Mưu đồ "thế chân Nga tại châu Âu" của Trung Quốc

My Lan |

Một số chuyên gia tin rằng, sức mạnh đầu tư của Trung Quốc vào Gruzia sẽ tạo ra sự thay đổi vượt bậc đối với triển vọng của quốc gia ở Nam Caucasus này.

Đầu tư lớn

Báo Nga The Moscow Times cho rằng, Gruzia – cửa ngõ truyền thống giữa châu Á và châu Âu đã “lọt vào mắt xanh” của Trung Quốc bởi đặc quyền tiếp cận Liên minh châu Âu cũng như vị trí chiến lược của nước này trên Biển Đen.

Bắc Kinh hi vọng mình sẽ “tận hưởng” lợi ích khi đầu tư vào đây và mở rộng thêm nữa, thậm chí có thể là một thỏa thuận thương mại tự do trong tương lai.

Theo số liệu từ Bộ Kinh tế Gruzia, Trung Quốc là nguồn đầu tư hàng năm trực tiếp nước ngoài lớn thứ lớn thứ ba tại Gruzia – năm 2014 là 195 triệu USD, chỉ sau Hà Lan và Azerbaijan, với 22 công ty quy mô từ vừa tới lớn của Trung Quốc đang đăng ký hoạt động tại đây.

Đóng góp một phần lớn trong con số này tới từ Trung Quốc Hualing.

Kể từ năm 2007, Hualing - nhà đầu tư lớn nhất Gruzia, đã rót 500 triệu USD cho nhiều hoạt động ở nước sở tại, từ khai thác gỗ, khai mỏ tới lĩnh vực khách sạn cao cấp.

Năm 2012, Hualing đã mua lại đủ số cổ phần để nắm quyền kiểm soát ngân hàng tư nhân BasisBank, và theo Đại sứ quán Trung Quốc, tập đoàn này đang đàm phán để mua lại thêm một ngân hàng khác.

Thêm nữa, tập đoàn này cũng đang triển khai tại Gruzia “một công cụ của nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỷ” – theo lời phát ngôn viên của Hualing, ông Tinatin Shishinashvili.

Đó là Khu Công nghiệp Tự do FIZ rộng gần 405 hecta, trị giá 40 triệu USD tại thành phố Kutaisi, với 5 công ty sản xuất đã đi vào hoạt động tại đó.

Dự án 27 toà nhà dân sinh, khách sạn 5 sao và khu bán lẻ với tổng vốn đầu tư 181 triệu USD của Hualing sắp hoàn thành giai đoạn 1.

Dự án 27 toà nhà dân sinh, khách sạn 5 sao và khu bán lẻ với tổng vốn đầu tư 181 triệu USD của Hualing ở Gruzia sắp hoàn thành giai đoạn 1.

Cơ hội “béo bở”

Tuỳ viên thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Tbilisi Liu Bo tiết lộ, thỏa thuận thương mại tự do năm 2014 của Gruzia với Liên minh châu Âu EU đã là lý do cho sức thu hút của nước này với Bắc Kinh.

"Nếu một công ty Trung Quốc... thiết lập được một dây chuyền sản xuất tại FIZ, nó có thể dán lên các sản phẩm của mình dòng chữ "Sản xuất tại Gruzia" và có thể xuất khẩu chúng vào EU mà không cần quan tâm tới vấn đề hải quan.

Đó là một lợi thế lớn của các nhà đầu tư".

Thêm vào đó, theo The Moscow Times, thuế thấp, thủ tục đăng ký kinh doanh dễ dàng và ít tham nhũng cũng khiến việc đầu tư vào Gruzia trở nên lý tưởng với Trung Quốc.

Không bỏ lỡ điều kiện vô cùng thuận lợi ở châu Âu, tập đoàn Điện lực Nhà nước Trung Quốc đã đấu thầu 5 tỉ USD cho một dự án xây dựng cảng nước sâu tại ngôi làng Anaklia.

Mamuka Gamkrelidze, Đại sứ Gruzia ở Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili, đã nhìn thấy những lợi thế lớn cho cả hai bên khi tập đoàn này có được hợp đồng đó.

Anaklia có thể giúp đa dạng hóa các tuyến đường vận chuyển hàng hóa trên bộ từ Bắc Kinh sang châu Âu - vốn hầu hết hiện nay vẫn đang đi qua Moscow.

Ông Gamkrelidze nhận định: "Bên cạnh tuyến đường sắt, dự án này này sẽ giúp Trung Quốc tiếp cận châu Âu một cách rất nhanh chóng. Với Gruzia, nếu công ty Trung Quốc thắng thầu thì đồng nghĩa với việc an ninh của nước này được đảm bảo hơn".

Cựu Đại sứ Gruzia ở TQ
Mamuka Gamkrelidze
Anaklia sẽ phát triển trở thành một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Gruzia.

Trên thực tế, theo Bộ Kinh tế Gruzia, một nhóm công tác hỗn hợp đang xem xét thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc, như một phần của sự hợp tác trong khuôn khổ vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa trị giá 40 triệu USD của Bắc Kinh.

Gruzia cũng đã trở thành một thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng và tháng 8 tới sẽ là chủ nhà cho các cuộc họp tìm kiếm vị trí Chủ tịch ngân hàng này.

Trong khi đó, từ đầu năm nay, các bộ trưởng tài chính và kinh tế của Gruzia cũng đã tới thăm Trung Quốc, và tháng 9 tới đây sẽ là chuyến công du của Thủ tướng nước này Irakli Gharibashvili.

Hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc, với số tiền là 823 triệu USD năm 2014, chiếm 7,2% trong tổng doanh thu 11,4 tỉ USD của Gruzia.

Tuy nhiên, theo The Moscow Times, không phải mọi thứ đều vận hành một cách trơn tru.

Hiện công dân Trung Quốc vẫn chưa được phép ở lại Gruzia trong một năm mà không cần thị thực, và một vài người cho hay, khó khăn trong việc xin thị thực cũng cản trở sự phát triển các hoạt động kinh doanh.

Dù vậy nhiều quan chức tại Gruzia cũng cho rằng đất nước này nên “cởi mở” trong lĩnh vực này.

Zurab Katchlatchishvili, giám đốc điều hành Phòng Thương Mại Quốc tế ở Tbilisi cho rằng Gruzia "không đủ lực để kén cá chọn canh" về việc ai được hưởng thủ tục visa dễ dàng hơn.

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Gruzia Gharibashvili đã khẳng định, "Gruzia không chỉ nhìn về phía phương Tây".

Thế nhưng, bất chấp việc Bắc Kinh và Tbilisi đang xích lại gần nhau hơn, các chuyên gia Gruzia cho rằng, đây không phải là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước này.

"Lợi ích thuần túy là về kinh tế khi cả 2 quốc gia đều thấy các cơ hội trong việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư", chuyên gia Kakha Gogolashvili tại Quỹ Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Gruzia nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại