Hôm nay, 31/1, phái đoàn đại diện các lực lượng đối lập tại Syria đã tới Geneva (Thụy Sĩ) để tham gia cuộc đàm phán hòa bình do LHQ đứng ra tổ chức.
Theo ghi nhận của al-Arabiya, phái đoàn bao gồm 17 thành viên, dẫn đầu là Riad Hijab, một nhân vật được hầu hết các lực lượng đối lập tại Syria tôn trọng.
Ông Hijab từng được Tổng thống Syria Bashar al-Assad bổ nhiệm vào vị trí Thủ tướng Syria hồi tháng 9/2012, sau khi bạo lực bùng phát tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, ông này đã bỏ sang Jordan, với sự trợ giúp của Quân đội Syria Tự do (FSA).
Trong những năm qua, cựu Thủ tướng Syria hoạt động chính trị giành lợi ích cho các lực lượng đối lập, đồng thời giữ quan điểm trung lập không tham gia vào đấu đá giữa các lực lượng này. Đó là lý do tại sao ông Hijab được giao trọng trách trưởng phái đoàn đối lập Syria tại Geneva.
Riad Hijab, trưởng phái đoàn các lực lượng đối lập Syria tại Geneva. Ảnh: AP
Theo al-Arabiya, với việc tham gia đàm phán, phe đối lập sẽ góp phần khởi động một tiến trình mà theo LHQ dự kiến sẽ cần 6 tháng để hoàn thiện, bởi các điểm chính thì đã rõ, nhưng nội dung chi tiết thì còn tương đối mơ hồ.
Thời gian dự kiến của LHQ đã tính đến việc phe đối lập tranh cãi không chọn ra được một đại diện tham gia đàm phán, song mối lo này đã được giải quyết. Ngoài ra, những điều kiện tiên quyết mà phe đối lập đưa ra cũng đã được đáp ứng.
Cụ thể, họ đề nghị LHQ không cho phép đại diện chính phủ Syria cũng như 2 đồng minh Iran và Nga được hội đàm riêng cùng cộng đồng quốc tế do LHQ và đặc phái viên Syria Staffan de Mistura đại diện.
Yêu cầu có được đáp ứng?
Câu hỏi lớn nhất được đặt ra lúc này, là liệu đàm phán Geneva có thể đem lại một lệnh ngừng bắn? Theo al-Arabiya, phe đối lập hoàn toàn có thể gật đầu chấp nhận ngừng bắn, nếu họ được phép kiểm soát phần lãnh thổ hiện đang nằm trong tay mình.
Ngoài ra, họ cũng không phải chịu trách nhiệm cho các diễn biến tại khu vực do các phiến quân khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay Mặt trận al-Nusra kiểm soát.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, khả năng bộ ba chính phủ Syria-Iran-Nga chấp thuận những điều khoản nói trên và dừng các hoạt động quân sự tại Syria gần như không thể xảy ra. Đây sẽ là thách thức lớn nhất đối với LHQ và các bên tham gia.
Gần như chắc chắn Syria-Iran-Nga sẽ không để cho phe đối lập được giữ phần lãnh thổ mà các lực lượng này đang chiếm đóng. Ảnh: StrategicCulture.org
Bên cạnh thảo luận áp đặt lệnh ngừng bắn, các nội dung nhiều khả năng sẽ được đề cập tại Geneva sẽ là mở các giao lộ an toàn cho người dân, giảm thiểu khu vực giao tranh, đàm phán trao đổi tù nhân chiến tranh, và vận chuyển hàng cứu trợ.
Nhưng còn lý do lớn nhất dẫn đến nội chiến Syria, đó là tương lai của Assad, thì theo al-Arabiya nhiều khả năng sẽ bị đẩy lùi tới các vòng đàm phán sau, đơn giản bởi sự khác biệt quá lớn trong quan điểm của các bên về tương lai của Assad, cũng như mục tiêu chính của mỗi bên.
Quan điểm của phe đối lập và của chính phủ Assad thì quá rõ, nhưng còn các bên khác thì sao?
Theo al-Arabiya, Mỹ sẽ tập trung vào các động thái ngoại giao để khỏa lấp phần nào sự bất cẩn của nước này tại Trung Đông. Trong khi đó, tất cả những gì EU quan tâm là vấn đề người nhập cư Syria ảnh hưởng thế nào tới họ.
Còn phe Nga/Iran lại muốn áp đặt một giải pháp chính trị trong đó phe đối lập phải nhường lại hết lãnh thổ cho chính phủ Assad, và đổi lại sẽ có tiếng nói trong quốc hội Syria. Nhưng theo al-Arabiya, rõ ràng ai cũng hiểu "tiếng nói" ấy chỉ mang ý nghĩa biểu tượng.
Vậy tại sao phe đối lập vẫn tham gia đàm phán? Đơn giản bởi họ cũng chẳng mất gì nếu đến dự. Nhưng nếu họ từ chối góp mặt, chính phủ Assad sẽ có cơ hội "làm hình ảnh" với cộng đồng quốc tế trong đàm phán mà phe đối lập không có đại diện tại đó để phản bác.
Do đó, tuy gần như chắc chắn những yêu cầu của phe đối lập sẽ không được đáp ứng trong vòng đàm phán này, nhưng chỉ sự hiện diện của phái đoàn do ông Hijab đứng đầu tại Geneva thôi cũng là hết sức cần thiết đối với lợi ích của phe này.