Su-34 vi phạm không phận
Lần đầu tiên kể từ sau vụ chiến đấu cơ Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hồi tháng 11 năm ngoái, Ankara hôm 30/1 vừa qua đã lên tiếng cáo buộc máy bay Nga hoạt động tại Syria một lần nữa vi phạm không phận Thổ. Lần này, "thủ phạm" là một chiếc Su-34.
Phía Nga đã ngay lập tức phủ nhận cáo buộc này. Trong một cuộc họp báo mới đây, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Nga - Thiếu tướng Igor Konashenkov, đã thẳng thừng tuyên bố cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ là "vô căn cứ".
Khoan nói đến thực hư liệu Su-34 Nga hôm 30/1 vừa qua có vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ hay không, thì bản thân việc Ankara đưa ra cáo buộc mới đây, theo nhiều nhà phân tích, đã cho thấy sự bất lực của người Thổ trong cuộc đối đầu với Nga.
Đáng nói, đây không phải nhận định đến từ các báo Nga như Sputnik hay RT, mà nó xuất hiện trên nhiều trang tin phương Tây.
Trả lời phỏng vấn trang Business Insider, chuyên gia quân sự người Thổ Nhĩ Kỳ Metin Gurcan nhận định, những động thái của Nga sau vụ Su-24 hồi tháng 11 năm ngoái đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ mất đi khả năng đơn phương thay đổi tình hình trên không phận cũng như trên lãnh thổ Syria.
Theo ông Gurcan, Nga đã tập trung phần nhiều các đợt không kích của mình nhắm vào khu vực giáp biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, như một cách đáp trả có kiểm soát đối với hành động của Ankara.
Cụ thể, các đợt oach tạc của Nga nhắm vào lực lượng người Turk do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại khu vực Bayirbucak, giáp thành phố chiến lược Azaz phía tây bắc Syria, đã tăng đáng kể cả về tần suất lẫn hỏa lực.
Các con đường chở hàng viện trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ sang cho lực lượng người Turk cũng liên tục bị dội bom, ông Gurcan cho biết.
Thêm vào đó, khả năng Ankara có thể đáp trả chiến dịch không kích của Nga, cũng như đáp trả bất kì hành vi vi phạm không phận nào của máy bay nước này, cũng bị hạn chế rất nhiều bởi cái mà chuyên gia Gurcan gọi là "một vùng cấm bay mặc định" của Moscow tại bắc Syria.
Dù không công khai thiết lập vùng cấm bay, nhưng theo ông Gurcan, việc Nga trang bị tên lửa không-đối-không cho chiến đấu cơ, cũng như điều động hệ thống S-400 tới Latakia, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chưa đầy 50km, cũng chẳng khác một vùng cấm bay thực thụ là mấy.
"Kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ gần như đã mất sạch khả năng đơn phương thay đổi tình hình cả trên không phận cũng như trên lãnh thổ Syria" - ông Gurcan nhận định.
Nga thách thức Thổ Nhĩ Kỳ
Trên tạp chí Christian Science Monitor (CSM) hôm nay (31/1) cũng đăng tải một bài phân tích vụ việc vừa qua, dưới góc độ của phía Nga.
Trả lời phỏng vấn CSM, chuyên gia Jeffrey Mankoff thuộc Chương trình Nga và Eurasia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định, "Nga có lẽ đang muốn cho Thổ Nhĩ Kỳ thấy, những gì xảy ra trước đó không thể ngăn nổi Nga".
Theo ông Mankoff, Moscow thừa hiểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đánh một canh bạc quá mạo hiểm nếu nước này quyết định bắn hạ máy bay Nga lần nữa, và rằng các đồng minh NATO đang gây áp lực lên Ankara không được phản ứng thái quá.
NATO không muốn Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng thái quá thêm một lần nữa. Ảnh: AFP
Chuyên gia này phân tích, việc bắn hạ Su-24 năm ngoái thực chất là một "giọt nước làm tràn ly", do hệ quả của những màn thách thức chủ quyền lẫn nhau giữa Nga và NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thành viên NATO phải "chịu trận" nhiều nhất khi Nga tới Syria.
Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào một thế cờ quá khó, đến mức Tổng tham mưu trưởng mới nhậm chức của nước này, ông Hulusi Akar, phải thừa nhận Thổ đang phải đi giữa "một vòng lửa".
Cũng phải nói thêm rằng, trước khi Nga can thiệp quân sự tại Syria, quan hệ Moscow-Ankara diễn tiến hết sức tốt đẹp. Song những nỗ lực phát triển quan hệ song phương giữa hai nước đã "lùi 10 bước" vì những khác biệt quá lớn về lợi ích tại Syria.
Có thể nói, thế cờ đặt ra cho Thổ Nhĩ Kỳ là quá khó, và khi ở thế bí, họ dường như đã đi một nước quá "phiêu lưu" khi bắn hạ Su-24 Nga hồi tháng 11, để rồi ván cờ ngày một khó thêm khi Nga đáp trả bằng tên lửa không-đối-không và S-400.
Nay, khi ở thế bất lực không thể tự thay đổi tình hình như các chuyên gia nói trên đã chỉ ra, thì việc phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ trước sự hung hăng của Nga, nếu có, chỉ dừng lại ở mức cáo buộc âu cũng hợp lý.