Tránh bùng nổ chiến tranh, Mỹ - Trung sẽ trở thành đồng minh?

Minh Thu |

Trong khi giới chức cấp cao Mỹ - Trung nhóm họp tại Washington, mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước vẫn không ngừng gia tăng cho dù họ đang cố gắng xây dựng tình đồng minh.

Việc Trung Quốc ngang nhiên bành trướng chủ quyền trên Biển Đông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ từ phía các nước trong khu vực mà còn cả Mỹ.

BBC cho hay sau khi trái phép tiến hành nạo vét và xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo cùng các ngọn hải đăng và một sân bay tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, giới chức Bắc Kinh tuyên bố nước này hiện sẵn sàng dừng hoạt động xây dựng.

Trong tuyên bố hôm 16/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lu Kang còn thản nhiên khẳng định chương trình xây dựng trên Biển Đông sắp "hoàn thành".

Ngay cả trong cuộc họp Đối thoại Chiến lược và Kinh tế tại Washington vào tuần tới, những bất đồng trên Biển Đông cũng sẽ là một trong những chủ đề trọng tâm được giới chức Mỹ - Trung đưa ra thảo luận.

Cuộc họp này còn là tiền đề cho chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Washington vào tháng Chín tới.

Biển Đông hiện là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới với tổng giá trị thương mại hàng năm đạt 5 ngàn tỷ USD.

Đây là khu vực mà cả Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Singapore cùng tuyên bố chủ quyền.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã đẩy nhanh tiến độ nạo vét và xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ngay trên khu vực mà những nước láng giềng tuyên bố chủ quyền.

Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc đã tạo ra một diện tích mới hơn 809 hecta trên Biển Đông.

Bắc Kinh biện minh rằng một số công trình ở Truờng Sa được xây dựng để củng cố khả năng phòng thủ của Trung Quốc và đa phần các cơ sở hạ tầng còn lại phục vụ mục đích dân sự như tìm kiếm và cứu nạn trên biển, nghiên cứu đại đương, đặt các trạm khí tượng, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh hàng hải và ngư nghiệp.

Đáp trả hành động ngang ngược của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ giám sát Biển Đông bất chấp Bắc Kinh phản đối.

Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington càng leo thang khi mới đây, CNN đưa tin hải quân Trung Quốc đã 8 lần phát cảnh báo “xua đuổi” một máy bay do thám của Mỹ rời khỏi khu vực mà Bắc Kinh đang tiến hành xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Theo nhà nghiên cứu Doug Bandow tại Viện Cato, sự việc trên là một "hành động mang tính khiêu khích".

Trước đó, tình trạng khẩu chiến cũng đã vài lần bùng nổ giữa quan chức Mỹ - Trung khi họ đổ lỗi cho nhau là thủ phạm khơi mào căng thẳng.

Điển hình, hồi tháng 3/2001, một chiến đấu cơ Trung Quốc đã đâm phải máy bay tình báo EP-3 của Mỹ khiến phi công Trung Quốc Wang Wei thiệt mạng.

Tháng 12/2013, một tàu chiến của Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm và suýt đụng độ với tàu tuần dương mang theo tên lửa dẫn đường của Mỹ.

Tới tháng 8/2014, ở khoảng cách chưa đầy 10 m, chiến đấu cơ S-27 Trung Quốc đã có màn khoe vũ khí đầy nguy hiểm trước mắt máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ.

Mỹ công bố bức ảnh chiến đấu cơ S-27 Trung Quốc áp sát nguy hiểm máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ hồi năm 2014.

Mỹ công bố bức ảnh chiến đấu cơ S-27 Trung Quốc áp sát nguy hiểm máy bay P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ hồi năm 2014.

Theo BBC, một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng Trung Quốc đã ăn trộm cơ sở dữ liệu cá nhân của hàng triệu nhân viên làm việc trong chính phủ Mỹ. Song Bắc Kinh đã phủ nhận lời cáo buộc này.

Không khí căng thẳng còn được thể hiện ngay trong cuộc họp hồi tuần trước tại Đại học Quốc phòng quốc gia Mỹ ở Washington với sự tham dự của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Phòng Phong Huy và Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, Tướng Raymond Odierno.

Trước buổi họp, một quan chức Trung Quốc đã đứng quan sát rất kỹ vị trí ghế ngồi của hai quan chức cấp cao nhất tham gia cuộc họp, vốn được đặt ở phía cuối lối đi mỗi bên.

Sau đó, ông này đã gọi một quan chức Mỹ tới và đề nghị chuyển ghế của Tướng Phòng và Tướng Odierno vào giữa bàn đàm phán của mỗi bên.

Nhưng vị quan chức Mỹ đã từ chối di chuyển ghế trong phòng họp. Tuy nhiên, ngay sau đó, phía Trung Quốc đã tráo đổi tên dán sau ghế để làm theo ý mình.

Trong quá trình họp bàn, dường như giới chức Mỹ không muốn làm tình hình thêm phần căng thẳng.

Điển hình qua lời phát biểu của Tướng Odierno: "Thời điểm này, Mỹ - Trung đang có những bất đồng quan điểm song điều quan trọng là hai nước đã cùng nhóm họp".

Theo giáo sư Andrew Oros tại Đại học Washington ở Chestertown, Maryland, Mỹ luôn là người tổ chức chương trình nghị sự và sắp xếp ghế ngồi.

Nhưng giờ, Trung Quốc muốn chứng minh một điều: "Trung Quốc tin rằng họ đang nổi lên là một cường quốc trên thế giới và cần được tôn trọng.

Sự tôn trọng được thể hiện theo nhiều cách khác nhau bao gồm cả vị trí chỗ ngồi", Giáo sư Oros nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại