TQ đối diện nguy cơ lễ duyệt binh trở thành "thất bại đau đớn"

Hải Võ |

Tờ Chunichi của Nhật tiết lộ, quá nửa trong số hơn 50 lãnh đạo quốc tế được Trung Quốc mời tới lễ duyệt binh 3/9 tại Bắc Kinh đang tỏ thái độ ngại ngần, không đưa ra quyết định.

Tờ Tin tức Trung-Nhật (Chunichi) của Nhật bản hôm 16/7 cho hay, chính phủ Trung Quốc đã gửi lời mời hơn 50 nguyên thủ các quốc gia trên thế giới tới tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày kết thúc Thế chiến II vào ngày 3/9 tại thủ đô Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Chunichi dẫn lời quan chức ngành ngoại giao Trung Quốc tiết lộ, hơn một nửa quốc gia nhận lời mời từ Bắc Kinh vẫn chưa lên tiếng, trì hoãn phản hồi hoặc giữ thái độ quan sát.

Thời gian gần đây, thông tin Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhận được lời mời từ chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm bởi vai trò "nhạy cảm" của nước này trong Thế chiến II và mối quan hệ không mấy thân thiện với Bắc Kinh.

Tờ Asahi Shimbun (Nhật Bản) cho hay, ông Abe đúng là đã nhận được lời mời, nhưng dự kiến sẽ không tham dự lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Trong phạm vi châu Á, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng được cho là đã nhận lời mời từ Trung Quốc, song Bình Nhưỡng vẫn duy trì thái độ "mập mờ".

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chưa chắc chắn về khả năng tới Bắc Kinh. Một số nhà phân tích của Mỹ cho rằng, lời mời của Trung Quốc là một thách thức về chính sách ngoại giao đối với Washington và lãnh đạo các nước châu Âu.

Không ít lãnh đạo quốc tế vẫn chưa đáp lại lời mời từ Bắc Kinh.

Không ít lãnh đạo quốc tế vẫn chưa đáp lại lời mời từ Bắc Kinh.

Chuyên gia Viện Brookings (Mỹ) cho rằng, do phải suy xét đến sự cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Nhật Bản, Mỹ và châu Âu sẽ phải tính toán cẩn thận về hình thức ngoại giao nếu các lãnh đạo của họ tham dự lễ duyệt binh.

Chuyên gia về Nhật Bản thuộc Hội đồng quan hệ quốc tế Mỹ (CFR) Sheila Smith nhận định, các nhà hoạch định chính sách Mỹ lo ngại hoạt động duyệt binh của Trung Quốc gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ Trung-Nhật mới được cải thiện đôi chút và còn rất "mong manh".

Washington đang theo dõi chặt chẽ tình hình chuẩn bị lễ duyệt binh của Trung Quốc cũng như các khách mời tham gia, nên có thể quyết định cử ai làm đại diện của Mỹ tới Bắc Kinh sẽ chỉ được đưa ra vào thời điểm "gần sát nút".

Một vấn đề "nhỏ" khác là ngày 3/9 nằm trong dịp lễ Lao động của Mỹ (7/9). Dù nước này chưa công bố ông Obama hay một quan chức khác của Mỹ sẽ tới Bắc Kinh, nhưng theo thông lệ, Tổng thống Mỹ thường ở trong nước vào kỳ nghỉ Ngày Lao động.

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc Hans Dietmar Schweisgut cũng tiết lộ trong cuộc họp báo hồi đầu tháng 7 tại Bắc Kinh rằng, không nhiều khả năng các quan chức cấp cao nhất của khối này tham dự lễ duyệt binh.

Theo Schweisgut, EU "rất tôn trọng vai trò và đóng góp của Trung Quốc trong Thế chiến II, nhưng do quan điểm lịch sử đối với Thế chiến II, cùng với sự khác biệt giữa tình hình Đông Á với châu Âu, lễ duyệt binh nên phát đi thông điệp hòa giải".

Vị đại sứ chỉ ra, lễ duyệt binh với quy mô lớn của Trung Quốc "giống một cuộc biểu dương lực lượng hơn", và điều này có thể gây nên không khí bất an ở châu Âu.

Bên cạnh đó, hãng Reuters cho hay, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận sẽ tới Bắc Kinh có thể là nguyên nhân chính khiến các lãnh đạo châu Âu không muốn đến Trung Quốc, sau khi nhiều nước phương Tây đã tẩy chay lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga.

112 quân nhân thuộc Quân giải phóng Trung Quốc (PLA) tham gia lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ, thủ đô Moscow, Nga hôm 9/5.

112 quân nhân thuộc Quân giải phóng Trung Quốc (PLA) tổng duyệt trước lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng trên Quảng trường Đỏ, thủ đô Moscow, Nga hồi tháng 5.

Lễ duyệt binh Bắc Kinh sẽ "vắng khách"?

Chunichi bình luận, nếu thông tin các lãnh đạo EU đồng loạt không tới lễ duyệt binh của Bắc Kinh trở thành sự thật, thì điều này sẽ là "một thất bại ngoại giao đau đớn" đối với Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải đã xác định 2015 là "kỷ niệm 70 năm thắng lợi kháng Nhật và chống chủ nghĩa phát xít trên thế giới".

Trung Quốc mong muốn dùng vai trò "nước chiến thắng" để xây dựng vị thế cao hơn trong trật tự thế giới thời hậu chiến.

Vì vậy, họ đã nỗ lực "mời được nhiều nhất có thể" các nguyên thủ quốc gia khác đến Bắc Kinh để khẳng định địa vị quốc tế mới của nước này về sức mạnh kinh tế, quân sự.

Chunichi cho rằng thậm chí có thể tính tới khả năng các nước Âu Mỹ "bắt tay" tẩy chay hoạt động của Trung Quốc, khiến nỗ lực "thay đổi trật tự thế giới" của Bắc Kinh thất bại.

Với rất nhiều biến số chưa xác định, từ Shinzo Abe, Kim Jong Un cho tới Obama... lễ duyệt binh ngày 3/9 của Trung Quốc sẽ ra sao vẫn còn là một bí ẩn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại