Nhà báo Wood nhận định, chính phủ Bình Nhưỡng chẳng những không phải đồng minh thân cận gì của điện Kremlin, mà chỉ là một "con tốt" trên bàn cờ địa chính trị của Nga với Mỹ và phương Tây.
Theo ông Wood, trong mắt Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chẳng khác nào một "gã khờ có ích", dù rằng "gã khờ" này gần đây gây ra khá nhiều rắc rối.
Triều Tiên và Liên Xô khi xưa có quan hệ rất mật thiết, và ngày nay Nga cũng coi phía bắc bán đảo Triều Tiên trong vòng tròn ảnh hưởng ảnh hưởng của mình. Một ví dụ điển hình của sự "có ích" là việc Bình Nhưỡng ủng hộ quan điểm của Nga đối với Crimea, Ukraine.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (khi đó là Tổng thống) và cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il. Ảnh: AP
Ông Wood cho rằng, vấn đề hiện nay là các vụ thử tên lửa mới đây của Triều Tiên cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Nga, vốn đang gặp rất nhiều vấn đề.
Cụ thể, lệnh trừng phạt do chính phủ Obama và LHQ áp đặt lên Triều Tiên mới đây sẽ rất bất lợi đối với kinh tế Nga, và giáng một đòn nặng nhắm vào kế hoạch lâu dài của Putin nhằm "khai thác" các nguồn tài nguyên thiên nhiên Triều Tiên.
Tuy nhiên, cây bút Wood đánh giá, trong mắt Putin thì các vấn đề kinh tế luôn là thứ yếu nếu đem so với tầm ảnh hưởng và quyền lực.
Việc điện Kremlin chấp nhận hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây để khẳng định tầm ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế là một ví dụ điển hình. Và chính cách tiếp cận này cũng được áp dụng trong mối quan hệ của Nga với Triều Tiên.
Trong mắt Moscow, Triều Tiên là một "cái gai hoàn hảo" đối với người Mỹ. Và còn gì tốt hơn phá quấy Mỹ gián tiếp thông qua những lời đe dọa Bình Nhưỡng dành cho Washington và Seoul?
Bản thân Nga có lẽ cũng không quá lo ngại việc Triều Tiên phát triển hạt nhân. Vì dù sao thì chính Nga từ lâu vẫn là "phao cứu sinh" của Triều Tiên, thông qua việc cung cấp khí đốt, thực phẩm, công nghệ vũ khí và hỗ trợ quân sự cho chính phủ Bình Nhưỡng.
Do đó, Nga sẽ sẵn sàng chấp nhận việc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, bởi Moscow hiểu điều đó không thật sự là một mối đe dọa đối với họ. Song điều mà Nga lo ngại là một bán đảo Triều Tiên thống nhất chịu ảnh hưởng của phương Tây.
Đó là viễn cảnh mà chắc chắn điện Kremlin không bao giờ chịu chấp nhận.
Như vậy, theo ông Wood, thì rõ ràng Nga thà chấp nhận một Triều Tiên nghèo đói và chịu ảnh hưởng của Moscow, thay vì để "Bắc-Nam sum họp" và trở thành một cường quốc kinh tế.
Cựu binh Mỹ này, tương tự với quan điểm của khá nhiều nhà báo phương Tây, coi Putin như một "Nga hoàng" thời hiện đại, một lãnh đạo mà ưu tiên hàng đầu luôn là quyền lực và tầm ảnh hưởng.
Ukraine đang tiêu tốn của Nga nhiều tiền của và đưa Nga vào tầm ngắm của phương Tây, song điều đó không quá quan trọng miễn là mở rộng được lãnh thổ (Crimea).
Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga tại Syria cũng tốn kém, nhưng cái giá phải trả chẳng đáng là bao so với việc Nga giành lại được quyền kiểm soát về mặt ảnh hưởng tại Trung Đông.
Tương tự, một Triều Tiên phát triển hạt nhân, dù có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Nga, cũng đáng để Moscow tiếp tục chấp nhận miễn là địch thủ số một của họ (Mỹ) không thể có được điều họ muốn trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Wood cho rằng, có lẽ Nga cũng chẳng mảy may quan tâm nếu Triều Tiên ngày càng trở nên tách biệt và kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, vì như vậy sẽ càng khiến Bình Nhưỡng phụ thuộc vào Nga nhiều hơn.
Rất nhiều nhà phân tích phương Tây nói rằng cách duy nhất để "kìm" được Triều Tiên là thông qua Trung Quốc. Nhưng ông Wood phản đối. Ông cho rằng Nga cũng là một thế lực, một tiếng nói quan trọng chẳng kém trong việc kiểm soát các động thái hạt nhân của Triều Tiên.
"Bí quyết chấm dứt các hoạt động phát triển hạt nhân của Triều Tiên là phải khiến kết cục của viễn cảnh ấy có lợi cho Nga. Chỉ có thế, bí ẩn Triều Tiên mới được hóa giải" - ông Wood kết luận.