Giải mã "chiêu" dùng cổ ngữ của ông Tập khi phát biểu ở Việt Nam

Hải Võ |

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam ngày 6/11 nhận được nhiều sự chú ý khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tạo điểm nhấn bằng nhiều thành ngữ, ngạn ngữ và thơ cổ.

"Huynh đệ đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim"

Câu nói này vẫn đường được người dân Trung Quốc hiện đại sử dụng hàng ngày, như một cách nhấn mạnh tình nghĩa anh em, kêu gọi đồng tâm hiệp lực, giống với câu thành ngữ Việt Nam "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Câu nói được "biến thể" từ một câu trong "Chu Dịch" thời Tiên Tần: "Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim; đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan".

Ý nghĩa nguyên thủy từ thời xưa là hai người đồng lòng thì sức mạnh sẽ giống như lưỡi dao sắc bén cắt đứt được kim loại; nếu hai người hòa hợp về chí hướng, đồng tâm đồng đức thì sẽ tỏa hương như hoa lan.

Trên thực tế, câu nói trên còn trở thành một "công cụ" ngoại giao mà nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng trong khá nhiều trường hợp khi muốn nêu cao mối quan hệ hợp tác, gần gũi với các nước láng giềng và khu vực.

Ngày 25/2/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến Chủ tịch danh dự Quốc dân đảng Liên Chiến đã đem câu "huynh đệ đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim" để mô tả "cộng đồng vận mệnh" của Trung Quốc đại lục và Đài Loan.

Sau đó 5 tháng, ngày 20/7/2013, trong điện mừng ông Mã Anh Cửu tái đắc cử chức Chủ tịch Quốc dân đảng, ông Tập nhắc lại câu này và nhấn mạnh "giấc mơ Trung Quốc cùng tiền đồ của Đài Loan có tương quan mật thiết".

Đây cũng trở thành câu nói "phải có" trong các cuộc trao đổi của Chủ tịch Trung Quốc với các lãnh đạo, quan chức phía Đài Loan và được xem là "khái niệm của Tập Cận Bình về quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan".

Ngày 13/9/2014, ông Tập Cận Bình cùng Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon tham dự lễ khởi công đường ống dẫn khí qua khu vực Trung Á.

Tại đây, ông tuyên bố: "Huynh đệ đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim; chỉ cần chúng ta đồng tâm hiệp lực thì không có khó khăn nào không giải quyết được".

"Ngàn vàng chỉ để mua láng giềng"

Câu nói này được ông Tập nhấn mạnh trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, xuất phát từ câu ngạn ngữ "thiên kim mãi lân" (ngàn vàng mua láng giềng) của người Trung Quốc, tương tự với câu nói "bán anh em xa, mua láng giềng gần" của người Việt Nam.

Tuy nhiên, ý nghĩa nguyên thủy của câu ngạn ngữ này là lời khuyên dành cho con người, nhấn mạnh nên biết "chọn bạn mà chơi", "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Cụ thể hơn là khuyên người ta có ý thức tự cường và biết giao kết với những người có chí tiến thủ.

Thời Nam Bắc Triều ở Trung Quốc, có một người tên Lữ Tăng Trân, nhiều đời sinh sống ở khu vực Quảng Lăng. Lữ là người chính trực, có mưu trí và đảm lược, được mọi người trọng vọng.

Có một người cố ý tìm đến mua căn nhà ở sát vách Lữ Tăng Trân. Mọi người hỏi ông ta: "Ông mua nhà hết bao nhiêu tiền."

Người này đáp lại: "1.100 lượng. 100 lượng tôi mua nhà, còn 1.000 lượng kia là để mua láng giềng".

Hôm 4/7/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng tiêu đề "Cùng xây dựng tương lai hợp tác Trung-Hàn đưa châu Á chấn hưng thịnh vương" tại Đại học Seoul, Hàn Quốc.

Trong bài diễn thuyết, ông Tập chỉ ra: "Trăm lượng mua nhà, ngàn lượng mua láng giềng. Láng giềng tốt ngàn vàng cũng không đánh đổi."


Ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Ảnh: Xinhua

Ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Ảnh: Xinhua

"Thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn"

Đây cũng là một câu nói thường sử dụng của người dân Trung Quốc và đã được ông Tập Cận Bình khái quát lên thành quan điểm về quan hệ trong khu vực.

Ngày 7/4/2013, ông Tập có bài diễn văn tại lễ khai mạc Diễn đàn Bác Ngao châu Á, trong đó nêu ra: "Người thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn.

Trung Quốc sẽ kiên trì thiện chí, hợp tác với láng giềng, củng cố tình hữu nghị láng giềng, đi sâu vào hợp tác, nỗ lực để sự phát triển của Trung Quốc đem lại lợi ích cho các nước xung quanh."

Trước thềm chuyến thăm Tajikistan của mình vào tháng 9/2014, ông Tập Cận Bình cũng gửi đến truyền thông nước này văn kiện có ký tên.

Trong văn kiện này, ông Tập chỉ ra: "Người thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn. Trung Quốc xem Tajikistan là đối tác hợp tác quan trọng để mở cửa về phía Tây."

Nói về vấn đề an ninh châu Á hồi tháng 5/2014 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 về tín nhiệm và hợp tác chung châu Á tổ chức ở Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc nhắc lại những gì ông từng nói ở Diễn đàn Bác Ngao 2 năm trước đó như một lời cam kết về chính sách ngoại giao khu vực.

Xét một cách tổng thể, cả 3 câu nói mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng sử dụng ở những bối cảnh khác nhau kể từ năm 2013, sau khi ông trở thành lãnh đạo cao nhất, đều được ông Tập đưa vào bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.

Động thái này được cho là một sự tổng kết và thông báo tới Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực về sách lược và tôn chỉ ngoại giao đối với láng giềng của Trung Quốc, trong đó sự lặp lại của các điểm nhấn nhằm chứng minh tính nhất quán, không thay đổi của Bắc Kinh.

Một điểm nhấn độc đáo hơn mà Chủ tịch Trung Quốc chưa thể hiện trong các bài diễn văn hay phát biểu ngoại giao nhiều năm qua, đó là việc ông dẫn câu thơ của nhà thơ thời Đường Vương Bột trong bài diễn thuyết tại Việt Nam.

Ông Tập "mào đầu" và dẫn dắt bằng câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Núi cao lên đến tận cùng, Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non".

Tiếp đó, ông đưa vào hai câu thơ của Vương Bột: "Đăng Thái sơn nhi quán chúng nhạc, tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã" (Đứng trên Thái Sơn mà nhìn các ngọn núi khác sẽ thấy vì sao Thái Sơn là đứng đầu).

Cây bút bình luận nổi tiếng của Tân Hoa Xã Quốc Bình phân tích, ông Tập Cận Bình dẫn câu thơ nổi tiếng thời Đường không ngoài mục đích nhấn mạnh quan hệ Việt-Trung "đang đứng ở một khởi điểm lịch sử mới" và kêu gọi song phương "cùng nhìn về đại cục lâu dài".

Theo Quốc Bình, tuyên bố trên tại Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển ổn định, mạnh mẽ trong gia đoạn tới, mà còn có sức lan tỏa tới các quốc gia láng giềng khác trong khu vực, phát huy vai trò hỗ trợ xây dựng "vận mệnh cộng đồng" như Trung Quốc thường kêu gọi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại