Báo International Business Times gọi chuyện Tổng thống Zimbabwe bị vợ giành lấy quyền lực là “vụ đảo chính từ hậu cung” của đệ nhất phu nhân Grace Mugabe (50 tuổi).
Ngày 21.12, thủ lĩnh Morgan Tsvangirai của đảng đối lập Phong trào đổi mới dân chủ tuyên bố: “Chúng ta đang phải đối mặt với một mùa Giáng sinh u ám, trong hoàn cảnh đất nước đang xảy ra những khủng hoảng trầm trọng.
Không ai trong chính phủ lo việc nước mà chỉ tập trung theo dõi xem ai là người sẽ thay thế người đàn ông già yếu đang lèo lái đất nước, một người đã mất quyền lực về tay vợ mình một cách hết sức bất ngờ và cam chịu, sau một cuộc đảo chính từ hậu cung”.
Thời gian qua, bà Grace Mugabe, người đứng đầu tổ chức phụ nữ trong đảng cầm quyền Zanu-PF, thể hiện một vai trò ngày càng quan trọng trong chính trường Zimbabwe.
Năm 2014, bà tổ chức chiến dịch lật đổ nữ Phó tổng thống Joice Mujuru, người được xem là sẽ thừa nhiệm ông Mugabe. Tuy nhiên, bà vẫn chối bỏ tham vọng làm tổng thống. Bà nói chồng bà sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi ông được 100 tuổi.
Theo báo The Independent, hồi tháng 11, bà Grace Mugabe đã từng phát biểu: “Chúng ta sẽ làm ra một chiếc xe lăn đặc biệt dành cho Tổng thống Mugabe, để ngài có thể tiếp tục nắm quyền đến 100 tuổi, vì đây là điều chúng ta muốn”.
Ông Mugabe, sắp bước sang tuổi 92, vẫn có sức khỏe tốt. Nhưng khả năng tiếp tục đảm nhiệm vị trí tổng thống của ông vẫn khiến nhiều người nghi vấn sau khi ông đọc sai diễn văn tại lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội Zimbabwe hồi tháng 9.
Ông cũng bị vấp chân hai lần trước đám đông trong năm nay, trong đó, một lần tại cuộc họp thượng đỉnh Ấn - Phi tại New Dehli, Ấn Độ vào tháng 10.
Ông Mugabe cùng đảng Zanu-PF nắm quyền từ khi Zimbabwe giành được độc lập từ tay người Anh vào năm 1980.
Trong các lần tranh cử vào năm 2002, 2008 và 2013, ông đều đánh bại đối thủ Tsvangirai. Mỗi lần, lãnh đạo của phe đối lập đều cáo buộc ông Mugabe gian lận khi kiểm phiếu và hăm dọa cử tri, theo trang tin tức News24 (Nam Phi).
Trong 35 năm kể từ khi ông Mugabe cầm quyền, nền kinh tế Zimbabwe đã qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Trong giai đoạn khủng hoảng 1999 - 2008, GDP của nước này giảm 45%.
Ông Mugabe đã nhờ sự trợ giúp từ Trung Quốc nhằm hồi sinh nền kinh tế nội địa, nhưng theo những nhà phân tích, nguồn đầu tư của TQ khó có khả năng cứu vãn được khó khăn của nước này.