Tờ Báo sáng (Nga) gần đây đánh giá, bên cạnh các mâu thuẫn vốn có với một số láng giềng như Ukraine, Nga thậm chí sẽ bị cuốn vào các xung đột mới mà chính họ không ngờ tới.
Một số chuyên gia Nga đánh giá các mối quan hệ quốc tế của nước này trong năm 2016, cho rằng những "kẻ địch tiềm ẩn" của Moscow bao gồm Phần Lan, Trung Quốc, Montenegro, Mông Cổ và Kyrgyzstan.
Mâu thuẫn Nga-Trung sẽ leo thang?
Phó hiệu trưởng Học viện Á-Phi thuộc Đại học Moscow Andrei Karneev nhận định trong chiến lược "một vành đai, một con đường" mà Trung Quốc khởi xướng và dẫn dắt, cũng như ở các vấn đề Syria, Thổ Nhĩ Kỳ... lợi ích của Nga-Trung là không nhất quán.
Đối với kế hoạch "vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" nhằm liên kết Trung Quốc với thị trường châu Âu, Nga hy vọng Bắc Kinh sẽ phân bổ phần lớn tuyến đường này trong lãnh thổ của họ.
Trong khi đó, Trung Quốc lại nghĩ khác: Bắc Kinh đã tiến hành "thử" tuyến đường thông sang châu Âu và "né" Nga, bao gồm tuyến thông thương qua Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Azerbaijan và Gruzia.
Ông Karneev đánh giá, quy mô thương mại giữa Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ "tuột dốc" trong năm 2016 và trở thành thách thức chủ yếu đối với quan hệ song phương.
Karneev phân tích: "Hiện tại, chúng ta đang ở trong tình trạng khó khăn khi đồng rúp bị trượt giá. Điều này hiển nhiên làm suy giảm sức mua của các doanh nghiệp Nga.
Đồng thời, các nhà quan sát chú ý đến tình hình khó khăn hiện nay của Trung Quốc và chú ý đến sự thay đổi thực lực của các doanh nghiệp nước này.
Tôi tin rằng, chính phủ (Nga) sẽ nỗ lực ở một mức độ nhất định nhằm ổn định quy mô thương mại với Trung Quốc, nhưng còn phụ thuộc nhiều vào tình hình chính trị quốc tế.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, thái độ của Nga và Trung Quốc khác biệt ra sao trong vấn đề Syria, nhưng cũng thấy được phần nào sự tương đồng."
Theo chuyên gia này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nhân tố khiến Moscow và Bắc Kinh "xung khắc" trong năm nay, bởi quan hệ Nga-Thổ đang hết sức căng thẳng.
"(Quan hệ Nga-Thổ) ít có khả năng ấm lại nhanh chóng. Đồng thời, việc Trung Quốc xác định Thổ là 'quốc gia then chốt' trong kế hoạch Con đường tơ lụa thế kỷ 21 của họ sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp giữa 3 bên, cần phải tìm kiếm thỏa hiệp."
Hợp tác Nga-Trung sẽ đi xuống trong năm 2016?
Học giả Trung Quốc: Quan hệ Nga-Trung không "vững như bàn thạch"
Nhà bình luận độc lập Hàng Ức Vi bình luận trên trang Phượng Hoàng (Trung Quốc), cho rằng học giả Karneev còn chưa đề cập đến các mâu thuẫn có thể nảy sinh trong vấn đề vũ khí giữa Bắc Kinh và Moscow.
Theo ông Hàng, Nga có thể sẽ viện các lý do để bất ngờ yêu cầu nâng giá bán vũ khí cho Trung Quốc, hoặc bất mãn với việc bị Trung Quốc chiếm thị phần vũ khí quốc tế.
Hàng Ức Vi tin rằng việc Nga gặp khó khăn trong hoạt động đầu tư, phát triển ở vùng Viễn Đông cũng dẫn đến sự bất mãn của các quan chức nước này, nhất là khi Trung Quốc bị cáo buộc là xâm lấn đất đai và dung túng cho người dân vượt biên hoạt động trái phép trong lãnh thổ Nga.
Ông này viết: "Quan hệ Nga-Trung trên thực tế không 'vững như bàn thạch' giống như những nhóm thân Nga và sùng bái Tổng thống Nga Putin thường đánh giá.
Việc hy sinh lợi ích của Trung Quốc xuất phát từ lợi ích quốc gia đối với Moscow mà nói không có gì khiến họ phải suy nghĩ nhiều, cả về chính trị và đạo đức.
Việc phá vỡ, hủy bỏ các cam kết, hợp đồng hợp tác bởi nguyên nhân chính trị cũng là 'chuyện cơm bữa' đối với Nga."
Hàng Ức Vi thừa nhận, tỷ lệ không nhỏ dân Nga có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.
Ông Hàng nhận định Bắc Kinh "đã hành động sáng suốt" khi ngày càng phản ứng "trung lập", đúng hơn là thờ ơ trước những lần ông Putin tuyên bố cứng rắn nhằm vào Mỹ và phương Tây.
Nhà bình luận người Trung Quốc cũng cho rằng việc Putin, ngay trong giai đoạn "ngả về Trung Quốc" bởi vấn đề khủng hoảng Ukraine, vẫn nhiều lần chủ động khẳng định "không liên minh với Bắc Kinh" cũng là hành động có tính toán.
"Có thể khi ông Putin còn nắm quyền thì quan hệ Nga-Trung vẫn hữu nghị. Nhưng đến một lúc nào đó Kremlin nhận định không cần hữu nghị với Bắc Kinh nữa thì họ có thể trở mặt và hành động khiến chúng ta kinh ngạc."
"Người Trung Quốc cần nhớ kỹ: Nước Nga dù thế nào vẫn là nước Nga," Hàng Ức Vi kết luận.
Bài phân tích của Hàng Ức Vi trên trang Phượng Hoàng đã nhận được nhiều lượt bình luận của độc giả Trung Quốc.
Đáng chú ý, đa số bình luận thể hiện sự đồng tình với quan điểm của tác giả, phản ánh phần nào thái độ tiêu cực của một bộ phận dư luận Trung Quốc đối với Nga.
"Nga-Trung đạt được cân bằng lợi ích mới là mấu chốt," một độc giả bình luận.
"Nga là mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc, không nên mù quáng sùng bái nước Nga," một người khác nói.
"Trung Quốc cần phải nắm quyền chủ động trong tay," một cư dân mạng cho hay.