“Chúng tôi không thể đối xử với Nga một cách khác biệt so với các chủ nợ còn lại, Nếu Moscow không đồng ý với các điều kiện của Kiev, chúng tôi sẽ hoãn trả nợ” - ông Yatseniuk nói với báo Đức Handelsblatt.
Chính phủ Ukraine trước đó đạt được thỏa thuận với một số chủ nợ quốc tế về vấn đề tái cơ cấu nợ theo chương trình cứu trợ tài chính trị giá 40 tỉ USD do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đứng đầu.
Moscow nhiều lần tuyên bố sẽ không tham gia vào việc tái cơ cấu nợ cho Kiev vì lập luận món nợ 3 tỉ USD của Ukraine là khoản nợ chính thức, không phải nợ thương mại.
Vào tháng 12-2013, Moscow mua số trái phiếu trị giá 3 tỉ USD từ chính quyền Kiev như một phần giải cứu chính quyền của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich. Khi đó, ông này đang đối mặt với làn sóng biểu tình đường phố yêu cầu ông từ chức.
2 tháng sau, ông Yanukovich bỏ trốn, dẫn đến sự rạn nứt giữa Moscow và các nhà lãnh đạo Kiev thân châu Âu lên nắm quyền sau đó.
Các thỏa thuận giảm nợ đóng vai trò quan trọng giúp Ukraine vực dậy nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá sau nhiều năm tham nhũng và quản lý kinh tế yếu kém.
Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 25-10 chỉ trích quyết định của Kiev về việc cấm các hãng hàng không Nga bay tới Ukraine.
Ông Medvedev mô tả hành động này không khác nào Kiev đang “tự bắn vào chân mình”, đồng thời nhận định nhà chức trách Ukraine đang “tìm cách chống lại người dân của họ”.
Trước đó, Kiev đưa ra quyết định cấm các hãng hàng không Nga bay tới Ukraine, bắt đầu có hiệu lực từ 25-10.
Lệnh cấm này đến sau nghị định do Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký hồi tháng 8, trong đó áp đặt lệnh trừng phạt đối với 388 cá nhân và 105 công ty của Nga, bao gồm 25 hãng hàng không.
Kiev nhiều lần đổ lỗi cho Moscow kích động cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, nơi phe ly khai thân Nga đang đòi độc lập. Tuy nhiên, Nga phủ nhận các cáo buộc và nói rằng chúng không có căn cứ.