Thất bại của Donald Trump và nghịch lý trong thể chế chính trị Mỹ

Đức Huy |

Trong bài phân tích đăng trên Washington Post, chuyên gia Eugene Robinson đã gọi "thất bại được báo trước" của Donald Trump như minh chứng cho nghịch lý trong thể chế chính trị Mỹ.

Đảng Cộng hòa hiện nay, theo ông Robinson, chẳng khác nào "một mớ bòng bong", đặc biệt là sau cuộc tranh luận hôm thứ năm (6/8) tuần trước giữa 10 ứng viên Tổng thống của đảng này.

Trong đó, tác nhân "đóng góp" lớn nhất cho sự hỗn loạn này không ai khác chính là Donald Trump.

Giới phân tích chính trị Mỹ chỉ ra rằng, thay vì trình bày quan điểm chính sách, trùm bất động sản Mỹ lại "luyên thuyên" trong suốt cuộc tranh luận với những phát ngôn thuận tai nhưng không có giá trị thực tiễn.

Ông Trump thậm chí còn không cam đoan sẽ ủng hộ ứng viên đại diện đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm tới, điều đã trở thành thông lệ trong văn hóa tranh cử Mỹ.

Theo chuyên gia Robinson, xét trên mọi phương diện thông thường, Donald Trump không phải một ứng viên có triển vọng. Nhưng cái tên Trump vẫn xuất hiện tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng, và dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận sơ bộ.

Donald Trump trong cuộc tranh luận giữa các ứng viên đảng Cộng hòa. Ảnh: AP

Donald Trump trong cuộc tranh luận giữa các ứng viên đảng Cộng hòa. Ảnh: AP

Kể cả sau cuộc tranh luận, một cuộc thăm dò dư luận trực tuyến do NBC News tổ chức vẫn cho kết quả trùm bất động sản Mỹ giữ được vị trí số một, theo sau là Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas và bác sĩ về hưu Ben Carson.

"Sự nổi lên của các "ứng viên phản đối" (protest candidate, những người ra tranh cử dù trước đó không làm chính trị - PV) đang "hấp dẫn" công chúng theo một cách mà các ứng viên truyền thống khác không thể làm được" - ông Robinson bình luận.

Ông Trump hay ông Carson đều chưa từng "làm nhà nước"; và chính việc cả hai không phải là chính khách chuyên nghiệp đã khiến dân chúng Mỹ có cảm tình hơn với họ.

Ngay cả ông Cruz, tuy là một Thượng nghị sĩ, nhưng ông luôn được biết đến là một người anti-chính trị và thường không đưa ra chính sách theo chiều hướng đảng phái.

Điển hình là tháng trước, ông Cruz thậm chí đã nói thẳng rằng đại diện Quốc hội của đảng Cộng hòa, ông Kevin McCarthy, là một "kẻ dối trá".

Đến lúc này, có thể nói một bộ phận không nhỏ cử tri đảng Cộng hòa đã mất lòng tin vào bộ máy đảng này. Quan trọng, hay đáng buồn, hơn, điều này không hề liên quan tới việc các ứng viên đề xuất chính sách ra sao.

Ngay từ giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, ông Trump đã có những phát ngôn gây tranh cãi về vấn đề nhập cư trái phép. Nhưng ngoài Jeb Bush, các ứng viên đảng Cộng hòa khác đều có chung quan điểm với trùm bất động sản Mỹ.

Đại đa số ứng viên đảng con voi cũng có chung quan điểm tiêu cực về gói bảo hiểm Obamacare của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ, đều chỉ trích hiệp ước hạt nhân Iran, đều muốn cắt giảm nhân công chính phủ.

Nhưng không ai nổi bật được như Donald Trump.

Nghịch lý ở chỗ, trong số danh sách các ứng viên đảng Cộng hòa có một số gương mặt, trên lý thuyết, hoàn toàn có khả năng đắc cử Tổng thống như ông Bush, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, hay Thống đốc bang Wisconsin Scott Walker.

Marco Rubio và Scott Walker. Ảnh: AP/Politico

Marco Rubio và Scott Walker. Ảnh: AP/Politico

Tuy nhiên, sự trỗi dậy của Trump đã đặt phần còn lại của đảng Cộng hòa vào tình thế phải đưa ra những quan điểm triệt để đến mức cực đoan, qua đó giới hạn những gì ứng viên đảng Cộng hòa sau này có thể làm trong chiến dịch tranh cử của mình.

Theo ông Robinson, lượng cử tri đòi hỏi ứng viên phải có cái tôi, có khát vọng và có "góc cạnh" đang ngày một tăng. Tuy nhiên, quá trình tranh cử nặng tính đảng phái của Mỹ lại không được tạo ra để phục vụ một ứng viên như thế.

Đó là lý do tại sao, "không sớm thì muộn, ngọn lửa Donald Trump sẽ 'tắt'", như nhận định của chuyên gia phân tích chính trị Michael Gerson trên báo Washington Post.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại