Ngày 31/3 là ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Myanmar Thein Sein. Từ ngày 1/4, vị trí lãnh đạo đất nước này sẽ được chuyển giao cho tân Tổng thống Htin Kyaw.
Nhân dịp này, hãng tin BBC đã có một bài viết nhìn lại những thay đổi của Myanmar dưới sự chèo lái của ông Thein Sein.
Đất nước cất cánh
Cũng giống như chuyến tàu đêm từ Yangon tới Mandalay, tiến trình cải cách của Myanmar là một con đường gập ghềnh, không hề bằng phẳng. Có nhiều người nói rằng cuộc cải cách đã mất xung lực từ mấy năm trước, cũng có người nói cuộc cải cách này đã bị đảo ngược.
Nhưng hãy thử nhìn lại một Myanmar trước khi Thein Sein trở thành Tổng thống. 5 năm trước, quốc gia Đông Nam Á này là một đất nước “khốn khổ”, nằm ngoài rìa trên trường quốc tế.
Khi đó, lệnh trừng phạt đang được áp đặt, và người dân Myanmar không dám nói lên những suy nghĩ của họ. Hơn 2.000 tù nhân chính trị héo hon trong các nhà ngục.
Giờ đây, khi Thein Sein chuyển giao quyền lực cho bà Aung San Suu Kyi và Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà, Myanmar là một đất nước đang cất cánh.
Ở một nơi mà người ta từng dễ dàng bị bỏ tù vì chỉ trích chính quyền, báo chí hiện đang phát triển mạnh mẽ và các cuộc tranh luận cởi mở, công khai đã không còn là chuyện hiếm.
Nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ và một cuộc cách mạng viễn thông đang diễn ra. Đời sống của người dân Myanmar đã được cải thiện rõ rệt.
Và phần lớn những thành công này có được là nhờ tài lãnh đạo của ông Thein Sein. Theo BBC, cải cách của Thein Sein bao gồm 3 phần có liên quan chặt chẽ với nhau: chính trị, kinh tế, và những nỗ lực đạt được nền hòa bình lâu dài cho đất nước.
Chỉ trong vòng vài tháng sau khi Thein Sein lên nắm quyền vào tháng 3/2011, thay đổi diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ ở Myanmar. Kiểm duyệt được dỡ bỏ, báo chí tư nhân được mở cửa, và tù nhân chính trị lần lượt được phóng thích khỏi các nhà ngục.
Sau đó, vào năm 2012, bà Suu Kyi được thuyết phục tham gia các cuộc bầu cử phụ. Dĩ nhiên, bà đã giành chiến thắng, nhưng đó cũng là một cú đột phá đối với Thein Sein.
Chỉ sau một đêm, Quốc hội vốn không có quyền lực thực chất gì của Myanmar đã được hợp pháp hóa. Làm sao có thể coi đây như một câu chuyện đùa khi bà Suu Kyi đã trở thành nghị sỹ?
3 năm sau đó, cải cách chậm lại và những người theo chủ nghĩa hoài nghi lắc đầu. Thein Sein tiếp tục nói về sự thay đổi, nhưng cũng làm rõ rằng sự thay đổi là có giới hạn.
Vấn đề giảm số ghế của phe quân đội trong Quốc hội Myanmar không hề được đề cập, trong khi quy định trong Hiến pháp khiến Suu Kyi không thể trở thành Tổng thống vẫn được duy trì “để bảo vệ chủ quyền của chúng tôi”.
Không gian chính trị đã được mở ra, nhưng những giới hạn màu đỏ được đặt ra trong Hiến pháp năm 2008 của Myanmar còn đó. Đây là “nền dân chủ có kỷ luật”, một hệ thống “lai” do quân đội Myanmar thiết kế nhằm đảo bảo vai trò của mình.
Nhiều nhân vật quân đội Myanmar có thể đã xem đây là chặng cuối tiến trình cải cách của nước này.
Tuy nhiên, những thay đổi chính trị đã đạt được là đủ để kết thúc sự cô lập quốc tế đối với Myanmar. Chỉ hơn một năm sau khi Thein Sein trở thành Tổng thống, Liên minh Châu Âu (EU) đã dỡ lệnh trừng phạt và Mỹ nhất trí dỡ một số hạn chế đối với Myanmar.
Các nhà lãnh đạo Myanmar cũng nhận thức rõ ràng việc nền kinh tế nước này tụt hậu nghiêm trọng so với các quốc gia láng giềng. Và các lựa chọn mới nhanh chóng được đưa ra bên cạnh các đối tác thương mại truyền thống là Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Hệ thống tỷ giá hối đoái phức tạp trước kia được đơn giản hóa và các công ty nước ngoài được chào đón ở Myanmar. Các cuộc đấu thầu được mở cho các dự án thăm dò và khai thác dầu khí.
Giấy phép được cấp cho các công ty từ Na-Uy đến Qatar để xây dựng mạng di động ở nước này Cải cách cũng được tiến hành để hiện đại hóa một hệ thống ngân hàng vốn phụ thuộc nặng nề vào tiền mặt.
5 năm quan trọng
Theo các con số thống kê, Myanmar hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Sự tăng trưởng này có thể được nhìn thấy từ những con đường đông đúc, những công trường xây dựng, và những khách sạn 5 sao mới mọc lên ở Yangon - thủ đô kinh tế của Myanmar.
Mặc dù vậy, đời sống của đại bộ phận người dân Myanmar sống ở khu vực nông thôn vẫn còn chưa được cải thiện đáng kể. Về kinh tế cũng như về chính trị, ông Thein Sein để lại một công việc mà nhiều người có thể cho là còn dang dở.
Chẳng hạn, Luật Đầu tư được thảo luận từ lâu của Myanmar - đạo luật nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục cho các công ty nước ngoài đầu tư vào nước này - vẫn chưa được thông qua.
Những doanh nghiệp nước ngoài muốn vào đất nước được xem là “thị trường sơ khai cuối cùng” ở châu Á này phàn nàn rằng các quy định trái ngược nhau, quy trình đấu thầu không minh bạch, và vấn đề sở hữu đất đai còn rất mù mờ.
Nhưng dù sao, các nhà đầu tư vẫn gõ cửa Myanmar thay vì quay lưng lại với những cơ hội ở nước này.
Một thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc cũng là một thành tựu phải kể đến trong di sản của ông Thein Sein. Sau 6 thập kỷ xung đột, quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang ở nước này đã đạt thỏa thuận ngừng bắn vào cuối năm ngoái.
Tháng 11/2015, người dân Myanmar đã có cơ hội đưa ra “phán quyết” của họ đối với Tổng thống Thein Sein trong cuộc bầu cử dân chủ thực sự đầu tiên ở nước này sau nhiều thập kỷ.
Vào năm 2010, Thein Sein và đảng USDP của ông giành gần 60% số ghế trong Quốc hội. Năm 2015, họ chỉ nhận được hơn 10%. Người dân Myanmar muốn có sự thay đổi.
Chỉ trong một nhiệm kỳ Tổng thống duy nhất, Thein Sein đã đưa Myanmar từ chỗ nằm dưới sự cai trị của quân đội hướng tới một nền dân chủ, từ kinh tế trì trệ tới tăng trưởng, và đạt được những bước đi tiến tới một nền hòa bình bền vững cho đất nước.
Cho dù theo tiêu chuẩn nào, thì đó cũng là 5 năm quan trọng đối với Myanmar. Và giờ đây, ai ai cũng chờ đợi xem điều gì tiếp theo sẽ diễn ra ở đất nước này.