TQ dằn mặt ý định "hỏi về biển Đông" của Ngoại trưởng Australia

Hải Võ |

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop sẽ tới Bắc Kinh vào cuối hôm nay, 16/2 và sẽ đề cập mạnh mẽ vấn đề biển Đông trong cuộc gặp sắp tới với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Trước đó, bà Bishop nói trong chuyến thăm Nhật Bản hôm 14/2 rằng bà sẽ chất vấn Trung Quốc về vấn đề cải tạo đảo, đá trái phép ở biển Đông.

Ngoại trưởng Australia cho biết sẽ tái khẳng định với ông Vương Nghị về lập trường tiếp tục tuyên bố và gìn giữ tự do hàng hải, hàng không của các tàu, máy bay trên biển Đông.

Bà Bishop còn nhấn mạnh thái độ ủng hộ Philippines đưa vấn đề tuyên bố chủ quyền "đường lưỡi bò" phi lý của Bắc Kinh ra giải quyết ở Tòa thường trực quốc tế The Hague.

Trong cuộc họp báo chỉ vài giờ trước khi Ngoại trưởng Bishop tới Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định lập trường của Trung Quốc về vấn đề biển Đông, Australia cũng biết rõ điều này."

Ông Hồng lớn tiếng chỉ trích Manila "đơn phương đưa vấn đề ra Tòa thường trực là không phù hợp luật pháp quốc tế, vi phạm nhận thức chung Trung Quốc-Philippines và quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)".

Hồng Lỗi cảnh cáo: "Phía Trung Quốc nhất định không chấp nhận và phía Australia cũng không nên né tránh thực tế khách quan."


Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo chiều nay, 16/2. Ảnh: BNGTQ

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trong cuộc họp báo chiều nay, 16/2. Ảnh: BNGTQ

Theo bà Julie Bishop: “Ngoại trưởng Vương Nghị từng nói, các đảo cải tạo (trái phép-PV) sẽ là tài sản chung. Do đó, tôi muốn nắm rõ hơn về việc các nước khác được tiếp cận những 'tài sản chung' này như thế nào”.

Đáp lại điều này, ông Hồng nhắc lại luận điệu trắng trợn: "Trung Quốc đã bố trí các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên chính lãnh thổ của mình, là thực hiện quyền tự vệ và bảo vệ mà luật pháp quốc tế cho phép đối với một quốc gia có chủ quyền.

Điều này không ảnh hưởng đến việc các bên thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không trên biển Đông căn cứ theo luật quốc tế."

Ông này lặp lại cảnh cáo: "Australia cần phải có thái độ khách quan, công bằng, không có bất kỳ hành động nào làm tổn hại hòa bình, ổn định khu vực."

Gần đây, chùm ảnh vệ tinh của Victor Robert Lee đăng trên tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đã vạch trần âm mưu xây dựng sân bay trực thăng trên một đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Đó là đảo Quang Hòa, thuộc nhóm Lưỡi Liềm.

Theo ông Lee, Bắc Kinh đang muốn phát triển phi pháp một mạng lưới các căn cứ trên Biển Đông, hòng phục vụ dã tâm điều trực thăng chống ngầm, ví dụ như mẫu ASW Z-18F mới được điều động, tới đóng tại vùng biển này.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển Đông và tiến hành các dự án bồi lấp, cải tạo đảo nhân tạo trái phép với diện tích lên đến 1.170 ha kể từ năm 2013.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại