự. Đường hướng phát triển của quốc gia này khiến các nước trong khu vực quan tâm cao độ".

Trong khi nội các của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nỗ lực đạt được sửa đổi Hiến pháp cho phép Nhật đưa quân ra nước ngoài thì động thái này của Trung Quốc được đánh giá là "không thể hiểu nổi" và được xem như "1 biểu hiện yếu thế trước Nhật".

Đa Chiều cho rằng, đây không phải là lần đầu Bắc Kinh tỏ ra "lép vế" trước quốc gia khác trong thời gian gần đây.

Tuyên bố sắp hoàn thành hoạt động cải tạo đảo (phi pháp-PV) ở Biển Đông mà Bắc Kinh nêu ra trong cuộc họp báo bất thường hôm 16 khiến nhiều cơ quan truyền thông cho rằng Trung Quốc đang "nhún nhường" trước Mỹ.

Lý do được nhiều báo nêu ra là Bắc Kinh muốn "duy trì hòa khí" với Mỹ trước thềm Đối thoại Kinh tế & Chiến lược Trung-Mỹ diễn ra tại Washington vào ngày 23-24/6 tới.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia tin rằng, hành động của Trung Quốc chỉ là kế "nghi binh" đánh lừa dư luận và tránh sức ép quốc tế.

Còn về bản chất, nước này có thể phải tạm ngưng việc mở rộng trái phép các đảo nhân tạo, nhưng sẽ đẩy mạnh việc nâng cao cơ sở hạ tầng một cách phi pháp trên những công trình cải tạo đã hoàn thành.

Các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng biển tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Telegraph

Các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng biển tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Telegraph

Gần đây, căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên tục leo thang bởi Tokyo đang hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ và đóng vai trò tích cực hơn trong việc đối phó Bắc Kinh trên Biển Đông.

Mới đây, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết khoảng 10h sáng 17/6, 3 tàu tuần tra của Trung Quốc đã đi vào vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Một tàu khảo sát khác của Trung Quốc cũng tiến hành hoạt động khảo sát ở vùng biển tranh chấp, khiến cảnh sát biển Nhật Bản phải tuyên bố "không thể nhẫn nhịn".

Hồi cuối tuần trước, thông tin hải cảnh Trung Quốc "muốn lập căn cứ lớn tại Ôn Châu - địa điểm ở Trung Quốc đại lục gần nhất với đảo Senkaku/Điếu Ngư" cũng khiến truyền thông Nhật "dậy sóng" và tố Trung Quốc lộ rõ dã tâm ở biển Hoa Đông.

Tạp chí The Diplomat (Nhật) đưa ra một số lý do giải thích việc Trung Quốc tuyên bố "sắp hoàn thành xây đảo nhân tạo":

- Lý do đơn giản nhất là Trung Quốc muốn tránh bão sắp tới trên biển Đông.

- Vào tháng 7 tòa trọng tài thường trực của LHQ sẽ mở phiên điều trần về đơn của Philippines kiện Trung Quốc.

Trung Quốc từ chối tham gia phiên tòa này nên bây giờ dừng xây đảo nhân tạo để tránh bị công kích.

- Trung Quốc muốn Trung Quốc và Mỹ tỏ thái độ tích cực vì Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sang Mỹ vào tháng 9 và Trung-Mỹ sắp tổ chức đối thoại chiến lược và kinh tế trong tháng này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại