Trung Quốc: "Bán anh em xa, mua láng giềng gần"?

Đức Huy |

Sau nhiều năm tập trung phát triển quan hệ "ngoại giao cường quốc" với Mỹ, gần đây Trung Quốc đang cho thấy một diện mạo khác trong các chính sách đối ngoại của mình.

Theo phân tích của cây bút Shannon Tiezzi trên The Diplomat, đã xuất hiện một sự thay đổi rõ rệt trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, chuyển từ trọng tâm "qua lại" với các cường quốc sang phát triển quan hệ ngoại giao với các quốc gia lân cận.

Chuyển biến này có xuất phát điểm từ khi Tập Cận Bình nhậm chức Chủ tịch nước, và theo bà Tiezzi, trong tương lai sẽ tạo ra những hệ quả đáng kể cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như mối quan hệ Trung - Mỹ.

thạc sĩ nghiên cứu các vấn đề đông á
Shannon Tiezzi
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, Shannon Tiezzi đã có gần 20 năm nghiên cứu về Trung Quốc, với trọng tâm là đối ngoại, chính trị và kinh tế. Trước khi làm việc cho The Diplomat, bà từng tham gia nghiên cứu tại Học viện Chính sách Mỹ - Trung. Bà tốt nghiệp Đại học Harvard và cũng từng theo học tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Trước đây, giới quan sát vẫn cho rằng Trung Quốc luôn đặt quan hệ với Mỹ lên làm ưu tiên hàng đầu, và việc bắt tay với Washington là "chìa khóa" mở đường cho các chính sách đối ngoại khác của Bắc Kinh.

Theo bà Tiezzi, không phải ngẫu nhiên mà Tập Cận Bình đã đích thân đến thăm Mỹ vào tháng 2/2012, trước khi nhậm chức Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc. Tại đây, ông Tập tuyên bố sẽ khởi xướng một "mô hình quan hệ cường quốc" mới giữa đôi bên.

Tuyên bố của ông Tập nhanh chóng trở thành cụm từ "cửa miệng" mỗi khi phía Trung Quốc nhắc đến mối quan hệ này. Tháng 12/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tuyên bố ưu tiên đối ngoại của nước này trong năm 2014 sẽ là củng cố "mô hình quan hệ cường quốc".

Nhưng thời thế thay đổi quá nhanh, đầu năm nay, Trung Quốc lại khẳng định ưu tiên đối ngoại hàng đầu trong năm 2015 sẽ là phát triển "Con đường Tơ lụa" về kinh tế cũng như hàng hải, hai phương tiện giúp nước này mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Nói cách khác, thay vì tiếp tục phát triển "quan hệ cường quốc", Bắc Kinh quyết định thay đổi chiến thuật, tập trung nguồn lực vào việc đẩy mạnh trao đổi quan hệ kinh tế, văn hóa và an ninh với các "láng giềng" châu Á.

Kết quả của một quá trình

Bà Tiezzi nhận định, sự thay đổi này không phải bỗng dưng mà có. Vào tháng 10/2013, Trung Quốc từng đóng vai trò chủ nhà trong một hội nghị ngoại giao khu vực.

Tại đây, Tập Cận Bình đã thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với các nước láng giềng trong công cuộc phát triển của Trung Quốc.

Một năm sau, trong khuôn khổ Hội nghị Trung ương các Vấn đề Đối ngoại tại Bắc Kinh, người đứng đầu nhà nước Trung Hoa đã phát biểu:

Chủ tịch Trung Quốc
Tập Cận Bình
Trong năm tới, Trung Quốc phải củng cố tình bằng hữu và hợp tác với các nước láng giềng, để xây dựng một cộng đồng cùng chung chí hướng.

Chính sách "Con đường Tơ lụa", khởi xướng từ mùa thu năm 2013 và được đẩy mạnh trong suốt năm 2014, cũng nổi lên song song với chuyển biến ngoại giao tập trung vào các nước láng giềng của Trung Quốc.

Ngoài ra, trong năm 2014, Trung Quốc cũng đã chủ động đề nghị xây dựng hành lang kinh tế với Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, và Myanmar, qua đó thể hiện quyết tâm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực của đất nước đông dân nhất thế giới.

Các tổ chức đa phương trong khu vực cũng được Trung Quốc tận dụng để áp đặt chính sách đối ngoại mới của mình. Trong đó, Hội nghị Thượng đỉnh về Phối hợp và Xây dựng Lòng tin ở châu Á (CICA) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là hai ví dụ điển hình.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại CICA 2014. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại CICA 2014. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tại CICA, ông Tập đã đưa ra ý tưởng về một "hệ thống hợp tác an ninh khu vực" mới, trong đó Trung Quốc sẽ là nước đứng đầu, thay cho cơ cấu hiện tại với Mỹ là trọng tâm.

Tầm nhìn "Châu Á vì lợi ích người Châu Á" của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc nước này, với tư cách là quốc gia rộng lớn và giàu có nhất châu lục, sẽ nắm vai trò "cầm trịch" trong các vấn đề khu vực.

Phản hồi

Nhận định về những động thái mới này của Trung Quốc, học giả Diêm Học Thông thuộc viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Thanh Hoa, cho rằng, đối ngoại trong khu vực đã thay thế quan hệ ngoại giao với Mỹ trở thành ưu tiên số một của Trung Quốc.

Trong một bài góc nhìn mới đây, Tân Hoa Xã cũng cho rằng: "Sự chủ động của Trung Quốc trong củng cố quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng đang đem lại kết quả, và Trung Quốc đang thiết lập một bộ khung cho sự phát triển của khu vực".

Còn đối với các nước láng giềng, bước chuyển biến này đồng nghĩa với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhưng đi kèm với đó sẽ là áp lực phải chia sẻ quan điểm với Bắc Kinh trong vấn đề an ninh khu vực, điều mà theo bà Tiezzi không phải nước nào cũng muốn làm.

Con đường tơ lụa của Trung Quốc đang thách thức trục của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: AP

"Con đường tơ lụa" của Trung Quốc đang thách thức "trục" của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: AP

Sang tới bên kia Thái Bình Dương, phía Mỹ coi bước chuyển biến này là một thách thức cho chiến lược "xoay trục sang châu Á" của mình.

Tuy nhiên, việc không còn quá chú tâm vào phát triển ngoại giao Trung - Mỹ cũng khiến cho ưu tiên giữ quan hệ giờ đây khó lòng cản nổi cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc này tại châu Á - Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại