Toàn văn Thông điệp Liên bang 2015 của Putin

Ban Quốc tế |

Thông điệp Liên bang thứ 12 trong sự nghiệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin được ông phát biểu trong khoảng 1 giờ đồng hồ vào trưa nay (3/12) tại cung Gheorghi, Điện Kremlin.

LTS: Thông điệp Liên bang là bài phát biểu thường niên mà Tổng thống Nga phải đọc trước lưỡng viện Quốc hội để nêu ra quan điểm cá nhân của mình cũng như những chỉ dẫn cho sự phát triển của đất nước.

Ông Putin phát biểu Thông điệp năm nay vào lúc 12h trưa nay theo giờ Moscow (16h giờ Việt Nam) và được chúng tôi tường thuật trực tiếp.

Tham gia buổi tường thuật trực tiếp với chúng tôi có nhà báo Nguyễn Đăng Phát, nguyên Trưởng ban tin Thế giới, Thông tấn xã Việt Nam.

Thông điệp liên bang 2015 của Tổng thống Putin

Ông Vadim Menshov
Ông Vadim Menshov

Trả lời phỏng vấn báo điện tử Trí thức trẻ từ Moskva, ông Vadim Menshov, nhà giáo công huân, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục gia đình “Ngôi nhà của chúng ta” cho biết ông, cũng như đa số công dân Nga đều tin tưởng, ủng hộ tuyệt đối vào Tổng thống của mình trong các chính sách đối nội cũng như đối ngoại.

Là một nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, ông tin tưởng Tổng thống trong Thông điệp của mình sẽ làm an lòng người dân khi tuyên bố Ngân sách của Nhà nước trợ giúp những người tàn tật, trẻ tàn tật, mồ côi...vẫn sẽ tiếp tục được đảm bảo.

---

Kính thưa các đại biểu Hội đồng Liên bang, kính thưa các đại biểu Duma Quốc gia!

Kính thưa các công dân Nga!

Tôi muốn mở đầu bản thông điệp năm nay với lời cám ơn các quân nhân Nga đang chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Ngày hôm nay, trong Cung điện Gheorghi này, một cung điện lịch sử vinh danh những chiến công của nước Nga đang có mặt các phi công chiến đấu, các đại diện của lực lượng vũ trang là những người tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Syria.

Ghelena Yuyrevna Peskhova (vợ phi công Su-24 vừa thiệt mạng - PV) và Irina Vladimirovzna Pozynich (vợ lính thủy đánh bộ Nga thiệt mạng trong chiến dịch giải cứu phi công Su-24 - PV), 2 người đã mất chồng của mình trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng đã quyết tâm đến tham dự cuộc họp mặt với chúng ta hôm nay.

Chúng ta xin kính cẩn nghiêng mình đối với họ và đối với cha mẹ các anh hùng của chúng ta.

Tôi đề nghị chúng ta dành phút mặc niệm những chiến sĩ đã hi sinh cuộc đời mình trong khi thực hiện nghĩa vụ của mình để bày tỏ sự tưởng nhớ đối với tất cả các công dân Nga đã chết do bàn tay của bọn khủng bố .

(Hội trường dành một phút mặc niệm).


Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang 2015. Ảnh: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang 2015. Ảnh: TASS

Nhấn mạnh chống khủng bố

Kính thưa các đại biểu!

Nước Nga đã từ lâu đứng ở tuyến đầu đấu tranh chống khủng bố. Đó là cuộc đấu tranh vì tự do, vì sự thật và vì chính nghĩa, vì cuộc sống của con người và vì tương lai của toàn bộ nền văn minh.

Chúng ta biết chủ nghĩa khủng bố quốc tế tàn bạo như thế nào.

Nước Nga đã đương đầu với sự tàn bạo đó vào giữa những năm 1990, và đất nước chúng ta, các công dân của chúng ta đã phải chống lại những cuộc tấn công tàn bạo của bọn khủng bố.

Chúng ta vẫn nhớ những cuộc bắt cóc con tin ở Bydyonosk, Beslan, Moskva, nhớ rõ những vụ gây nổ tàn bạo nhằm vào các tòa nhà ở, những vụ đánh bom đoàn tàu Nevski Express, những vụ khủng bố trong xe điện ngầm ở thủ đô và ở sân bay Domodedovo.

Những thảm kịch đó đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng. Đó là nỗi đau mà chúng ta, đất nước chúng ta, những người thân của những người vô tội đã bị giết chết sẽ không bao giờ quên.

Đã phải mất khoảng 10 năm mới tạo ra được bước ngoặt trong cuộc chiến với bọn khủng bố. Trên thực tế, chúng ta đã đẩy được bọn khủng bố ra khỏi nước Nga, nhưng cho đến lúc này, chúng ta vẫn đang tiến hành cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tàn tích của bọn chúng. Cái ác đó cho đến bây giờ vẫn đang hiện hữu.

Cách đây hai năm, những vụ khủng bố đã xảy ra ở thành phố Volgograd. Cách đây không lâu, máy bay dân dụng của Nga đã bị đánh bom nổ ở trên bán đảo Sinai.

Không thể thắng được chủ nghĩa khủng bố quốc tế chỉ bằng sức mạnh của một nước, đặc biệt là trong những điều kiện hiện nay, các biên giới các nước trên thế giới hầu như đã để ngỏ, còn thế giới thì đang chứng kiến thêm một cuộc di cư mới của các dân tộc và bọn khủng bố thường xuyên có được nguồn tài trợ.

Nguy cơ chủ nghĩa khủng bố đang tăng lên. Vấn đề Afghanistan vẫn chưa được giải quyết. Tình hình ở nước này vẫn đáng lo ngại và không làm cho người ta lạc quan.

Còn có những nước cách đây không lâu thì đang ổn định và khá phồn vinh ở Trung Đông và Bắc Phi - như Iraq, Lybia, Syria - đã trở thành khu vực hỗn loạn và vô chính phủ mà từ đó, đã xuất hiện mối đe dọa đối với toàn thế giới.

Và chúng ta biết rõ vì sao lại có chuyện đó.

Chúng ta biết ai muốn lật đổ những chế độ không hợp ý họ và áp đặt những điều luật của mình một cách thô bạo.

Kết quả là thế nào? Người ta đã gây ra tình trạng hỗn loạn, đã phá vỡ thể chế nhà nước, đã đẩy người dân đến chỗ xung đột nhau và sau đó, đơn giản, như người Nga thường nói, đã "rửa sạch tay" rồi mở đường cho những lực lượng cực đoan và những kẻ khủng bố.

Đối với chúng ta, một mối nguy hiểm đặc biệt xuất phát từ những chiến binh tập trung ở Syria. Trong số đó, không ít kẻ xuất thân từ Nga và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập CIS. Chúng nhận được tiền, vũ khí và đang tăng cường sức mạnh.

Nếu chúng trở nên vững mạnh, dành được thắng lợi ở đó thì nhất định chúng sẽ xuất hiện vào nước ta để reo rắc nỗi sợ hãi và lòng hận thù, để gây ra các vụ nổ, để giết người, để hành hạ mọi người. Chúng ta có trách nhiệm phải đương đầu và tiêu diệt chúng tại những địa điểm cách xa chúng ta.

Chính vì thế, đã có quyết định về chiến dịch quân sự trên cơ sở lời yêu cầu chính thức từ chính quyền hợp pháp của Syria.

Tại Syria, các lực lượng vũ trang của chúng ta chiến đấu trước hết vì nước Nga, bảo vệ an ninh cho chính công dân của chúng ta.

Quân đội và Hải quân Nga đã tỏ rõ sự thiện chiến của mình, những khả năng đã lớn mạnh của mình. Vũ khí hiện đại của Nga đang phát huy hiệu quả, còn cơ hội hết sức tốt để ứng dụng các vũ khí đó vào chiến đấu thì sẽ được tổng kết để tiếp tục hoàn thiện vũ khí và kĩ thuật quân sự của chúng ta.

Tôi cảm ơn các kĩ sư, các công nhân - tất cả những ai lao động tại các xí nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Trong cuộc chiến chống khủng bố, nước Nga đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao nhất và thể hiện vai trò đi đầu của mình. Những hành động kiên quyết đó giành được sự ủng hộ của toàn thể xã hội Nga.

Chính lập trường rất rõ ràng đó của các công dân chúng ta - một sự nhận thức sâu sắc về nguy cơ to lớn của chủ nghĩa khủng bố, chính là biểu hiện của những tình cảm yêu nước chân chính và những phẩm chất đạo đức cao cả, cũng như lòng tin về việc lợi ích quốc gia, lịch sử của mình, truyền thống của mình.

Các giá trị của chúng ta nhất định phải được bảo vệ.

Những bài học của quá khứ hiện đã bộc lộ hoàn toàn trước cộng đồng quốc tế. Chúng ta thấy rất rõ những sự tương đồng lịch sử.

Trong thế kỉ XX, việc không muốn kịp thời thống nhất các nỗ lực trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Quốc xã đã phải trả giá bằng hàng chục triệu sinh mạng, bằng cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu nhất.

Hiện nay, chúng ta một lần nữa lại phải đối mặt trực diện với một hệ tư tưởng dã man, có sức tàn phá rất mạnh và chúng ta không có quyền để cho những thế lực đen tối mới xuất hiện đạt được mục tiêu của mình.

Cần phải gạt sang một bên tất cả những tranh chấp, bất đồng, để tạo ra một nắm đấm cực mạnh, xây dựng một mặt trận chống khủng bố thống nhất hoạt động trên cơ sở luật pháp quốc tế dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

Thỗ Nhĩ Kỳ "sẽ không thoát chỉ với vài lô cà chua"

Bất kỳ nhà nước văn minh nào lúc này cũng có trách nhiệm góp phần vào việc đánh tan bọn khủng bố, có trách nhiệm khẳng định tình đoàn kết của mình - không phải bằng lời nói mà bằng hành động cụ thể.

Điều đó có nghĩa là không được dành bất cứ nơi trú ẩn nào cho bọn khủng bố. Không được có bất cứ tiêu chuẩn kép nào. Không được có bất cứ cuộc tiếp sức nào cho tổ chức khủng bố. Không được có bất cứ mưu toan lợi dụng bọn khủng bố để phục vụ mục tiêu của mình. Không được có bất kỳ hoạt động kinh doanh tội lỗi đẫm máu nào với bọn khủng bố.

Chúng ta biết, chẳng hạn, ai ở Thổ Nhĩ Kỳ, kiếm được tiền và tạo điều kiện cho bọn khủng bố kiếm tiền bằng cách bán dầu mỏ cướp được ở Syria.

Bọn khủng bố đã sử dụng chính những đồng tiền đó để chiêu mộ lính đánh thuê, mua vũ khí, tổ chức những vụ khủng bố vô nhân tính nhằm chống lại các công dân của chúng ta, chống các công dân Pháp, Lebanon, Mali và những nước khác.

Chúng ta nhớ rằng chính Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp chỗ ẩn nấp, ủng hộ về tinh thần và vật chất cho những chiến binh đã từng hoành hành ở Bắc Caucasus trong những năm 1990 và những năm 2000. Và hiện nay chúng ta cũng thấy chúng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ là một dân tộc thân thiện, cần cù và tài giỏi. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng ta có nhiều người bạn lâu năm và đáng tin cậy.

Tôi nhấn mạnh rằng, họ phải biết là chúng ta không đánh đồng họ với một bộ phận giới cầm quyền hiện nay, những người đang phải chịu trách nhiệm trực tiếp về cái chết của quân nhân của chúng ta ở Syria.

Chúng ta sẽ không bao giờ quên sự đồng lõa đó với bọn khủng bố. Chúng ta đã và sẽ luôn luôn coi sự phản bội là một hành động tệ hại nhất, hèn hạ nhất.

Những kẻ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn vào lưng các phi công chúng ta, những kẻ trơ trẽn tìm cách bào chữa cho bản thân, cho hành động của mình và che chắn tội ác của bọn khủng bố cần phải biết điều đó.


Nhà báo Nguyễn Đăng Phát tham gia tường thuật trực tiếp Thông điệp Liên bang 2015 của Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Mạnh Quân

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát tham gia tường thuật trực tiếp Thông điệp Liên bang 2015 của Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Mạnh Quân

Kính thưa các đại biểu!

Quả thực tôi không hiểu được tại sao họ lại hành động như vậy. Bất kỳ câu chuyện gì, bất kỳ vấn đề gì, bất kỳ mâu thuẫn nào mà thực ra thì chúng ta không thấy được cũng đều có thể giải quyết được bằng những phương thức hoàn toàn khác hẳn.

Hơn thế nữa, chúng ta đã sẵn sàng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong những vấn đề nhạy cảm nhất với họ và đã sẵn sàng đi rất xa mà ngay cả các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn làm vậy.

Có lẽ chỉ thánh Allah mới biết họ hành động như vậy để làm gì. Và có lẽ thánh Allah đã quyết định trừng phạt những người cầm quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách làm cho họ mất trí khôn và sự tỉnh táo.

Nhưng người ta sẽ không bao giờ thấy ở chúng ta một phản ứng căng thẳng, điên cuồng, nguy hiểm cho chính chúng ta và cho toàn bộ thế giới. Một kiểu phản ứng mà chỉ nhằm hướng vào những hiệu quả bên ngoài nào đó, hoặc thậm chí là hướng vào một nhu cầu đối nội nhanh chóng nào đấy.

Điều đó sẽ không xảy ra.

Cơ sở cho những hành động của chúng ta trước hết là tinh thần trách nhiệm trước đất nước mình, trước nhân dân mình. Chúng ta không có ý định và sẽ không "khua gươm múa súng".

Nhưng nếu ai đó nghĩ rằng gây ra tội ác chiến tranh xấu xa - giết hại người của chúng ta - mà chỉ bị phạt nhẹ bằng những lô cà chua hoặc những hạn chế nào đó trong ngành xây dựng và những ngành khác thì họ hoàn toàn nhầm.

Chúng ta rồi sẽ không chỉ một lần nhắc cho họ nhớ những gì họ đã làm và rồi họ sẽ còn tiếc vì những gì đã gây ra. Chúng ta thì biết cần phải làm gì.

Hiện nay, để đáp trả nguy cơ khủng bố, chúng ta đã huy động các lực lượng vũ trang, các lực lượng tình báo, các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Nhưng tất cả cần phải nhận thức được trách nhiệm của mình: Chính quyền, các đảng chính trị, các cơ cấu xã hội công dân, các phương tiện truyền thông đại chúng.

Sức mạnh của nước Nga là ở sự phát triển một cách tự do của tất cả các dân tộc, ở sự đa dạng, hài hòa các nền văn hoá, ngôn ngữ, truyền thống, trong sự tôn trọng lẫn nhau, trong sự đối thoại giữa những người theo các tôn giáo - Chính thống giáo, Hồi giáo, Do thái giáo và Phật giáo.

Chúng ta phải kiên quyết chống lại bất kỳ biểu hiện nào của chủ nghĩa cực đoan và bài ngoại, phải gìn giữ sự hòa hợp giữa các dân tộc và tôn giáo. Đó là nền tảng lịch sử của xã hội chúng ta và của thể chế nhà nước Nga.

Vấn đề về bầu cử, tham nhũng

Năm 2016 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Duma Quốc gia. Với các nhà lãnh đạo các chính đảng và các lực lượng sẽ tham gia các tiến trình bầu cử, với tất cả các lực lượng chính trị xã hội, tôi muốn trích dẫn ra đây lời của nhà sử học lỗi lạc Nikolai Karamzin.

Ông đã viết như thế này: "Người nào không tôn trọng bản thân mình thì chắc chắn người đó cũng sẽ không được người khác tôn trọng.

Tôi không cho rằng tình yêu Tổ quốc phải làm cho chúng ta lóa mắt và tin chắc rằng chúng ta hơn hẳn người khác về tất cả mọi thứ. Nhưng người Nga cần phải biết giá trị của mình".

Đúng là chúng ta có thể tranh luận cách thức giải quyết vấn đề này hay vấn đề khác, nhưng chúng ta cần phải gìn giữ tình đoàn kết, thống nhất, nhớ rằng điều cốt yếu nhất với chúng ta là nước Nga.

Những cuộc cạnh tranh trước bầu cử cần phải trung thực và minh bạch, diễn ra trong khuôn khổ luật pháp, tôn trọng cử tri. Và cần thiết phải bảo đảm được sự tin cậy vô điều kiện của xã hội đối với kết quả bầu cử, đối với tính hợp pháp chắc chắn của cuộc bầu cử.

Kính thưa các vị đại biểu!

Tôi cho rằng trong các chương trình tranh cử của các ứng cử viên đại biểu cần phải dành sự quan tâm tới vấn đề chống tham nhũng. Vấn đề đó thực sự đang được cả xã hội quan tâm. Nạn tham nhũng là sự cản trở đối với tiến trình phát triển của nước Nga.

Ngày nay, các quan chức, các quan toà, những người bảo vệ pháp luật, đại biểu tất cả các cấp đều phải kê khai thu nhập và chi tiêu, kê khai bất động sản và tài khoản của mình, kể cả ở nước ngoài.

Hiện nay, cả những thông tin về các hợp đồng, các vụ đấu thầu mà các công chức ở cấp trung ương cũng như địa phương dự kiến ký kết với các công ty của người nhà của mình, bạn bè và những người quen biết mình đều phải công khai.

Khi xuất hiện những dấu hiệu về lợi ích của cá nhân, xung đột lợi ích, đều ngay lập tức được các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan kiểm tra lưu tâm đặc biệt. Và tất nhiên là cả sự quan tâm của xã hội.

Vừa qua, những người tham gia dự án "mua sắm phải trung thực" của Mặt trận Nhân dân toàn Nga đã cho tôi biết về một số trường hợp lạm dụng, vi phạm mà họ phát hiện được. Tôi đề nghị Viện Kiểm sát tối cao, các cơ quan bảo vệ pháp luật, phải có hồi âm ngay đối với thông tin như vậy.

Luật pháp phải thực sự nghiêm khắc với những kẻ cố tình phạm tội nặng, gây thiệt hại cho cuộc sống của con người, cho lợi ích của xã hội và cả nước. Đương nhiên, luật pháp phải nhân đạo đối với những ai biết dừng lại.

Hiện nay, gần 1/2 số vụ án hình sự được đưa ra xét xử có liên quan đến những tội ác nhỏ, không đáng kể, vậy mà người phạm tội, trong đó có những người đang rất trẻ thì lại bị tù giam.

Việc phải ngồi tù, việc phải chịu án bao giờ cũng ảnh hưởng xấu đến tương lai của họ và thường dẫn tới các tội ác tiếp theo.

Tôi đề nghị Duma Quốc gia ủng hộ đề nghị của Tòa án Quốc gia Nga về việc phi hình sự hóa một số điều khoản của bộ luật hình sự và chuyển những tội danh không gây nguy hiểm lớn cho xã hội vào diện vi phạm hành chính, nhưng với một chú dẫn có tính nguyên tắc là: Nếu tái phạm thì sẽ bị coi là tội phạm hình sự.

Cần phải nâng cao tính độc lập và khách quan của phiên toà. Nhân đây, tôi đề nghị củng cố vai trò của định chế hội thẩm nhân dân, mở rộng danh mục những tội danh mà hội thẩm nhân dân có thể xem xét.

Và tính đến việc một hội đồng gồm 12 thành viên không phải lúc nào cũng dễ thành lập thì có thể xét tới việc giảm số thành viên hội đồng hội thẩm nhân dân xuống còn khoảng 5 - 7 người, nhưng nhất định phải duy trì được sự độc lập hoàn toàn của các hội thẩm viên khi thông qua quyết định.

Tôi biết lập trường của các tổ chức bảo vệ pháp luật, họ cho rằng con số hội thẩm nhân dân nhất định phải là 12, nhưng tôi xin nói là có những lúc thành lập cho được một hội đồng như thế là không đơn giản, và mặt khác chi phí cho việc đó cũng không ít.


Ảnh: Kremlin

Ảnh: Kremlin

Những thách thức về kinh tế

Kính thưa các đại biểu!

Năm ngoái chúng ta đã vấp phải những thách thức nghiêm trọng về kinh tế. Dầu mỏ rớt giá, những mặt hàng xuất khẩu truyền thống khác của chúng ta cũng mất giá, các cơ quan tài chính của Nga, các công ty của Nga bị hạn chế tiếp cận các thị trường tài chính thế giới.

Tôi biết hiện nay nhiều ngành, nhiều lĩnh vực vẫn khó khăn. Những khó khăn phức tạp trong nền kinh tế ảnh hưởng tới thu nhập và nói chung là tới mức sống của nhân dân ta.

Tôi cũng biết rõ rằng nhân dân đang đặt ra câu hỏi bao giờ thì chúng ta mới vượt qua những khó khăn này, và để đạt được điều đó thì cần phải làm gi.

Tình hình đúng là phức tạp, nhưng tôi đã nói nhiều về việc này và bây giờ xin nhắc lại là tình hình không đến mức bi đát.

Hiện nay chúng ta đã nhìn thấy những xu hướng tích cực, sản xuất công nghiệp và tỉ giá đồng nội tệ nhìn chung đã ổn định. Đã có hiện tượng giảm tỉ lệ lạm phát, so với năm 2014 thì hiện nay chúng ta đã ghi nhận được sự giảm bớt đáng kể tình trạng thất thoát vốn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là đã có thể yên tâm và chờ đợi rằng rồi mọi cái sẽ thay đổi một cách kỳ diệu, hoặc chỉ đơn giản chờ đợi cho đến khi giá dầu mỏ tăng lên. Một thái độ như vậy là không thể chấp nhận được về nguyên tắc.

Chúng ta phải sẵn sàng với việc thời kỳ giá nguyên liệu giảm thấp và thời gian duy trì những hạn chế bên ngoài có thể còn kéo dài và kéo dài lâu.

Nếu không thay đổi gì cả thì chúng ta sẽ tiêu hết nguồn dự trữ của chính mình, còn tốc độ tăng trưởng kinh tế thì sẽ dao động ở mức bằng 0.

Nhưng vấn đề cũng không chỉ nằm ở đó.

Đằng sau những vấn đề hiện nay, chúng ta không thể không nhận thấy những xu hướng chủ yếu của sự phát triển trên toàn cầu.

Các đường nét của nền kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng những khối thương mại mới đang được hình thành, lĩnh vực công nghệ đang diễn ra những thay đổi mạnh mẽ.

Chính lúc này là lúc xác định được vị trí của các nước trong sự phân công lao động toàn cầu cho hàng thập niên sắp tới và chúng ta có thể, và nhất định phải chiếm giữ một vị trí trong số những quốc gia dẫn đầu.

Nước Nga không có quyền trở thành một nước dễ đổ vỡ. Chúng ta cần phải mạnh về kinh tế, về công nghệ, về trình độ nghề nghiệp, về khả năng sử dụng đầy đủ những điều kiện thuận lợi hiện nay mà có thể ngày mai sẽ không còn nữa.

Tất nhiên, chính quyền cần phải lắng nghe người dân, phải giải thích rõ bản chất của những vấn đề nảy sinh và logic của những hành động của mình, phải nhìn thấy trong xã hội công dân và giới doanh nghiệp những đối tác bình đẳng.

Những điều cần ưu tiên thực hiện

Đâu là những phương hướng then chốt đối với chúng ta?

Thứ nhất, nền sản xuất có tính cạnh tranh cho đến nay vẫn tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực nguyên liệu và khai thác.

Chỉ bằng cách thay đổi cơ cấu kinh tế thì chúng ta mới có thể giải quyết được những nhiệm vụ, quy mô to lớn trong lĩnh vực an ninh và phát triển xã hội, mới tạo ra được những việc làm hiện đại và nâng cao chất lượng cũng như mức sống của hàng triệu người dân chúng ta.

Điều quan trọng là chúng ta có những doanh nghiệp thành công trong ngành công nghiệp, trong nông nghiệp, trong lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiệm vụ đặt ra là phải làm cho số lượng những doanh nghiệp đó tăng lên nhanh chóng và trong tất cả các ngành.

Các chương tình nội địa hoá, thay thế hàng nhập khẩu, hỗ trợ xuất khẩu, đổi mới công nghệ sản xuất và đào tạo nhân lực lành nghề phải hướng vào việc đạt được mục tiêu đó.

Thứ hai, cần phải lưu ý rằng một số ngành hiện nay đã rơi vào khu vực rủi ro.

Trước hết, đó là ngành xây dựng, chế tạo ô tô, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy đường sắt. Chính phủ cần phải đưa ra được những chương trình hỗ trợ cần thiết cho các ngành đó. Hiện cũng đã tính đến các nguồn tài chính để làm việc đó.

Thứ ba, cần phải hỗ trợ người có thu nhập thấp, những nhóm người dân dễ bị tổn thương nhất và phải chuyển sang nguyên tắc hỗ trợ xã hội một cách công bằng khi mà sự hỗ trợ đó đến được tay những người thực sự cần.

Chẳng hạn, cần tính đến nhu cầu cá nhân của những người khả năng hạn chế, quan tâm đặc biệt vấn đề đào tạo nghề và bố trí lao động cho người khuyết tật.

Chúng ta đã làm được nhiều việc trong lĩnh vực dân số, giáo dục, y tế. Những định hướng chủ yếu trong các lĩnh vực nà dã được xác định trong Sắc lệnh của Tổng thống tháng 5/2012.

Tất nhiên, cuộc sống bao giờ cũng có tính chất điều chỉnh, thậm chí là điều chỉnh rất đáng kể. Nhưng trong tình hình phức tạp hiện nay, trách nhiệm về phúc lợi của nhân dân phải được nâng cao hơn nữa, và tôi đề nghị mọi người có thái độ hết sức nghiêm túc đối với các Sắc lệnh tháng 5/2012. Cần phải cố gắng thực hiện chúng.

Thứ tư, cần phải đạt được sự cân bằng ngân sách. Tất nhiên đó không phải mục tiêu tự thân mà là điều kiện quan trọng bảo đảm kinh tế vĩ mô và sự độc lập về tài chính của nước ta.

Xin nhắc lại rằng, mức thâm hụt ngân sách liên bang năm 2016 không được vượt quá 3%, cho dù phần thu của chúng ta sẽ đạt được thấp hơn mức dự kiến.

Tôi xin lưu ý các đại biểu Duma Quốc gia và hội đồng liên bang về điều đó. Đấy là một vấn đề quan trọng.

Tôi vừa nói là sự ổn định tài chính và sự độc lập của đất nước là hoàn toàn liên quan tới nhau. Đề nghị phải căn cứ vào những quan điểm then chốt nền tảng đó.

Việc xây dựng ngân sách, mỗi chu kì ngân sách đều phải bắt đầu bằng việc xác định rõ ràng những ưu tiên, cần phải trả lại cho các chương trình nhà nước vai trò xác định trong tiến trình này.

Cần phải siết chặt việc kiểm soát sự di chuyển vốn của nhà nước, bao gồm cả những khoản tài trợ cấp liên bang và cấp địa phương cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.

Tôi cho rằng nguồn vốn đó khi chuyển cho các đối tượng cuối cùng nhận nó chỉ được thực hiện thông qua các tài khoản của kho bạc nhà nước.

Tiền bạc của nhà nước không được rời khỏi túi tiền của nhà nước. Nhiều lúc vì những mô hình "màu xám" trong việc nộp thuế hải quan, thuế tiêu thụ đặc biệt về đồ uống có cồn, thuốc lá, dầu nhớt mà ngân sách mỗi năm mất hàng trăm tỉ rúp. Đấy thực sự là hành động ăn cắp.

Tôi đề nghị phải xây dựng được một cơ chế thống nhất đồng bộ về xử lý thuế, thuế hải quan và những khoản tiền khác phải nộp  vào ngân sách. Ở đó có những phương án khác nhau. Trong thời gian gần đây chúng ta đã nhiều lần thảo luận rồi.

Tôi chờ đợi chính phủ đưa ra những đề nghị cụ thể. Nhưng ở đây, tôi một lần nữa muốn nhấn mạnh, trong những năm sắp tới, các điều kiện về thuế khoá với các doanh nghiệp là không được thay đổi.

Thứ năm, chúng ta cần phải tiếp tục củng cố sự tin cậy giữa chính quyền và doanh nghiệp, phải cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Năm nay, về cơ bản chúng ta đã hoàn thành việc thực hiện các kế hoạch được đặt ta trong khuôn khổ Sáng kiến Kinh doanh Quốc gia.

Kết quả đạt được là tốt, nhưng tất nhiên không được dừng lại ở đó.

Chính phủ cùng Cơ quan Sáng kiến Chiến lược, với các doanh nghiệp hàng đầu cần phải tiếp tục công việc thường xuyên nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh, phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện pháp luật ở các cơ sở.

Tôi cho rằng tự do kinh doanh là một vấn đề hết sức quan trọng về kinh tế và có ý nghĩa to lớn đối với xã hội. Chính là với việc mở rộng tự do kinh doanh thì chúng ta mới có thể đáp trả được những hạn chế mà người ta đang tìm cách gây ra cho chúng ta. 

Chính vì thế, chúng ta đã dành nhiều quyền hạn rộng rãi cho Tập đoàn Liên bang về Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, được thành lập cách đây không lâu.

Tôi đề nghị các bộ, ngành, các thống đốc, các nhà lãnh đạo địa phương của Liên bang Nga, các doanh nghiệp nhà nước và các ngân hàng dành cho Tập đoàn này tất cả sự hỗ trợ cần thiết.


Ảnh: Kremlin

Ảnh: Kremlin

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy các nhà doanh nghiệp vẫn chưa nhận thấy những thay đổi về chất trong hoạt động của các cơ quan kiểm tra, giám sát.

Đối với vấn đề này, đã có những chỉ thị từ lâu rồi, và không chỉ một lần. Chúng ta đã nói quá nhiều về chuyện này.

Chúng ta đã cắt giảm và cắt giảm những thẩm quyền đó. Đâu đó chúng ta đã cắt giảm rồi, nhưng rồi đâu đó lại phình ra. Một lực lượng hùng hậu những người kiểm tra vẫn tiếp tục cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Điều đó không có nghĩa là không cần kiểm tra.

Tất nhiên là cần kiểm tra, nhưng tôi đề nghị Uỷ ban của chính phủ về cải cách hành chính cùng với các doanh nghiệp từ nay đến 1/7/2016 trình ra đề xuất cụ thể để loại trừ chức năng chồng chéo, không cần thiết trong các cơ quan kiểm tra, giám sát.

Tôi cũng muốn dẫn ra đây những số liệu mà một doanh nghiệp của chúng ta đã chuẩn bị.

Trong năm 2014, các cơ quan điều tra đã khởi tố gần 200.000 vụ án hình sự về cái gọi là vụ án cấu thành tội phạm kinh tế. 46.000 trong số đó đã được đưa ra toà. Còn 15.000 vụ thì toà đã phải tuyên huỷ, thành ra chỉ có 15 những vụ đó là kết thúc có tuyên án.

Và tuyệt đại đa số - gần 80%, 83% số nhà doanh nghiệp bị khởi tố hình sự đã mất hoàn toàn hoặc mất một phần doanh nghiệp của mình.

Tức là người ta đã trấn áp họ, lấy mất tài sản của họ và đã thả họ ra.

Tất nhiên, đó là những điều mà chúng ta không cần xét về góc độ môi trường kinh doanh. Đó là một sự phá hoại trực tiếp môi trường kinh doanh.

Tôi đề nghị các cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chú ý đặc biệt điều đó.

Tôi xin nhấn mạnh Viện kiểm sát cần phải sử dụng rộng rãi hơn nữa nhũng công cụ mà mình có để kiểm tra chất lượng hoạt động điều tra.

Tôi biết xung quanh vấn đề này có sự thảo luận từ lâu rồi và có ý kiến là cần tăng thêm thẩm quyền cho Viện kiểm sát.

Mọi người cũng biết đấy, có một thời chúng ta đã tách điều tra ra khỏi Viện kiểm sát để bảo đảm tính độc lập của điều tra. Đó là một quyết định có ý thức.

Hiện nay tôi xin nhắc lại là viện kiểm sát đã có nhiều công cụ như huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, từ chối phê chuẩn cáo trạng hoặc từ chối ủng hộ luận tội ở toà. Cần phải sử dụng tích cực hơn nữa những gì đã có và chỉ sau đó chúng ta mới có thể phân tích thực tiễn đang diễn ra như thế nào.

Ngoài ra, tôi cho rằng trong quá trình điều tra hành vi cấu thành tội phạm kinh tế thì cần hết sức hạn chế biện pháp bắt tạm giam mà nên sử dụng hình thức cho đặt cọc tiền, cam kết không đi khỏi nơi cư trú, quản thúc tại gia.

Tôi xin nhấn mạnh vai trò của hệ thống bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp trong việc bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ công dân trước hành vi chiếm đoạt và trước những kẻ phạm tội và bảo vệ quyền, sở hữu, danh dự của những ai tôn trọng luật pháp, kinh doanh một cách trung thực.

Thêm một vấn đề nữa. Năm ngoái, đã có công bố về việc ân xá những nguồn vốn được chuyển trở về Nga. Thế nhưng, giới doanh nghiệp hiện tại chưa vội khai thác khả năng này, điều đó có nghĩa thủ tục còn phức tạp, biện pháp bảo đảm chưa đầy đủ.

Tôi có theo dõi những cuộc thảo luận đang diễn ra trong xã hội về vấn đề này. Nhiều người nói rằng, những gì chúng ta đã làm, những quyết định được thông qua củng cố tốt hơn so với những quyết định nhiều năm trước đây, nhưng hiện nay như thế chưa đủ.

Tôi đề nghị chính phủ tiến hành các cuộc tư vấn, thảo luận bổ sung với cộng đồng doanh nghiệp, với toà án tối cao, với cơ quan bảo vệ pháp luật để trong thời gian ngắn được chuyển trở lại về nước Nga, tôi đề nghị tiếp tục gia hạn thêm nửa năm nữa.


Ảnh: Kremlin

Ảnh: Kremlin

Thưa các đại biểu!

Nhà nước sẽ giành mọi sự hỗ trợ cần thiết cho những ai sẵn sàng tiến lên, sẵn sàng trở thành thủ lĩnh.

Chúng ta đã xác định điều đó trong cuộc đối thoại với giới doanh nghiệp căn cứ vào các yêu cầu của giới doanh nghiệp và những nhiệm vụ đang đặt ra cho đất nước.

Quỹ phát triển công nghiệp đang dành sự ủng hộ tài chính cho các dự án nội địa hoá. Các chương trình của quỹ này rất cần cho các nhà doanh nghiệp. Tôi đề nghị năm sau, tiến hành cấp vốn thêm cho quỹ này 20 tỉ rúp nữa.

Chúng ta cũng bảo đảm những điều kiện ổn định về thuế khoá và những điều kiện nền tảng khác cho các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào các dự án nội địa hoá. Đã có cơ chế cho việc này, chẳng hạn như hợp đồng đầu tư đặc biệt.

Tôi đề nghị trong khuôn khổ những hợp đồng như thế dành cho các địa phương quyền được giảm thuế lợi nhuận tới mức bằng 0.

Một số nhà lãnh đạo đã trực tiếp đề nghị việc này để các nhà đầu tư có thể bù đắp những chi phí của mình khi thành lập những cơ sở sản xuất mới.

Nhưng tất nhiên chúng ta cũng biết về sự lo ngại của các nhà lãnh đạo các địa phương, vì thế, các chủ thể của liên bang cần phải có những động lực để củng cố cơ sở kinh tế của mình.

Vì thế, sự gia tăng thu nhập của địa phương nhờ thực hiện dự án đó không được dẫn tới việc cắt giảm sự hỗ trợ từ ngân sách liên bang.

Chúng ta sẵn sàng bảo đảm cả mức nhu cầu về các chương trình đó và về những dự án đó.

Tôi đề nghị dành cho chính phủ quyền được mua không thông qua đấu thầu tới 30% số sản phẩm được tạo ra trong khuôn khổ các dự án đầu tư đặc biệt và các hợp đồng đầu tư đặc biệt.

Nhưng tất cả phần còn lại thì cần phải được đưa ra thị trường tự do, trong đó có thị trường ngoài nước để các doanh nghiệp không đánh mất động lực để giám sát chất lượng và tìm cách giảm chi phí.

Mọi người đều biết là ở các nước khác, khi thực hiện các chương trình như vậy thì người ta đã đặt ra các điều kiện khắt khe hơn để nhận được sự hỗ trợ của nhà nước: Phải thực hiện một khối lượng sản phẩm nhất định ở thị trường ngoài nước.

Như thế để làm gì? Để nhà sản xuất nỗ lực làm ra những sản phẩm có chất lượng.

Chúng ta nói rằng sẽ bảo đảm được thị trường của mình, các điều kiện của chúng ta có phần nào khác so với ở những nước đã áp dụng những điều kiện chặt chẽ hơn.

Nhưng cần phải nhận thức rằng sản phẩm làm ra là phải đạt được trình độ chất lượng quốc tế cao nhất. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta sẽ ủng hộ những cơ sở sản xuất có khả năng cạnh tranh cao của mình.

Không ai được ảo tưởng rằng nấp dưới chính sách nội địa hoá thì có thể đưa ra  cho nhà nước và người dân những hàng hoá kém chất lượng mà lại còn đắt hơn hẳn nữa.

Nước Nga cần có những doanh nghiệp không những có khả năng bảo đảm cho đất nước những sản phẩm chất lượng, hiện đại mà còn chiếm lĩnh được những thị trường trên thế giới.

Để hỗ trợ những người sẵn sàng làm việc như vậy, chúng ta đã thành lập Trung tâm Xuất khẩu Nga.

Ngoài ra, tôi đề nghị quy định việc tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm phi nguyên liệu là một trong những chỉ tiêu then chốt về hoạt động của các bộ ngành và của các chính phủ nói chung.


Ảnh: Mạnh Quân

Ảnh: Mạnh Quân

Về vấn đề nông nghiệp Nga

Tôi cho rằng cũng cần thực hiện sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp và lập ra một cơ quan về phát triển công nghệ sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp có được các bằng sáng chế trong nước và ngoài nước và các giấy phép thực hiện dịch vụ về công nghệ.

Việc xâm nhập các thị trường bên ngoài, việc quảng bá sản phẩm của Nga cần phải được coi là một chiến lược tự nhiên trong quá trình phát triển doanh nghiệp nước nhà của toàn bộ nền kinh tế Nga.

Tất nhiên, cần phải phá bỏ những khuôn mẫu cũ, tin vào khả năng của chính mình, nếu quyết tâm tiến lên thì chắc chắn sẽ có kết quả.

Một minh chứng về điều đó là nền nông nghiệp của chúng ta. Mười năm trước, gần một nửa thực phẩm được chúng ta nhập từ nước ngoài, chúng ta rất lệ thuộc vào nhập khẩu. Nhưng hiện nay, Nga là một trong những nước xuất khẩu.

Năm ngoái, xuất khẩu nông sản của Nga đã đạt gần 20 tỉ USD. Con số đó nhiều hơn 1/4 so với doanh thu bán vũ khí, hoặc bằng gần 1/3 doanh thu xuất khẩu khí đốt.

Nền nông nghiệp của chúng ta đã có được một bước tiến như thế trong một thời gian ngắn nhưng đầy kết quả.

Xin rất cám ơn những người nông dân của chúng ta.

Tôi cho rằng cần phải nêu ra một nhiệm vụ tầm cỡ quốc gia là đến năm 2020, chúng ta hoàn toàn bảo đảm được lương thực thực phẩm nội địa cho thị trường trong nước.

Chúng ta không những có thể nuôi được chính mình với điều kiện đất đai, nguồn nước và điều đặc biệt quan trọng là các nguồn lực của mình.

Nước Nga có khả năng trở thành một nhà cung cấp lớn hàng đầu thế giới về những thực phẩm lành mạnh, sạch về sinh thái, có chất lượng cao mà một số nhà sản xuất ở phương Tây đã từ lâu không sản xuất được nữa, hơn nữa nhu cầu trên thị trường toàn cầu về loại sản phẩm đó không ngừng gia tăng.

Để giải quyết được các nhiệm vụ có quy mô to lớn như thế, cần phải tập trung nguồn lực vào việc hỗ trợ trước hết là những cơ sở sản xuất đạt hiệu quả cao.

Chương trình Phát triển tổ hợp Công - Nông nghiệp cần phải dựa trên những nguyên tắc như vậy, ở đây tôi muốn nói đến những doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ - tất cả doanh nghiệp đều phải hoạt động hiệu quả. Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp cần phải hết sức quan tâm điều đó.

Cần phải sử dụng hàng triệu hecta đất nông nghiệp hiện nay đang bỏ trống hoặc đang ở trong tay những chủ đất lớn mà nhiều người trong số đó lại không vội vàng hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Chúng ta đã nói về chuyện này bao nhiêu năm rồi? Vậy mà không biến chuyển gì cả.

Tôi đề nghị thu lại đất nông nghiệp của những chủ đất không có hướng làm nông nghiệp, những chủ đất sử dụng đất không đúng mục đích và sau đó thì tổ chức bán đấu giá đất cho những ai muốn và có thể làm nông nghiệp.

Tôi đề nghị Chính phủ từ nay đến ngày 1/6/2016 soạn thảo những đề nghị cụ thể, bao gồm những dự thảo văn bản pháp quy.

Còn các đại biểu Duma Quốc gia và tất cả các thành viên của Quốc hội Liên bang thì cần có những sửa đổi bổ sung vào các đạo luật trong năm tới và đến kì họp mùa thu năm sau thì thông qua những đạo luật tương ứng.


Ảnh: Kremlin

Ảnh: Kremlin

Chúng ta cũng cần có công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản của mình, cần có quỹ hạt giống và con giống của riêng mình. Đó là một nhiệm vụ cực kì quan trọng, chúng ta vẫn còn rất dễ bị tổn thương trên những phương diện này.

Tôi đề nghị các viện nghiên cứu hàng đầu của chúng ta, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cũng như các doanh nghiệp đã áp dụng có kết quả những thành tựu tiên tiến, để tham gia giải quyết nhiệm vụ này.

Trong Thông điệp Liên bang năm ngoái, tôi đã công bố việc khởi động sáng kiến công nghệ quốc gia thời hạn 10-20 năm, và công việc thực tiễn hiện nay đã được triển khai. Sáng kiến này cho thấy rằng chúng ta còn có thể rất mạnh, có khả năng đề xuất và thực hiện những ý tưởng đầy sáng tạo.

Trên những phương diện như công nghệ thần kinh học, công nghệ máy bay không người lái, và nói chung là công nghệ trong ngành vận tải, các hệ thống lưu giữ và phân phối năng lượng của nước Nga có mọi cơ hội để xâm nhập thị trường toàn cầu trong những năm tới.

Để giải quyết những nhiệm vụ ưu tiên, những nhiệm vụ gắn liền với hiện đại hoá công nghệ, cần phải hướng các viện nghiên cứu phát triển vào việc giải quyết các nhiệm vụ ưu tiên trên.

Chúng ta có hơn 20 viện như thế, nhưng tôi xin nói thẳng rằng nhiều trong số đó đáng tiếc đã biến thành nơi để "rửa" những khoản nợ xấu.

Cần phải làm sạch những đơn vị này, tối ưu hoá cơ cấu và các cơ chế hoạt động của họ. Tôi biết chính phủ và ngân hàng trung ương hiện nay đang tích cực xử lý vấn đề này.

Để đổi mới nền kinh tế, chúng ta cần sử dụng tích cực hơn nữa tiềm lực đầu tư của các quỹ tiết kiệm trong nước.

Tôi đề nghị ngân hàng trung ương và chính phủ đề xuất những phương án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này chúng ta cũng đã nói nhiều lần rồi.

Cần phải đơn giản hoá thủ tục phát hành và mua trái phiếu. Để các nhà đầu tư hay người dân được hưởng lợi nhanh khi đầu tư vào phát triển những khu vực kinh tế thực, tôi đề nghị miễn thuế lợi nhuận của những loại trái phiếu này, trong đó có thuế đối với thu nhập của các cá nhân.

Trong ngành vận tải và xây dựng nhà ở hiện nay đang thực hiện hoặc chuẩn bị khởi công hàng chục dự án lớn.

Những dự án đó cần có những hiệu quả tích cực, không chỉ đối với những ngành riêng biệt mà còn phải tạo ra những động lực kích thích chung cho sự phát triển đồng bộ của những vùng lãnh thổ nhất định.

Tất nhiên trước hết đó là những dự án của tư nhân, để những dự án đó được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn, cần phải có những thay đổi cụ thể về luật pháp, gỡ bỏ những trở ngại về hành chính, dành sự giúp đỡ về phát triển hạ tầng và hỗ trợ tiếp cận thị trường bên ngoài.

Nhiều khi những vấn đề này vượt ra khỏi phạm vi một ngành, do đó tôi đề nghị phải có cơ chế hỗ trợ những dự án có tầm quan trọng lớn. Việc đó có thể do một cơ quan dự án đặc biệt phụ trách.

Tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ Dmitry Medvedev nêu ra những đề nghị về hoạt động của một cơ cấu như vậy.

Xin nói rằng một trong số những dự án có thể là việc thành lập những công ty tư nhân Nga lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử, để hàng hoá Nga tới được tất cả các nước trên thế giới thông qua mạng Internet. Nước Nga chúng ta không thiếu những thứ đáng để cung ứng ra ngoài.

Các đối tác nước ngoài của Nga

Kính thưa các đại biểu!

Chúng ta quan tâm đến sự hợp tác kinh doanh rộng rãi với các đối tác nước ngoài, hoan nghênh các nhà đầu tư mong muốn hoạt động lâu dài trên thị trường Nga dù tình hình hiện nay không đơn giản.

Chúng ta đánh giá cao thái độ hợp tác của họ đối với những ưu thế mà họ nhìn thấy ở Nga để phát triển hoạt động kinh doanh của mình.

Để mở ra những khả năng bổ sung nhằm tăng cường các mối quan hệ kinh tế với nước Nga, chúng ta đang tham gia các tiến trình liên kết kinh tế với thế giới.

Chúng ta đã vươn lên một trình độ mới về chất trong việc phối hợp hành động trong khuôn khổ liên minh kinh tế Á-Âu (Eurasia).

Theo RT (Nga), thông qua Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á-Âu (Eurasia), Nga đã kí kết thỏa thuận thiết lập hành lang mậu dịch tự do với Việt Nam hồi tháng 5/2015, với sự chứng kiến của Thủ tướng Nga Medvedev và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thỏa thuận này dự kiến sẽ giúp Nga và các nước khác trong liên minh kinh tế Eurasia tiết kiệm khoảng 40-60 triệu USD tiền thuế trong năm đầu hoạt động.

Trong khi đó, các công ty Việt Nam cũng dự kiến sẽ tiết kiệm được 5-10 triệu USD/năm.

Kim ngạch mậu dịch giữa hai phía dự kiến sẽ tăng trưởng từ con số 4 tỉ USD hiện nay lên mức 20 tỉ USD vào năm 2020.

Chủ tịch Hội đồng Ủy ban kinh tế Á-Âu (EEC) Viktor Khristenko đã gọi đây là một "hiệp ước có tính lịch sử".

Chúng ta đã thành lập được không gian thống nhất cho sự trung chuyển tự do các nguồn vốn, hàng hoá, sức lao động; đã đạt được thoả thuận có tính nguyên tắc về việc kết nối liên kết Á-Âu với sáng kiến Con đường Tơ lụa, Vành đai Kinh tế của Trung Quốc; đã thành lập hành lang mậu dịch với Việt Nam.

Sang năm, tại Sochi, chúng ta sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-ASEAN. Tôi tin chắc chúng ta sẽ vạch ra được một chương trình hợp tác phối hợp cùng có lợi.

Tôi đề nghị chúng ta hãy cùng các đối tác trong liên minh kinh tế Á-Âu khởi động, tư vấn với các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng hải (SCO), ASEAN, cũng như với các nước liên kết với SCO trong việc định hình mối quan hệ đối tác kinh tế.

Các nước chúng ta hợp nhau lại, tạo nên khoảng 1/3 tỉ trọng kinh tế thế giới xét về sức mua.

Một mối quan hệ đối tác như vậy ở giai đoạn đầu có thể tập trung vào các vấn đề bảo hộ vốn đầu tư, tối ưu hoá các thủ tục trung chuyển hàng hoá qua biên giới, cùng xây dựng những tiêu chuẩn kĩ thuật cho sản phẩm của thế hệ công nghệ tiếp theo.

Ngoài ra, ta cũng tập trung vào việc cùng mở cửa các thị trường dịch vụ và vốn. Đương nhiên, quan hệ đối tác đó cần phải được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng, có tính đến lợi ích tương hỗ.

Đối với Nga, mối quan hệ đối tác đó sẽ đem lại những khả năng hoàn toàn mới để tăng cường cung ứng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương về mặt lương thực thực phẩm, năng lượng, máy móc, dịch vụ, giáo dục, y tế, du lịch, cho phép chúng ta đóng vai trò dẫn đầu trong việc định hình các thị trường công nghệ mới cũng như thu hút được những dòng thương mại toàn cầu lớn về phía Nga.

Chúng ta sẽ tiếp tục hiện đại hoá giao thông vận tải, những trung tâm hậu cần mạnh như Tổ hợp Azov-Biển Đen, các tổ hợp đầu mối vận tải ở Biển Murmansk, các cảng biển hiện đại ở Biển Baltic, ở vùng Viễn Đông, củng cố hệ thống vận chuyển hàng không liên khu vực, trong đó có cả những vùng lãnh thổ phía Bắc và ở miền cực Bắc.

Tại một trong số những phiên họp hội đồng nhà nước sắp tới, chúng ta sẽ xem xét đánh giá chi tiết hiện trạng hệ thống vận chuyển đường thuỷ của chúng ta.

Tuyến đường biển ở Biển Bắc cần phải trở thành một mắt xích nối liền châu Âu với châu Á-Thái Bình Dương.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của tuyến đường này, chúng ta sẽ áp dụng cơ chế ưu đãi với cảng Vladivostok và những cảng quan trọng khác ở Viễn Đông. Đó là điều mà các doanh nghiệp đang hoạt động ở khu vực quan trọng chiến lược này của nước Nga đã đề nghị chúng ta làm.

Việc phát triển kinh tế xã hội của khu vực này là ưu tiên quốc gia hàng đầu.

Các nhà đầu tư đã có sự quan tâm thực tế rất nghiêm túc đối với những cơ chế mới trong hoạt động kinh doanh mà chúng ta đã đề xuất, bao gồm quy chế về vùng lãnh thổ được ưu tiên đẩy mạnh phát triển.

Tôi đề nghị chính phủ đẩy nhanh việc thông qua quyết định về việc cân bằng biểu giá năng lượng đối với những vùng ở Viễn Đông mà hiện nay còn ở mức cao hơn đáng kể so với trung bình ở nước Nga.

Các đại biểu quốc hội, tôi đề nghị xem xét các đạo luật về việc cấp đất miễn phí cho công dân ở Viễn Đông.

Trong những năm gần đây, những nguồn lực đáng kể đã được đầu tư vào việc hiện đại hoá Khabarovsk và Vladivostok, và người dân đã thấy được những thay đổi ở đây. Một trung tâm phát triển năng động nữa ở Viễn Đông sẽ là Komsomonsk-na-Amur.

Thành phố này có lịch sử hào hùng, có nền công nghiệp công nghệ cao hiện đại, sản xuất ra những sản phẩm dân dụng cần thiết và cũng có nền công nghiệp quốc phòng phát triển tốt.

Nhưng hạ tầng xã hội và kĩ thuật ở đây chưa được tốt. Hình ảnh chung của thành phố này cũng vậy, các công trình thể thao, văn hoá, y tế, giáo dục, hiện chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố.

Chính vì thế, vẫn còn tồn tại những khó khăn trong việc thu hút những chuyên gia trẻ tuổi có triển vọng tới làm việc, mặc dù các doanh nghiệp tại đây rất cần nguồn nhân lực như vậy.

Tôi cho rằng trong khuôn khổ những chương trình đã có, cần phải tập trung nguồn lực và chuyển ngay không trì hoãn những nguồn lực đó vào việc giải quyết vấn đề của thành phố Komsomonsk-na-Amur.

Tất nhiên việc đó không thể hoàn thành trong nay mai, nhưng cần phải hành động nhanh với độ khẩn trương cần thiết.

Về chăm sóc sức khỏe

Mục tiêu tổng quát là tăng tuổi thọ con người. Tuổi thọ trung bình người dân đã tăng 5 năm, lên 71 tuổi.

Số ca phẫu thuật công nghệ cao cũng tăng lên ở Nga. Chúng ta đề nghị tạo ra một quỹ liên bang đặc biệt trong hệ thống bảo hiểm để hỗ trợ những ca phẫu thuật loại này.

Các khu vực phải hỗ trợ việc duy trì cơ sở hạ tầng y tế.

Vai trò của các tổ chức phi chính phủ (NGO) đối với các chương trình chăm sóc sức khỏe và xã hội

Các chương trình đặc biệt cần có hiệu quả trong việc giúp các NGO hoạt động trong lĩnh vực này, trong khi các NGO cần có khả năng hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các địa phương.

Về giáo dục

Trẻ em của chúng ta cần được hưởng cơ hội như nhau để hướng tới thành công trong sự nghiệp. Và chúng ta cần thêm nhiều địa điểm để giáo dục trẻ em.

Chúng ta đã chuẩn bị một chương trình đặc biệt để cấp ngân sách bổ sung sửa chữa các trường học. Vào năm tới, ngân sách Liên bang sẽ chi 50 tỉ rúp cho các trường học.

Số lượng sinh viên ra trường được thu hút vào các ngành kỹ thuật đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây. Chúng ta cần khởi động một chương trình đặc biệt – “Chuyên gia trẻ”.


Ảnh: Kremlin

Ảnh: Kremlin

2014 - Năm Crimea tái hợp với Nga

Kính thưa các đại biểu!

Chúng ta đã nhiều lần đứng trước sự lựa chọn có tính nguyên tắc, có tính chất quyết định đối với vận mệnh đất nước. Một cột mốc như vậy đã được chúng ta vượt qua vào năm 2014, khi Crimea và Sevastopol tái hợp với Nga.

Nước Nga đã thể hiện rõ vị thế của một nhà nước tự chủ, hùng mạnh, có lịch sử nghìn năm với những truyền thống vĩ đại, như một dân tộc đoàn kết thống nhất bằng những giá trị và mục tiêu chung.

Chúng ta cũng đang hành động một cách đầy tự tin như vậy khi nước Nga của chúng ta tiến hành cuộc đấu tranh trực diện, tôi muốn nhấn mạnh sự trực diện, trực tiếp với chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Chúng ta thông qua những quyết định và thực hiện chúng khi biết rằng, chỉ chính chúng ta, nhưng chỉ khi chúng ta đồng lòng, thì mới có thể giải quyết được những nhiệm vụ đã đặt ra.

Tôi xin đưa ra thêm một trích dẫn khác, một trích dẫn hoàn toàn bất ngờ đối với chính tôi, đó là lời nói của một người rất xa lạ với chính trị, nhà hoá học Dmitry Mendeleeev. 100 năm trước, ông đã nói như thế này:

"Nếu bị chia rẽ thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt ngay lập tức. Sức mạnh của chúng ta là ở sự đoàn kết thống nhất, là ở ý chí quyết chiến, thể hiện ở sự hoà thuận trong mỗi gia đình, giúp sinh sôi nảy nở, mà từ đó nhân dần lên dẫn đến sự gia tăng phát triển tự nhiên của tài sản của cải, và tình yêu hoà bình".

Đấy là những lời nói tuyệt vời trực tiếp dành cho chính chúng ta hôm nay.

Đồng thời nước Nga cũng là một phần của trật tự thế giới toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Chúng ta hiểu rõ tính chất phức tạp và quy mô của những vấn đề hiện nay, những vấn đề cả trong lẫn ngoài.

Trên con đường của bất kì sự phát triển nào luôn có khó khăn và vật cản. Chúng ta sẽ đáp lại mọi thách thức, sẽ hành động sáng tạo và có kết quả, sẽ lao động vì sự phồn vinh chung và vì nước Nga.

Chúng ta sẽ cùng nhau tiến lên phía trước và nhất định sẽ cùng nhau đạt được thành công.

Xin cảm ơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại