Triều Tiên "kiểm soát" Bắc Kinh cả thập kỷ bằng vấn đề hạt nhân

Hải Võ |

Vụ thử hạt nhân hôm 6/1 của Triều Tiên không chỉ đẩy Trung Quốc vào thế khó, mà thậm chí mọi lựa chọn hành động của Bắc Kinh được cho là "đã nằm trong toan tính" của Bình Nhưỡng.

Truyền thông Trung Quốc và Hàn Quốc đưa tin, đại diện chính phủ 2 nước phụ trách vấn đề bán đảo Triều Tiên đã tổ chức hội đàm tại Bắc Kinh hôm 14/1.

Tại đây, đặc phái viên Hàn Quốc Hwang Joon Kook nhấn mạnh với người đồng cấp Trung Quốc Vũ Đại Vĩ, yêu cầu Bắc Kinh áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên.

Trước đó, tại cuộc đàm phán Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc ở Seoul tối 13/1, ba bên đã kêu gọi có những chế tài mạnh hơn đối với Triều Tiên, đồng thời tuyên bố tập trung nỗ lực ngoại giao vào việc trừng phạt Bình Nhưỡng thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc hiện tại vẫn chủ trương trừng phạt Triều Tiên "ở mức độ vừa phải", đồng thời tỏ thái độ bất mãn trước yêu cầu của Mỹ, Hàn, Nhật.

Hãng BBC (Anh) chỉ ra, kể từ sau vụ thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên vào tháng 10/2006, giới quan sát và các học giả Trung Quốc đã chia thành hai phe quan điểm đối chọi nhau.

Quan điểm thứ nhất nói rằng chương trình hạt nhân Triều Tiên có lợi cho Bắc Kinh trong việc chuyển dịch sự chú ý của xã hội quốc tế, gây ra rắc rối cho Mỹ và đồng minh, phân tán "thái độ thù địch" nhằm vào Trung Quốc.

Quan điểm thứ hai cho rằng Triều Tiên trên thực tế là một quốc gia đang "tống tiền" Trung Quốc và trở thành gánh nặng cho Bắc Kinh.

Những người ủng hộ quan điểm đầu tiên nhận định Trung Quốc có sức ảnh hưởng lớn đối với Triều Tiên và thậm chí có thể kiểm soát tình hình nội bộ Triều Tiên ở một mức độ nào đó.

Nhóm theo quan điểm ngược lại tin rằng Trung Quốc chỉ có ảnh hưởng rất hạn chế đối với Bình Nhưỡng.

Kể từ khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc (2013), ông Tập Cận Bình đã "lập kỷ lục" công du 37 quốc gia, nhưng trong số đó không có Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đáp lại bằng hành động tương tự. Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un chưa từng đặt chân tới Bắc Kinh kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 12/2011.


Cuộc họp 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn bàn về vấn đề trừng phạt Triều Tiên hôm 13/1 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images

Cuộc họp 3 bên Mỹ-Nhật-Hàn bàn về vấn đề trừng phạt Triều Tiên hôm 13/1 tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Getty Images

Kim Jong Un "thao túng" được Trung Quốc?

Trong 10 năm qua, mức độ "nhạy cảm và thẳng thừng" của những chỉ trích từ Trung Quốc đối với Triều Tiên đã tăng dần theo 3 lần Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân.

Sau vụ Triều Tiên tuyên bố thử bom khinh khí hôm 6/1 vừa qua, tức thử hạt nhân lần thứ 4, Trung Quốc đã buộc phải lên tiếng bằng những tuyên bố gay gắt, "kiên quyết phản đối" hành động của Bình Nhưỡng.

Bất chấp điều đó, trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, chính phủ Trung Quốc vẫn tỏ ra kiềm chế một cách rõ rệt.

Trong các phát biểu hay văn kiện liên quan đến Triều Tiên, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn nhấn mạnh "quan hệ hai nước được xây dựng dựa trên cơ sở liên hệ lịch sử và tình hữu nghị không thể bị dao động".

Theo Đa Chiều, phản ứng của Bắc Kinh không hề khó lý giải: Mặc dù chính quyền Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong Un có thể khiến Trung Quốc bất mãn, nhưng "những lựa chọn khác" đối với nước này còn tệ hại hơn nhiều.

"Lựa chọn khác" được cho là bao gồm: Bán đảo Triều Tiên thống nhất với phần thắng của Hàn Quốc và Mỹ chiếm thế thượng phong trước Trung Quốc, hoặc Triều Tiên bị dồn ép bởi sự trừng phạt của quốc tế và rơi vào tình trạng hỗn loạn, thậm chí vô chính phủ.

Giới học giả và các nhóm chủ nghĩa dân tộc ở Bắc Kinh thường khẳng định lãnh đạo Trung Quốc nắm trong tay biện pháp giải quyết vấn đề Triều Tiên và có sức mạnh kiểm soát Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, với sự im lặng từ Bộ ngoại giao Trung Quốc trước yêu cầu "ngừng cung cấp dầu và lương thực cho Triều Tiên" của phía Mỹ, quan điểm thứ hai nêu trên dường như đang đúng hơn và thể hiện sự bất lực của Bắc Kinh.

Đa Chiều cho rằng, Bình Nhưỡng hiện cũng mang nặng thái độ bất tín nhiệm và đề phòng đối với Trung Quốc. Đối với Triều Tiên, vũ khí hạt nhân giúp nhà lãnh đạo Kim Jong Un duy trì thế cân bằng trong khu vực và giữ Bắc Kinh đối lập với Mỹ trong vấn đề bán đảo.

Còn đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Triều Tiên đang ngày càng giống một gánh nặng không thể loại bỏ, nhưng cũng chưa thể tìm ra chiến lược tiếp cận phù hợp. Nhưng dù trong tình huống nào, Bắc Kinh cũng buộc phải tỏ thái độ của mình trong thời gian tới, trước sức ép của cộng đồng quốc tế.

Bằng giải pháp ôn hòa, Trung Quốc có thể phải chấp nhận bố trí chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập Cận Bình, hoặc gửi lời mời ông Kim Jong Un thăm chính thức Bắc Kinh.

Nếu quyết định hành động cứng rắn, Trung Quốc có thể sẽ phải gây áp lực ngược lại với Mỹ để nỗ lực khôi phục vòng Đàm phán 6 bên, vốn là sáng kiến của nước này và đã bị gián đoạn từ năm 2009.

Đa Chiều bình luận, dù trường hợp nào xảy ra thì Bình Nhưỡng cũng không bất lợi và có thể tuyên bố rằng họ đã "thao túng" được hành động của Trung Quốc, đồng thời trở thành minh chứng rõ ràng hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, rằng sức ảnh ngoại giao của Bắc Kinh là có hạn.

Trong động thái mới nhất, tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên - hôm 16/1 đưa tin, người phát ngôn Bộ ngoại giao Triều Tiên tái khẳng định điều kiện để chấm dứt thử nghiệm hạt nhân.

Quan chức này dẫn lời ông Kim Jong Un, khẳng định nhiệm vụ hàng đầu năm 2016 là "phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh", qua đó nhấn mạnh nước này hơn lúc nào hết cần tình hình ổn định và môi trường hòa bình.

Đại diện Bộ ngoại giao Triều Tiên chỉ ra, "đề nghị Washington đình chỉ tập trận chung với Hàn Quốc để đổi lại Triều Tiên ngừng thử hạt nhân và đàm phán hiệp ước hòa bình" vẫn còn hiệu lực.

Phản ứng của Bình Nhưỡng được đưa ra một cách trực tiếp với Mỹ và Hàn Quốc, trong khi Trung Quốc dường như "hoàn toàn không có phần" trong việc giải quyết vấn đề bán đảo, Đa Chiều nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại