Thấy gì đằng sau tuyên bố "thúc đẩy hòa bình" của ông Tập?

Đức Huy |

Trang phân tích Lowy Interpreter của Australia cho rằng TQ đang chuyển trọng tâm từ các biện pháp quân sự sang các biện pháp kinh tế để hiện thực hóa ý đồ bá chủ.

Trong khuôn khổ phiên họp chính sách đối ngoại mới đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã có những phát biểu mà một số chuyên gia quốc tế cho rằng mang tính "xoa dịu" liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trong khu vực.

"Chúng tôi kiên quyết duy trì chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc cũng như các quyền và lợi ích hàng hải, đoàn kết dân tộc"Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc.

"Trung Quốc cũng sẽ xử lý một cách đúng đắn các tranh chấp lãnh thổ và hải đảo, thúc đẩy hòa bình và phản đối việc cố ý hoặc đe dọa dùng vũ lực", ông nói thêm. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Rory Medcalf của trang phân tích chính trị Lowy Interpreter (Australia), phát biểu này mang nhiều ý nghĩa hơn là một tuyên bố đảm bảo an ninh khu vực đơn thuần.

Xoa dịu tạm thời

Theo ông Medcalf, có thể coi phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc như một điểm nhấn sau một tháng hoạt động ngoại giao bận rộn của ông.

Trong tháng 11 vừa qua, Tập Cận Bình đã trở thành tâm điểm của sự chú ý trên trường quốc tế. Từ APEC đến ASEAN+3 và G-20, ông Tập đã tận dụng khoảng thời gian quý báu này để khẳng định lập trường ủng hộ đối thoại và tránh giao tranh của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, ông Medcalf chỉ ra rằng, cuộc gặp "phá băng" với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại APEC hay phát biểu mới đây tại cuộc họp đảng chỉ là những biện pháp "tung hỏa mù" của ông Tập nhằm che phủ những toan tính từ phía Trung Quốc.

Cuộc gặp mặt với ông Abe tại APEC chỉ là một đòn tung hỏa mù của ông Tập Ảnh: AP

Theo chuyên gia của Lowy Interpreter, cuộc gặp mặt với ông Abe tại APEC chỉ là một đòn "tung hỏa mù" của ông Tập Ảnh: AP

Không nói đâu xa, phát biểu của ông Tập đi ngược hoàn toàn với những hành vi xây đảo nhân tạo tại Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), hay việc điều tàu hải giám đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mới đây của Bắc Kinh. 

Vì vậy, ông Medcalf khẳng định, các nước lân cận không nên quá vui mừng trước tuyên bố "thúc đẩy hòa bình" này của người lãnh đạo Trung Quốc.

Chuyển trọng tâm từ quân sự sang kinh tế

Sau khi dựng lên một viễn cảnh ổn định nhằm trấn an các nước trong khu vực, bước tiếp theo trong Giấc mơ Trung Hoa của ông Tập sẽ xoay quanh các biện pháp tăng cường ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh.

Trong số này, đáng chú ý nhất là việc phát triển Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và Con đường Tơ lụa.

Ông Tập Cận Bình phát biểu về Giấc Mơ Trung Hoa tại diễn đàn APEC 2014 Ảnh: Tân Hoa Xã

Ông Tập Cận Bình phát biểu về Giấc mơ Trung Hoa tại diễn đàn APEC 2014 Ảnh: Tân Hoa Xã

Do đó, ông Medcalf khẳng định, về mặt bản chất Trung Quốc vẫn giữ nguyên ý đồ bá chủ khu vực của mình. Nhưng thay vì những biện pháp quân sự mà chỉ một sai lầm nhỏ cũng sẽ dẫn tới viễn cảnh bị cả thế giới cô lập, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang kinh tế.

Tuy nhiên, việc xây đảo nhân tạo hay xâm nhập trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền của các nước khác nhiều khả năng  vẫn sẽ tiếp diễn, với mục đích đe dọa và khẳng định chủ quyền (sai trái) của Trung Quốc.

Theo ông Medcalf, sở dĩ Bắc Kinh có thể tiếp tục làm vậy là do họ cho rằng mức độ nghiêm trọng của những động thái này là chưa đủ để tạo ra một làn sóng phản đối toàn cầu.

Chỉ trong một năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần "gây sóng gió" bằng việc đơn phương áp đặt Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông; đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông; gây hấn và xâm nhập trái phép lãnh hải Ấn Độ. 

Nếu chỉ nhìn qua những động thái vài tháng trở lại đây từ Bắc Kinh, mà mới đây nhất là phát biểu của ông Tập Cận Bình, thì có vẻ như phía Trung Quốc đang tỏ ý muốn hàn gắn các mối quan hệ ngoại giao rạn nứt nói trên. 

Nhưng sâu thẳm bên trong, liệu có ai dám khẳng định đây là những nỗ lực thật lòng đến từ Bắc Kinh?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại