Theo AFP, trả lời phỏng vấn Itar-Tass trước cuộc gặp với ông Putin, ông Tsipras lên tiếng chỉ trích việc EU cấm vận kinh tế Nga vì khủng hoảng Ukraine là “không đi đến đâu”.
“Chúng tôi không đồng ý về việc cấm vận. Tôi ủng hộ quan điểm phải đàm phán” - ông Tsipras nhấn mạnh.
Trước đó các quan chức Hi Lạp từng công khai tuyên bố Athens có thể sẽ nhờ Nga hoặc Trung Quốc hỗ trợ tài chính nếu các cuộc đàm phán vay nợ với EU đổ vỡ.
Chính phủ Hi Lạp và Nga đều cho biết sẽ tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Nguồn tin từ Matxcơva cho biết Chính phủ Nga sẽ bỏ lệnh cấm nhập khẩu trái cây từ Hi Lạp. Đây là một đòn trừng phạt của Điện Kremlin với châu Âu để phản ứng lại các biện pháp cấm vận của EU đối với Nga.
Lệnh cấm vận trái cây đã ảnh hưởng đáng kể lên ngành nông nghiệp Hi Lạp.
Chuyên gia đối ngoại Nga Fyodor Lukyanov bình luận Tổng thống Nga Putin không trông đợi Hi Lạp phủ quyết các biện pháp cấm vận của EU đối với Nga.
Nhưng Nga có thể kỳ vọng Hi Lạp sẽ góp tiếng nói trong nội bộ EU để phản đối cấm vận. Trên thực tế một số quốc gia khác ở EU đã từng tỏ ý phản đối việc kéo dài cấm vận Nga.
Mới đây, một số quan chức EU đã lên tiếng cảnh báo HI Lạp không nên nhận viện trợ tài chính từ Nga để đổi lấy việc Athens ủng hộ Matxcơva xung quanh vấn đề Ukraine. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz tuyên bố Hi Lạp không nên chống lại EU.
“Hi Lạp đòi hỏi và đã nhận được nhiều hỗ trợ từ phía EU. Do đó chúng tôi đòi hỏi Hi Lạp phải đồng thuận với EU và không nên có những động thái đơn phương phá vỡ sự đồng thuận” - ông Schulz nhấn mạnh.