Biểu tình liên tiếp nổ ra ở Kiev
Theo TASS, kể từ đầu tháng 6, quảng trường Maidan thủ đô Kiev liên tục hứng chịu những cơn thịnh nộ của người dân. Họ lên án chính phủ vì không đưa ra được chính sách cải tổ và khiến nền kinh tế mất ổn định.
Người dân mang theo biểu ngữ “Chúng tôi đói”, “Hãy tăng tiền lương hưu” tuần hành dọc từ phố Khreshchatyk cho đến trung tâm thủ đô. Họ đòi Chính phủ của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk phải từ chức còn Tổng thống Petro Poroshenko thì phải bị đưa ra tòa xét xử.
Người biểu tình cho rằng, họ là những nhà lãnh đạo thất bại khi không đảm bảo được cuộc sống cho người dân.
Một số khác đến khu vực hành chính ở Kiev yêu cầu tăng tiền trợ cấp xã hội và giải quyết vấn đề việc làm.
Hôm 16/6, Kiev phải điều Vệ binh Quốc gia tới bảo vệ tòa nhà quốc hội khi hàng trăm người xuống đường biểu tình vì lo lắng sẽ bị mất trắng số tiền gửi trong các ngân hàng.
Ukraine hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn cũng như đang trên bờ vực vỡ nợ. Đầu tháng 6, phái đoàn của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Ukraine dự báo GDP nước này sẽ suy giảm 9% và lạm phát chạm mốc 46% trong năm nay.
Theo Ngân hàng Quốc gia Ukraine, tổng nợ của nước này ước tính vào khoảng 50 tỉ USD, nợ khu vực công hiện chiếm 71% GDP và dự kiến sẽ là 94% GDP trong năm nay.
Cuộc chiến đang diễn ra ở miền Đông cũng như những chính sách quản lý kinh tế của Kiev không hiệu quả khiến đồng hryvnia xuống giá thê thảm, và tương lai còn dự báo sẽ ảm đạm hơn.
Tại Donbass, người dân cũng quá chán quân nổi dậy
Ngày 15/6, khoảng 500 người Donbass xuống đường biểu tình, yêu cầu lực lượng đối lập rút hàng loạt bệ phóng tên lửa khỏi những khu vực đông dân cư.
Người biểu tình lên án việc lực lượng miền Đông và quân chính phủ Kiev giao tranh trở lại từ đầu tháng 6, đe dọa Thỏa thuận Minsk 2. Theo báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, xung đột ở miền Đông Ukraine kéo dài 14 tháng qua đã khiến gần 6.500 người chết.
Người dân Donbass quá chán chường với cuộc nội chiến (ảnh: Reuters)
Người dân cũng phản ứng với lệnh phong tỏa của Kiev đối với miền Đông. Theo quy định mới, Ukraine sẽ cấm chuyển hàng hóa vào khu vực do lực lượng miền Đông kiểm soát, ngoại trừ các mặt hàng cứu trợ nhân đạo được chuyển bằng đường sắt.
Dân thường miền Đông cũng sẽ bị cấm đi vào khu vực do Kiev kiểm soát, trừ người tị nạn và trẻ nhỏ.
Đoàn người biểu tình đã phong tỏa nhiều đường phố chính ở trung tâm Donetsk. Cao trào của cuộc biểu tình diễn ra vào lúc 11h trưa 15/6 khiến lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, ông Alexander Zakharchenko phải có mặt để trấn an người dân và thuyết phục người biều tình giải tán.
Cuộc biểu tình diễn ra ngay trước thềm vòng đàm phán mới tại Minsk vào ngày 16/6 nhằm tìm ra giải pháp cuối cùng cho xung đột tại Ukraine. Lực lượng nổi dậy và quân đội Ukraine liên tục đổ lỗi cho nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Giao tranh bất ngờ ác liệt khiến Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry ngày 15/6 phải nối lại điện đàm tìm giải pháp khẩn cấp cho vấn đề miền Đông.
Ngoại trưởng 2 nước cùng khẳng định sự cần thiết trong việc tất cả các bên phải tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại Minsk hồi tháng 2.
Các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ cũng ủng hộ kế hoạch triệu tập một cuộc gặp giữa đại diện của các nhóm tiếp xúc về tình hình Ukraine, theo đó thiết lập một kênh đối thoại trực tiếp và bền vững giữa Kiev với Donetsk và Lugansk.
Qua điện đàm, Ngoại trưởng Nga-Mỹ cũng nhấn mạnh rằng cần phải thêm những nỗ lực để ngăn chặn những hành động vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, nhất là việc bắn đạn pháo vào khu vực dân cư ở miền Đông Ukraine.
Muốn kết thúc nội chiến
Tờ Daily Beast nhận định sự bất ổn về chính trị lẫn kinh tế, xã hội đang khiến người dân Ukraine ở cả Kiev lẫn miền Đông đang mất phương hướng.
Tờ báo này dẫn kết quả khảo sát của Trung tâm nghiên cứu xã hội Sofia công bố tuần trước, có tới 61,8% người dân Ukraine ủng hộ việc kết thúc chiến tranh, thậm chí sẽ từ bỏ một phần lãnh thổ Donbass; và nhận định đó phải chăng là một kết quả mong muốn đối với người dân Kiev lúc này!?
Theo kết quả này, chỉ khoảng 23% đồng ý Kiev cần phải lấy lại Donbass, trong khi 15% ngần ngừ không trả lời.
48,5% người dân Kiev yêu cầu Tổng thống và Chính phủ nên chú trọng vào cải thiện tình hình kinh tế đất nước chứ không phải là chuyện phát động cuộc chiến ở Donbass.
Họ sẵn sàng thỏa hiệp với Nga, muốn bình thường hóa quan hệ với Moscow thay vì để những căng thẳng leo thang như hiện nay.
Về việc từ chối gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ở các mức độ khác nhau, khoảng 35% số người được hỏi đồng ý và cũng có một tỷ lệ tương tự sẵn sàng xem xét lại thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU)./.