Thụy Điển tuyên bố trục xuất 80.000 người tị nạn

Tuấn Anh |

Tuyên bố trục xuất 80.000 người tị nạn của Thụy Điển được Liên minh châu Âu cho là phù hợp với nỗ lực xây dựng một chính sách tị nạn nhất quán tại đây.

Ủy ban châu Âu cho rằng tuyên bố trục xuất 80.000 người tị nạn đang gây ra tranh cãi của Thụy Điển không những phù hợp với các quy tắc của Liên minh châu Âu (EU) mà còn có thể góp phần giúp tăng cường xây dựng một chính sách nhập cư trên toàn châu lục.

Các quan chức của Ủy ban cho rằng việc trao trả những đối tượng bị từ chối cho tị nạn là phù hợp với nỗ lực chung của EU trong việc xây dựng một chiến lược nhất quán để giải quyết vấn đề tị nạn, trong đó phân định rạch ròi những trường hợp xin tị nạn đến từ những nơi khác nhau.

Natasha Bertaud, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu về vấn đề tị nạn, nói rằng “các nước thành viên buộc phải gửi trả những trường hợp tị nạn không hợp lệ nhằm giúp đơn xin hợp lệ được giải quyết nhanh hơn.

Chúng ta cũng cần phải trục xuất những đối tượng không phù hợp để tránh việc thế giới nghĩ rằng châu Âu đang là cánh cửa bị bỏ ngỏ, ai muốn đến thì đến”.

Năm 2015, gần 1 triệu người tị nạn đã đến châu Âu. Sau Đức, Thụy Điển là nước được người tị nạn tìm đến nhiều nhất.

Nếu so về tỉ lệ dân số thì Thụy Điển là nước đón nhận nhiều người tị nạn nhất tại châu Âu với hơn 160.000 người đã xin tị nạn tại Thụy Điển vào năm 2015.

Thụy Điển cũng là nước chấp thuận cho phép tị nạn nhiều nhất, với 55% trên tổng số 58.800 trường hợp xin tị nạn được chấp thuận.

Tuy nhiên, lượng người tị nạn đổ về Thụy Điển đã giảm rõ rệt sau khi những chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn được áp dụng. Con số này đã giảm từ 10.000 người/tuần xuống còn chỉ 100 người/ngày.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thụy Điển Anders Ygeman cho biết sẽ chính quyền sẽ thuê máy bay dân sự để vận chuyển những người bị trục xuất về nước.

“Trước hết chúng tôi sẽ kêu gọi mọi người tự nguyện quay trở về. Nếu không thành công, chúng tôi buộc sẽ phải áp dụng những biện pháp cưỡng chế”.

Ông cũng cho biết Thụy Điển đang đàm phán với Afghanistan và Ma Rốc để thu nhận những người bị trục xuất.

Ông Ygeman nói Thụy Điển ước tính sẽ phải giải quyết thêm 45.000 trường hợp xin tị nạn trong năm 2016.

Ngoài Thụy Điển, Phần Lan cũng là một nước trong EU đang có kế hoạch trục xuất người tị nạn tương tự, tuy nhiên quy mô nhỏ hơn. Nước này đã từ chối 20.000 trường hợp trên tổng số 32.000 đơn xin tị nạn trong năm 2015.

Đây là đợt trục xuất dân tị nạn có quy mô lớn nhất được một nước trong Liên minh thực hiện. Mặc dù đa số người tị nạn chạy đến châu Âu từ những nước đang bị chiến tranh như Syria, nhưng cũng có những thành phần đến từ các nơi được xem là bình yên, như các nước trong khu vực Balkan.

Tuyên bố trục xuất 80.000 người tị nạn được Thụy Điển đưa ra sau khi Hà Lan có “sáng kiến” vận chuyển những người tị nạn chạy đến Hy Lạp bị trục xuất bằng phà ngược trở lại Thổ Nhĩ Kỳ.

Giải pháp này của Hà Lan bị Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án là phi pháp, vì điều này đồng nghĩa với việc sẽ xem Thổ Nhĩ Kỳ là “nước thứ ba an toàn” (ngoài 2 nước khởi nguồn và đến của làn sóng tị nạn) trong khi tại đây, người tị nạn thường xuyên bị ngược đãi và đánh đập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại