Đây sẽ là cuộc hội đàm "mặt đối mặt" đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai bờ eo biển Đài Loan sau 66 năm. Truyền thông Trung Quốc đại lục và Đài Loan đều đánh giá cuộc gặp chiều nay "là thời khắc lịch sử, dấu mốc trong quan hệ hai bờ".
Trong cuộc gặp này, các yếu tố lễ nghi được sắp xếp ra sao, tiệc tối gồm những món gì, quà tặng lẫn nhau như thế nào... đều rất khiến dư luận tò mò bởi tất cả nhân tố đều thể hiện hàm nghĩa ngoại giao.
Bố trí chương trình "Tập-Mã hội"
1. Lãnh đạo hai bờ bắt tay.
2. Bắt đầu gặp gỡ chính thức:
- Chương trình công khai: Phóng viên được phép phỏng vấn.
- Chương trình không công khai: Lãnh đạo hai bờ hội đàm kín, trao đổi những vấn đề quan trọn.
3. Kết thúc cuộc gặp, song phương tổ chức họp báo riêng biệt.
4. Kết thúc họp báo, lãnh đạo hai bờ cùng tham dự tiệc tối.
Gặp nhau như thế nào?
Theo Phượng Hoàng (Trung Quốc), sau khi ông Mã Anh Cửu tái đắc cử vị trí lãnh đạo Đài Loan vào năm 2012, ông đã nhiều lần bày tỏ mong muốn tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo hai bờ eo biển.
Ông Mã cũng nêu rõ, hai nhà lãnh đạo gặp nhau cần phải tuân theo nguyên tắc đồng đẳng về vai vế, tôn nghiêm. Xét từ góc độ này, việc 2 ông Tập-Mã "đối mặt nhau" như thế nào là một vấn đề đáng chú ý.
Nhìn lại các cuộc giao tiếp giữa lãnh đạo hai bờ, hồi tháng 4/2005, Chủ tịch Quốc dân Đảng Đài Loan Liên Chiến thăm Trung Quốc đại lục.
Điểm đến đầu tiên của ông Liên là Nam Kinh và "cao trào" là cuộc gặp mặt Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó, ông Hồ Cẩm Đào, tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 29/4.
Ông Hồ Cẩm Đào bước ra từ sảnh nghị sự của Đại lễ đường, đứng yên vị, sau đó Liên Chiến bước vào từ phía ngoài. Hai ông cùng lúc đưa tay về phía đối phương và cái bắt tay phải kéo dài vài giây mới đủ để gọi là "mang tính lịch sử".
Bắt tay xong, song phương cùng tiến vào sảnh nghị sự.
Phượng Hoàng đánh giá, mặc dù phía Trung Quốc đại lục là "chủ nhà", song nhà lãnh đạo nước này vẫn bước ra đón khách, thể hiện nguyên tắc "đối đãi đồng đẳng" với phía Đài Loan.
Ông Hồ Cẩm Đào (phải) đón ông Liên Chiến tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm 29/4/2005, hai ông cùng đưa tay về phía đối phương.
Địa điểm tổ chức "Tập-Mã hội" là Singapore, tức "bên thứ ba".
Singapore chính là địa điểm tổ chức cuộc hội đàm ngày 27/4/1993 giữa Chủ tịch Quỹ Giao lưu eo biển Đài Loan Cô Chấn Phủ và Hội trưởng Hiệp hội quan hệ hai bờ eo biển của Trung Quốc Uông Đạo Hàm, còn gọi là "Hội đàm Uông-Cô".
Những người từng tham gia sự kiện này cho biết, mọi công tác bố trí của cuộc hội đàm đều nhấn mạnh nguyên tắc đối đẳng, đặc biệt là khi ký kết văn bản thỏa thuận.
Căn cứ vào những chi tiết trong quá khứ, việc hai ông Tập Cận Bình, Mã Anh Cửu tiến vào hội trường như thế nào, bắt tay bao lâu và bắt tay như thế nào đều sẽ được quan sát kỹ lưỡng.
Câu đầu tiên nói gì?
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc-Đài Loan không gặp trở ngại về ngôn ngữ khi giao tiếp. Căn cứ theo thỏa thuận song phương, 2 ông Tập, Mã sẽ gọi nhau là "tiên sinh" (ngài).
Trong giao tiếp, Mã Anh Cửu có thói quen tự xưng là "Anh Cửu", và trong một số phát biểu trước đây ông đã gọi Chủ tịch Trung Quốc là "Tập tiên sinh".
Tuy nhiên, chưa rõ hai ông sẽ xưng hô bằng tên riêng để thêm phần thân thiết (Anh Cửu tiên sinh-Cận Bình tiên sinh) hay xưng hô một cách quy phạm (Tập Cận Bình/Mã Anh Cửu tiên sinh, Tập/Mã tiên sinh).
Trên thực tế, ông Tập và ông Mã đã từng có trao đổi gián tiếp. Hồi tháng 7/2013, Mã Anh Cửu đắc cử chức Chủ tịch Quốc dân đảng, ông Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng.
Điện viết: "Nhân dịp tiên sinh trúng cử Chủ tịch Quốc dân đảng, tôi trân trọng tỏ ý chúc mừng", trong đó chỉ gọi Mã Anh Cửu là "tiên sinh".
Sau khi chào hỏi, bắt tay, song phương sẽ về vị trí. Lúc này, vấn đề cần quan tâm là ai phát biểu trước, ai sau.
Trong cuộc gặp Hồ Cẩm Đào-Liên Chiến năm 2005 tại Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc lên phát biểu trước hết sức ngắn gọn, sau đó nhường lời cho phía Đài Loan.
Do đó, những thủ tục đầu tiên trong cuộc gặp Tập Cận Bình-Mã Anh Cửu là hết sức quan trọng.
Thắt cà vạt màu gì?
Phượng Hoàng cho biết, trong cuộc gặp chính thức, có khả năng lớn hai nhà lãnh đạo sẽ mặc Âu phục tối màu và sơ mi trắng, nhưng không rõ hai ông sẽ đeo cà vạt có màu sắc ra sao.
Tại Đài Loan, Quốc dân đảng nghiêng về màu xanh lam, trong khi Trung Quốc đại lục thể hiện rõ sự nổi bật bằng màu đỏ. Trong cuộc gặp năm 2005, ông Hồ Cẩm Đào và ông Liên Chiến đích thực sử dụng màu cà vạt như vậy.
Tuy nhiên, trong các lần hội ngộ về sau này, cũng có thời điểm Hồ Cẩm Đào dùng cà vạt xanh lam, trong khi Liên Chiến đeo cà vạt đỏ. Chi tiết này thậm chí được giới quan sát cho là động thái thể hiện sự ủng hộ lẫn nhau.
Xuất phát từ những tín hiệu trong quá khứ, màu cà vạt của 2 ông Tập Cận Bình, Mã Anh Cửu cũng sẽ là dấu hiệu để giới quan sát đánh giá thêm về tình trạng quan hệ song phương.
Dù vậy, bất chấp các chi tiết rắc rối, thời điểm hai ông Tập-Mã gặp nhau chắc chắn sẽ trở thành "lịch sử kinh điển", giống như Hội đàm Uông-Cô và Hồ Cẩm Đào-Liên Chiến trước đó.
Địa điểm tổ chức hội đàm
Hội đàm Uông-Cô năm 1993 được tổ chức tại tòa nhà Hải Hoàng, Singapore, còn "Tập-Mã hội" sẽ diễn ra ở khách sạn Shangri-la.
Shangri-la là lựa chọn hàng đầu để tổ chức những hội nghị tầm cỡ, bao gồm gần đây nhất là Đối thoại an ninh châu Á 2015 (Đối thoại Shangri-la).
Khách sạn Shangri-la được bao phủ xung quanh bởi cây cối và chỉ có một lối vào duy nhất, rất thuận tiện cho vấn đề bảo đảm an ninh. Có khả năng an ninh là vấn đề được cả Đài Loan và Trung Quốc đại lục quan tâm khi chọn địa điểm này cho "Tập-Mã hội".
Trong khi đó, theo Phượng Hoàng, tòa nhà Hải Hoàng có nhiều ý nghĩa lịch sử hiện đang tu sửa. Hội trường mà Uông Đạo Hàm và Cô Chấn Phủ hội đàm ở tầng 26 đã không còn tồn tại.
Những ai tham gia sự kiện?
Theo các báo cáo từ truyền thông Trung Quốc, mỗi bên sẽ có 7 người tham dự "Tập-Mã hội", bao gồm hai nhà lãnh đạo.
Về phía Đài Loan có Chánh văn phòng lãnh đạo Đài Loan Tăng Vĩnh Quyền, Phó chánh văn phòng Tiêu Húc Sầm, "Bộ trưởng quốc phòng" Cao Hoa Trụ và Ủy viên cố vấn Khâu Côn Huyền, Chủ nhiệm Hội đồng các vấn đề Đại lục Hạ Lập Ngôn và Phó chủ nhiệm Ngô Mỹ Hồng.
Về phía Trung Quốc, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu chính sách trung ương Vương Hỗ Ninh, Chánh văn phòng trung ương Lật Chiến Thư và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì gần như chắc chắn sẽ tham gia sự kiện chiều nay.
Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan Trương Trí Quân cũng rất có khả năng tham gia "Tập-Mã hội". Ông Trương từng nhiều lần tiếp xúc với các đoàn đại biểu Đài Loan tại Diễn đàn APEC.
Thời điểm diễn ra cuộc gặp Hồ Cẩm Đào-Liên Chiến năm 2005, cựu Phó thủ tướng, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc Ngô Nghi cũng tham gia hội đàm.
Tuy nhiên, thông tin những quan chức bên phía Trung Quốc tham gia cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ chỉ được xác thực vào chiều nay.
Các ông Dương Khiết Trì, Vương Hỗ Ninh (từ phải qua) và Lật Chiến Thư (trái) nhiều khả năng tham gia sự kiện cùng ông Tập Cận Bình.
Hội đàm thảo luận gì?
Căn cứ theo thông tin công khai từ Trung Quốc đại lục và Đài Loan trước sự kiện, lãnh đạo hai bờ sẽ trao đổi ý kiến về thúc đẩy quan hệ đôi bờ và phát triển hòa bình, đi sâu thảo luận các lĩnh vực hợp tác và trao đổi...
Trên thực tế, Phượng Hoàng chỉ ra, vấn đề chủ yếu mà đôi bên đang đối mặt là khả năng thay đổi đảng cầm quyền tại Đài Loan.
Đại diện của Đảng Dân tiến đối lập có khả năng rất lớn giành được vị trí lãnh đạo Đài Loan trong cuộc bầu cử năm sau, trong khi đảng này vốn không thừa nhận cơ sở tương tác chính trị hai bờ là "Bản nhận thức chung 1992".
Do đó, giới quan sát Trung Quốc đánh giá 2 ông Tập-Mã sẽ thảo luận phương án để sự phát triển quan hệ hai bờ không bị ảnh hưởng bởi biến đổi chính trị Đài Loan. Việc xây dựng một khuôn khổ ổn định có thể là chủ đề cốt lõi của hội đàm, Phượng Hoàng bình luận.
Tiệc tối gồm những gì?
Theo thông tin từ phía Đài Loan, ông Mã Anh Cửu đã mang theo "Mã tổ lão tửu", loại rượu trắng mà ông rất yêu thích, để mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nếu đôi bên uống rượu trắng thì chủ đề chính của buổi tiệc về cơ bản sẽ là món Hoa. Ngoài ra, việc các lãnh đạo và quan chức hai bờ cùng ăn bữa cơm với các món ăn của người Hoa cũng là điều hết sức tự nhiên.
Ông Tập Cận Bình là người Thiểm Tây, trong khi quê gốc ông Mã Anh Cửu là Hồ Nam. Việc tính toán khẩu vị phù hợp đôi bên cũng phải được cơ quan phụ trách lễ tân song phương cân nhắc kỹ lưỡng.
Trở lại Hội đàm Uông-Cô 1993, đoàn đại biểu hai biên đã cùng tham gia tiệc tối sau hội đàm với các món ăn được đặt tên ý nghĩa như "thủ túc tình thâm"...
Năm 2005, ông Liên Chiến cũng được ông Hồ Cẩm Đào mở tiệc chiêu đãi món thịt kho Đông Pha (thịt kho tàu) và rượu Mao Đài, thậm chí có thông tin nói rằng đôi bên "uống khá nhiều".
Năm 2014, ông Liên Chiến thăm Trung Quốc đại lục trong vai trò Chủ tịch danh dự Quốc dân đảng, cũng được Chủ tịch Tập Cận Bình đãi tiệc. Do Liên Chiến từng sống ở Thiểm Tây một thời gian khi còn trẻ, ông Tập đã đem hàng loạt món ăn dân dã Thiểm Tây ra chiêu đãi.
Trong "Tập-Mã hội", song phương tổ chức tiệc theo đúng nguyên tắc đối đẳng "50-50". Phía Đài Loan mang "Mã tổ lão tửu" và giới truyền thông đang rất chú ý đến loại rượu mà ông Tập sẽ đem lên bàn tiệc này.