Tình báo phương Tây chẳng còn mấy người hiểu nước Nga!

Một phần tư thế kỷ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, cộng đồng tình báo phương Tây và Mỹ đã mất đi một lượng lớn chuyên gia về Nga trong mọi lĩnh vực.

Theo phân tích mới đây của Hãng thông tấn Reuters, các chính quyền phương Tây và cả Mỹ đang đối mặt với thực tế nguy hiểm khi buộc phải đối đầu với nước Nga giữa cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng tăng ở Ukraine. Một phần tư thế kỷ sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, cộng đồng tình báo phương Tây và Mỹ đã mất đi một lượng lớn chuyên gia về Nga trong mọi lĩnh vực do họ đã về hưu hay không còn làm việc cho chính phủ nữa. Tuy nhiên, cũng có thế hệ mới các chuyên gia về Nga có nhiều năm kinh nghiệm đang sống và làm việc ở nước này và không bao lâu nữa họ sẽ được tình báo phương Tây chào mời hợp tác.

Nỗ lực “tái” tập trung gián điệp theo dõi nước Nga

Trong thời Chiến tranh lạnh, các cơ quan tình báo phương Tây chủ yếu dựa vào lực lượng chuyên gia về Liên Xô để nắm bắt được các chính sách của Điện Kremlin và cộng đồng tình báo Mỹ đặc biệt chú trọng công tác thu thập thông tin về Liên Xô. Nhưng, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Mỹ và các quốc gia đồng minh bắt đầu chuyển hướng tập trung mạnh vào các cộng đồng người Hồi giáo ở Trung Đông cũng như các khu vực khác và Trung Quốc, do Liên Xô đã tan rã cho nên không được coi là mục tiêu gián điệp ưu tiên hàng đầu nữa.

Khi Mỹ tuyên bố mở cuộc chiến tranh chống khủng bố toàn cầu, đội ngũ các nhà Xô viết học của phương Tây cũng như các chuyên gia về Nga cảm thấy họ không còn được chính quyền ưu ái nữa và nhận thấy đó là lúc họ phải rút lui. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Ukraine đang thúc đẩy các cơ quan tình báo phương Tây và Mỹ gấp rút khôi phục lại hoạt động thu thập thông tin về nước Nga.

Theo phân tích của bà Fiona Hill - chuyên gia về Nga làm việc cho tình báo quốc gia Mỹ từ năm 2006 đến 2009 và hiện là Giám đốc Trung tâm Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brookings, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, một lượng lớn chuyên gia nước ngoài làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp ở Nga có thể bù đắp cho sự thiếu hụt chuyên gia về nước này và trong đó có không ít người muốn được làm việc cho các cơ quan tình báo hay quốc phòng phương Tây. Nhưng, trong giai đoạn ngân sách bị giảm mạnh như hiện nay ở Mỹ, kế hoạch tái tập trung gián điệp nước Nga có nghĩa là phải tìm cách sử dụng các nguồn tài chính khác.

Thủ tướng Đức Angela Merkel rất hay sử dụng smartphone để nhắn tin SMS.

Theo Elbridge Colby - cựu quan chức Lầu Năm Góc và hiện là thành viên cao cấp của Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), thật ra nỗ lực "tái tập trung" gián điệp nước Nga của Mỹ và các quốc gia đồng minh bắt đầu được nghĩ đến khi chi tiêu quốc phòng của Nga tăng 30% sau cuộc chiến Nga - Gruzia năm 2008. Trong khi đó từ lâu, một số quốc gia Bắc Âu và Đông Âu - nhất là Ba Lan và Thụy Điển - quan tâm giám sát các nguồn tài chính quốc phòng và tình báo của Nga.

Đối với Mỹ, 2 vụ án gián điệp trong thập niên qua đã khiến cho cộng đồng phản gián nước này có sự quan tâm đặc biệt đối với các hoạt động tình báo của Moskva. Đầu tiên là vụ khám phá phần mềm gián điệp Agent BTZ, lây nhiễm cho hệ thống mạng máy tính Bộ Quốc phòng Mỹ vào năm 2008. Mỹ phải mất nhiều tháng để làm sạch mạng máy tính và cuộc tấn công này cho đến nay vẫn được coi là vụ chọc thủng hệ thống an ninh IT nghiêm trọng nhất của chính quyền Mỹ. Mặc dù, Washington chưa bao giờ chính thức lên tiếng về thủ phạm của vụ xâm nhập, nhưng một vài quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ, tình báo Nga là nghi phạm hàng đầu.

Phóng viên truyền hình nhà nước Nga (góc trái) đang ghi hình Putin đứng trong khu rừng bạch dương sử dụng điện thoại có màu đen giống như "cục gạch"!

Tiếp đến là vụ bắt giữ và trục xuất 10 gián điệp ẩn sâu bên trong nước Mỹ, trong đó có nữ điệp viên xinh đẹp nổi tiếng Anna Chapman. Tuy nhiên, có ít bằng chứng cho thấy số điệp viên này đã hành động thành công. Ở Anh, các cơ quan an ninh bắt đầu chú ý nhiều đến Nga sau vụ đầu độc bằng phóng xạ polonium-210 giết chết cựu sĩ quan KGB Litvinenko. Vụ án dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao Anh - Nga và cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn.

Tại sao tình báo Mỹ không thể do thám Putin?

Sự việc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) không nắm được thông tin về các hoạt động của Điện Kremlin liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraina đã khiến Washington đặc biệt lo ngại. Một lý do nữa là Tổng thống Nga Vladimir Putin không sử dụng điện thoại di động để tình báo Mỹ có cơ hội nghe lén!

Thậm chí, thói quen không sử dụng điện thoại trong mọi cuộc giao tiếp của Putin dẫn đến việc Tổng thống Nga trở thành mục tiêu cực kỳ khó giám sát đối với các cơ quan tình báo nước ngoài. Khác với Thủ tướng Đức Angela Merkel (điện thoại di động của bà bị NSA giám sát thường xuyên trong nhiều năm), Putin không bao giờ sử dụng tin nhắn SMS! Thậm chí, ông cũng không lập các trang mạng xã hội cho riêng mình. Putin chỉ nắm bắt thông tin từ báo cáo hằng ngày do các cơ quan tình báo Nga cung cấp.

Ngay từ năm 2005, khi bắt đầu nhiệm kỳ 2, Tổng thống Putin đã tuyên bố ông không muốn sở hữu điện thoại di động. Năm 2010, Putin tiếp tục khẳng định: "Nếu tôi có điện thoại di động, nó sẽ reo suốt. Hơn thế, khi điện thoại ở nhà reo, tôi cũng không bao giờ trả lời". Các chuyên gia nhận định, đó là điều hết sức bất ngờ đối với Tổng thống của một đất nước mà số điện thoại di động được kích hoạt và người dùng Internet nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác ở châu Âu!

Bà Fiona Hill, chuyên gia về nước Nga từng làm việc cho Tình báo quốc gia Mỹ.

Andrei Soldatov, chuyên gia về hệ thống an ninh Nga ở Moskva, cho biết Kremlin chi tiền rất nhiều cho công tác mã hóa để đối phó với gián điệp phương Tây và giữ bí mật những cuộc giao tiếp của các giới chức lãnh đạo đất nước. Năm 2009, tình báo Mỹ và Anh có nhiều nỗ lực để nghe lén những cuộc điện đàm của ông Medvedev - người lúc đó giữ chức Tổng thống Nga - trong cuộc gặp thượng đỉnh các lãnh đạo thế giới diễn ra ở thủ đô London, Anh.

Theo các tài liệu Edward Snowden cung cấp cho tờ The Guardian, NSA và tình báo tín hiệu Anh GCHQ đã bí mật cài bọ nghe lén trong các điện thoại song họ không tài nào phá được mật mã của Điện Kremlin. Andrei Soldatov cho rằng: "Các cơ quan đặc biệt của chúng tôi không to lớn nhưng có đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu của số lãnh đạo cao cấp nhất".

Trong một lần hiếm hoi Truyền hình nhà nước Nga tiết lộ hình ảnh ông Putin sử dụng thiết bị có thể gọi là điện thoại di động - nó thật ra không phải là loại smart phone mà NSA rất giỏi kiểm soát - vào năm 2010 khi đang đứng trong khu rừng bạch dương. "Điện thoại" của Putin có màu đen và được thiết kế hết sức thô kệch trông giống như "cục gạch".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại