Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời như vậy trong cuộc phỏng vấn với website Corriere della Sera của Italy.
Tờ Business Insider nhận định, có vẻ như việc NATO mở rộng là điều khiến ông Putin khó chịu.
Ông Putin tiết lộ lý do khó chịu với NATO (ảnh: Reuters)
Kể từ nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Nga sáp nhập Crimea, nhiều nước thành viên NATO đã củng cố quốc phòng với tuyên bố đối phó với động thái đe dọa quân sự từ Nga.
Cuối năm 2014, Latvia và Estonia ra Sách Trắng quốc phòng tuyên bố tăng cường phòng thủ ở biên giới để đối phó với mối đe dọa từ Nga.
Mới đây, ngày 8/6, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nhấn mạnh khả năng cho phép triển khai tên lửa hạt nhân Mỹ ở nước này vì những căng thẳng với Nga.
Ngoại trưởng Anh giải thích rằng, Nga đã tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực biên giới, triển khai cả tên lửa ở Kaliningrad, một vùng ở khu vực Baltic.
Bởi thế Anh phải gửi thông điệp cảnh báo tới Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng London sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự đối phó với Moscow.
Ông Hammond tuyên bố: “Chúng tôi cần phải gửi tín hiệu rõ ràng cho Nga rằng chúng tôi sẽ không cho phép họ vượt qua giới hạn đỏ của chúng tôi”.
Tuy nhiên, ông Hammond lưu ý khả năng triển khai tên lửa hạt nhân của Mỹ vẫn chỉ là giả thuyết, bởi theo quan điểm của ông, phương Tây không muốn khơi mào bằng “hành động khiêu khích” và tạo ra một giai đoạn chạy đua vũ trang mới trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine.
Trước những thông tin này, ông Putin đã hài hước nói với tờ Corriere della Sera rằng: “Chỉ có kẻ điên mới mơ đến chuyện tấn công NATO”.
Ông nói thêm: Chính NATO va Mỹ mới là những đối tượng mà thế giới nên lo sợ. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ cao hơn mức mà tất cả các nước trên thế giới cộng lại.
Tổng chi tiêu quân sự của các quốc gia NATO cao gấp 10 lần – lưu ý là 10 lần con số này của Liên bang Nga”.
Hiện tại, Nga không có căn cứ quân sự nào ở nước ngoài, trong khi Mỹ vẫn duy trì các căn cứ như vậy.
“Chúng tôi đã tháo dỡ các căn cứ ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Điều này có nghĩa là trong lĩnh vực này, chính sách của chúng tôi không mang tính toàn cầu, không nhằm tấn công hay là gây hấn”, ông nói.
Tranh luận về các hành động quân sự ngày càng gia tăng của Nga, Tổng thống Putin lập luận: “Mọi điều chúng tôi làm chỉ là đáp trả các mối đe dọa nhằm vào chúng tôi”.
Mô tả về Ukraine nếu gia nhập NATO, ông Putin nói rằng “mục đích NATO lôi kéo Ukraine là để phục vụ lợi ích của họ chứ không phải lợi ích quốc gia của Ukraine”.
Về vấn đề này, Ngoại trưởng Italy Gentiloni ngày 8/6 nói với báo Corriere della Sera rằng khả năng phương Tây cũng sẽ không để NATO kết nạp Ukraine: “Tôi nghĩ rằng Nga sẽ nhận được khẳng định này vào một thời điểm nhất định, đặc biệt việc gia nhập của Ukraine vào NATO không phải là một quyết định có tính thực tế cao”.
Ngoại trưởng Italy cũng nhấn mạnh rằng NATO là một tổ chức phòng thủ và sẽ không có ý định tổ chức xung đột với các quốc gia như Nga.
Đây được cho là một động thái xoa dịu từ phía NATO sau vụ Bộ Quốc phòng Nga hôm 28/5 nổi giận phản đối cáo buộc gần đây của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về việc Moscow tiến hành các cuộc tập trận bất ngờ làm vỏ bọc để triển khai quân và vũ khí đến Ukraine.