Sau các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào những mục tiêu tại Mỹ, Pháp và Nga, 3 nước đã thề tiêu diệt tận gốc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, nhóm khủng bố chiếm đóng nhiều khu vực rộng lớn trên lãnh thổ của Iraq và Syria.
Trong khi, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã nhiều lần ném bom nhằm vào các mục tiêu của nhóm Sunni thì đồng minh lớn nhất của Tổng thống Assad là Nga đang cố gắng tiêu diệt các thủ lĩnh của IS và phá hủy hàng loạt giếng dầu vốn là nguồn thu nhập giúp nhóm khủng bố này tồn tại và thực hiện các cuộc tấn công ở nước ngoài.
Trong một tuyên bố chính thức về hoạt động buôn bán dầu mỏ của IS, ông Adam Szubin, một quan chức thuộc Bộ Ngân khố Mỹ cho hay IS đã bán được số dầu mỏ trị giá 40 triệu USD mỗi tháng tại các cơ sở khai thác.
"IS đang bán một lượng dầu lớn cho chính quyền của Tổng thống Assad. Dù tàn sát lẫn nhau nhưng hai bên vẫn duy trì mối quan hệ làm ăn trị giá hàng triệu USD", Reuters dẫn lời ông Szubin.
Cũng theo ông Szubin, "một lượng lớn" dầu mỏ của IS hiện được tập kết tại lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của Tổng thống Assad và một số ít được tiêu thụ ngay trong khu vực IS kiểm soát. Một lượng dầu mỏ của IS cũng đã xuất hiện ở khu vực người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Szubin nhấn mạnh không rõ liệu số tiền 40 triệu USD/tháng từ hoạt động buôn bán dầu mỏ của IS có được tăng lên thành cấp số nhân trong hơn một năm.
Bởi trước đó, ông Szubin cho rằng IS đã kiếm hơn 500 triệu USD nhờ buôn bán dầu mỏ song không đưa ra khoảng thời gian cụ thể.
Sau khi Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga hôm 24/11, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moscow nhận được thông tin tình báo cho thấy một lượng lớn dầu mỏ và xăng dầu đã được chuyển từ lãnh thổ do IS kiểm soát sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã phủ nhận lời cáo buộc của Nga về việc gia đình mình thu lời nhờ buôn lậu số dầu mỏ nằm trong vùng lãnh thổ của IS.
"Tài chính không còn là vấn đề duy nhất mà nó còn liên quan tới các dòng chiến binh nước ngoài cùng vũ khí", ông Szubin nhấn mạnh.
Trong nỗ lực cắt đứt mối liên kết của IS với hệ thống tài chính toàn cầu, Mỹ đã phối hợp với Iraq để đóng cửa hàng chục chi nhánh ngân hàng nằm trong vùng lãnh thổ IS kiểm soát.
Trước đó, phiến quân IS được cho đã đánh cắp 1 tỷ USD từ các ngân hàng ở Syria và Iraq song hoạt động buôn bán dầu mỏ vẫn là nguồn thu chính của nhóm khủng bố này.