Đòn bẩy chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trước EU
Cuộc khủng hoảng di cư bùng nổ từ đầu năm 2014 đã đem lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một vị thế không nhỏ để mặc cả với EU.
Theo đó, EU buộc phải chấp nhận cấp thêm cho Ankara 3 tỉ euro, sau khi nước này khẳng định đã tốn gần 8 tỉ USD cho người tị nạn trong suốt 5 năm qua, đồng thời miễn thị thực cho Thổ Nhĩ Kỳ sang châu Âu, bắt đầu từ tháng 6.
Nhưng có một điều khoản, theo ông Danforth, là đáng chú ý hơn cả, đó là việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tái khởi động chương trình gia nhập EU.
"Đây là một "nút thắt" lớn, có thể phá hỏng hoàn toàn thỏa thuận.
Nó khiến cho thỏa thuận đứng trước nguy cơ bị Cộng hòa Síp phủ quyết và khiến nhiều nhà phê bình châu Âu - những người cho rằng việc gia nhập EU là vấn đề nguyên tắc, chứ không phải chính trị - tức giận".
Theo ông Danforth, trong tất cả các cuộc tranh luận, cả 2 bên đều hiểu rõ, Thổ Nhĩ Kỳ không thể sớm gia nhập EU, bởi các chính sách của chính quyền của Tổng thống Erdogan đang hứng chịu nhiều chỉ trích, còn EU thì vẫn chật vật để "giữ chân" các thành viên.
Không khó để hiểu vì sau các nhà đám phán EU chấp nhận yêu cầu này của Thổ Nhĩ Kỳ. "Châu Âu có thể cảm thấy thỏa mái hơn khi duy trì ảo tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực trên con đường trở thành thành viên của EU".
Còn Thổ Nhĩ Kỳ, vì sao lại đầu tư quá nhiều nguồn lực ngoại giao để đạt được một sự "nhượng bộ" chỉ mang tính biểu tượng này?.
Câu trả lời của ông Danforth là: Bằng việc tận dụng lợi thế chính trị hiện tại của mình, Ankara đang bảo vệ niềm tin của mình rằng, châu Âu chỉ quyền lực hơn, chứ không có gì tốt đẹp cả.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu đều hiểu rằng, Ankara không thể sớm gia nhập EU.
Dùng tư tưởng phương Tây "đập lại" phương Tây
Vào thời điểm năm 2003, khi lần đầu xin gia nhập EU, đảng cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ AKP tuyên bố, bất kể EU có chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ hay không thì nước này vẫn sẽ tiếp tục cải cách nhằm cải thiện cuộc sống của người dân.
Ông Erdogan từng phát biểu rằng, các tiêu chuẩn Copenhagen luôn là điều Ankara hướng tới.
Tuy nhiên, ngay cả lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải đối mặt với định kiến từ châu Âu về tôn giáo và sắc tộc. Thêm nữa, Cộng hòa Síp luôn cản trở việc Ankara trở thành thành viên EU kể từ sau khi AKP can thiệp không thành công vào chính trị nước này năm 2004.
Ngoài ra, ngay từ ban đầu, đã có một bộ phận dân chúng chỉ trích quyết định của AKP. Đến khi Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần liên tiếp bị bác bỏ yêu cầu gia nhập – bất chấp những nỗ lực đáp ứng yêu cầu của EU – thì việc này bị coi là "nỗi nhục quốc thể".
Đảng đối lập MMP cũng tuyên bố ủng hộ quyết định của AKP, nhưng phải được gia nhập “trong danh dự”.
Với vị trí đặc biệt (kết nối Nga, Trung Đông và châu Âu), Thổ Nhĩ Kỳ luôn phải “dè chừng” những người bạn phương Tây của mình.
Từ lâu, người dân nước này luôn sống trong nỗi lo thua sút và bị châu Âu đồng hóa, đồng thời là thách thức đứng ngang hàng với châu Âu về cả kinh tế và quân sự.
Phương diện “dân chủ”, điều tiên quyết EU đòi Thổ Nhĩ Kỳ đáp ứng, cũng thường xuyên là vấn đề gây tranh cãi: liệu rằng nước này có thật sự cần dân chủ hay không.
Dân chủ không phải là khái niệm mới mẻ trong lịch sử chính trị Thổ Nhĩ Kỳ. Từ cuối thời kỳ đế quốc Ottoman, vấn đề này đã "nhen nhóm" xuất hiện, song chỉ tồn tại trong một số khoảng thời gian ngắn, không liền mạch.
Tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Ataturk, mặc dù không hoàn toàn ưa thích dân chủ, song cũng tiến hành hiện đại hóa vào cuối thập niên 20, bởi ông cho rằng nó sẽ giúp tăng cường cho Thổ Nhĩ Kỳ năng lực chống lại thực dân châu Âu.
Sau Thế chiến thứ Hai, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã coi trọng vấn đề dân chủ hơn trước.
Mặc dù không phải là điều kiện tiên quyết để Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận sự trợ giúp của phương Tây trong các vấn đề với Nga, thì tại nước này, các cuộc bầu cử tự do và chuyển giao quyền lực vẫn diễn ra suôn sẻ.
Còn giờ đây, đã có bước ngoặt đột ngột trong tư tưởng của đảng cầm quyền.
AKP cho rằng không cần dân chủ hóa vẫn có thể được phương Tây trợ giúp. Hơn thế nữa, từ chỗ lo lắng về thảm họa từ cuộc chiến giữa quân chính phủ và đảng người Kurd PKK, AKP dần coi dân chủ chỉ là chiêu bài của phương Tây nhằm chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau các vụ đánh bom ở Ankara, AKP đã bắt giữ một số chính trị gia cấp cao người Kurd.
Erdogan tuyên bố sẽ chống "khủng bố mà không dùng tới súng" - ám chỉ các nhà báo, học giả và nhân viên các NGO ủng hộ người Kurd, hoặc chỉ trích chính sách chống khủng bố của chính phủ trung ương Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, những tuyên bố về dân chủ và tự do của châu Âu đã không còn ý nghĩa gì với Thổ Nhĩ Kỳ, và rằng, những chỉ trích của châu Âu nhằm vào cuộc chiến chống khủng bố của nước này xuất phát từ sự thờ ơ đối với sự sống còn của Ankara.
Ông cũng đả kích rằng sự đạo đức giả của phương Tây trong vấn đề dân chủ chính là gốc rễ của vấn đề khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ thực tế này, chuyên gia Danforth nhận định, sự nhượng bộ của EU với Erdogan mới đây trước vấn đề người di cư càng giúp ông này chứng tỏ rằng những chỉ trích của phương Tây (về nhân quyền và dân chủ) đối với Ankara là vô căn cứ và đầy thù địch.
Việc Erdogan "lên giọng" chỉ trích luận điệu "đạo đức giả" của phương Tây và tìm cách chứng minh rằng EU có thể phải miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, vô tình tiết lộ thực tế rằng, có một bộ phận người dân trong nước vẫn hoài nghi về vấn đề dân chủ.
Trong khi đó, nếu muốn giải quyết vấn đề người di cư, thì EU buộc phải thúc đẩy dân chủ hóa ở Ankara.
Tuy nhiên, nhìn vào lịch sử, so với người dân trong nước, thì EU dường như có ít ảnh hưởng đối với Ankara, và vì vậy, ít có khả năng Erdogan sẽ "nghe lời" châu Âu.