Rạn nứt giữa hai "đồng minh"
Sau khi giành chiến thắng sít sao trước Khối Poroshenko của Tổng thống Petro Poroshenko, Thủ tướng Arseniy Yatsennyuk, lãnh đạo đảng Mặt trận nhân dân, ngày 29/10 đã tuyên bố chính ông, chứ không phải Tổng thống, mới là người chủ trì các cuộc đàm phán thành lập liên minh và rằng, ông mong muốn được tiếp tục làm Thủ tướng.
Mặc dù thừa nhận Khối Poroshenko là "đối tác chiến lược chính", song Thủ tướng Ukraine không ngần ngại bác đề xuất của ông Poroshenko về việc thành lập liên minh và cảnh báo, đảng Mặt trận Nhân dân sẽ hướng tới nơi khác nếu ông này không nhất trí với kế hoạch mà đảng của họ đề ra.
Động thái mới này của Yatsenyuk sau cuộc bầu cử đã chứng tỏ, ông muốn trở thành một đối tác bình đẳng với Tổng thống trong việc lãnh đạo quốc gia đi theo đường hướng thân phương Tây.
Nếu như các cuộc biểu tình quy mô lớn bùng phát ở Kiev hồi cuối năm ngoái đã khiến Poroshenko và Yatsuneuk trở thành đồng minh, thì cuộc bầu cử lần này đang ngày càng làm lộ ra những bất đồng giữa hai nhà lãnh đạo đương nhiệm của Kiev.
Khối Poroshenko tuyên bố sẵn sàng trao ghế Thủ tướng trong chính phủ mới cho ông Yatsenyuk để đổi lấy quyền nắm khối công lực, còn ông Yatsenyuk lại khăng khăng rằng Bộ Nội vụ phải dành cho ứng viên từ đảng của ông.
Thế nhưng, theo New York Times, giới tinh hoa chính trị nước này đều hiểu rằng thực chất, ông Poroshenko muốn đưa Volodymyr Groysman, phó Thủ tướng, lên thay vị trí của ông Yatsennyuk. Groysman đang là phó Thủ tướng và là một đồng minh có quan hệ cá nhân gần gũi với ông tại Vinnytsia - quê hương của Poroshenko.
"Có những đồn đoán rằng ông ấy (Poroshenko) muốn người của mình, Volodymyr Groysman, làm Thủ tướng. Họ thậm chí cùng nhau tới châu Âu", ông Andryi Pavlovsky, thành viên Quốc hội, thành viên đảng Tổ Quốc của bà Tymoshenko, tiết lộ.
Đó là chưa kể tới việc, sau phen "bẽ mặt" khi bị Thủ tướng phũ phàng khước từ đề nghị cùng nhau dẫn dắt Ukraine, đại diện khối Poroshenko đã tuyên bố, có ít nhất 2 ứng cử viên cho vị trí Thủ tướng, các đảng Samopomich (Tự lực), đảng Batkivschyna (Tổ Quốc) cũng có thể đề cử các ứng viên của họ và quyết định cuối cùng "sẽ được liên minh đưa ra".
Thủ tướng Yatsenyuk cùng vợ đi bỏ phiếu.
Thất bại chưa chắc là vật cản
Người dân Ukraine có lý do để lo lắng, khi mà trong gần như suốt lịch sử của Ukraine thời kì hậu Xô - Viết, sự cạnh tranh mà New York Times nhận định là "luẩn quẩn và nham hiểm" giữa Tổng thống và Thủ tướng trong cùng một nhiệm kì, đã khiến việc quản lý đất nước trở nên yếu kém, biến Ukraine trở thành quốc gia "tham nhũng, bạo loạn".
Ngay cả giờ đây, hai nhà lãnh đạo hiện nay là Poroshenko và Yatsenyuk cũng "đều muốn trở thành nhân vật chính", theo tiết lộ của một nguồn tin giấu tên, từng làm việc với cả 2 nhân vật quyền lực Ukraine này.
Các nhà phân tích đã chỉ ra, một trong những thông điệp rõ ràng nhất của cuộc bầu cử là các cử tri Ukraine không muốn một người kiểm soát tất cả các vấn đề của chính phủ. Alyona Getmanchuk, giám đốc Viện Chính sách Thế giới - một tổ chức nghiên cứu chính trị ở Kiev cho rằng, đây sẽ là một lý do để có thể lạc quan về việc ông Poroshenko và ông Yatsenyuk sẽ cùng bắt tay làm việc với nhau.
"Đảng Mặt trận Nhân dân đã làm rất tốt, bởi với nhiều người, đó là cuộc bầu cử Thủ tướng, không phải là Quốc hội. Họ muốn Yatsenyuk được tái bổ nhiệm, và điều quan trọng nhất là họ không muốn Poroshenko nắm hoàn toàn quyền lực. Họ không muốn một viễn cảnh kiểu Yanukovych, khi mà Tổng thống nắm tất cả quyền lực, kể cả chính phủ và Quốc hội".
Một vài người cho rằng, việc đảng Mặt trận Nhân dân của ông Yatsenyuk bất ngờ chiến thắng rõ ràng là một động lực với Thủ tướng, nhưng lại cản trở các kế hoạch của ông Poroshenko. Tuy vậy, Taras Berezovets, một cố vấn chính trị ở Ukraine thì cho biết, sẽ là sai lầm nếu xem kết quả bầu cử là một trở ngại với Tổng thống: "Đảng Mặt trận Nhân dân giành được số phiếu cao nhất là bởi một số người ủng hộ Tổng thống đã bỏ phiếu cho Yatsenyuk và cho một thoả thuận mới giữa Tổng thống với Thủ tướng".
New York Times phân tích, trong thời điểm cuộc chiến chống ly khai đang nóng bỏng ở miền Đông, nền kinh tế nước này vẫn đang trên bờ vực sụp đổ, thì Ukraine sẽ phải đối mặt với những ngày tháng khó khăn phía trước, bao gồm những khó khăn từ các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà ông Yatsenyuk dự kiến sẽ phải đi đầu trong việc thực hiện. Xét theo khía cạnh này, chiến thắng của Yatsenuyk có thể mang lại lợi ích lớn cho Poroshenko.
Nếu sự ủng hộ của người dân với chính phủ suy giảm trong vài tháng tới, hoặc nếu chính phủ không thể làm được như kì vọng của người dân, thì ông Yatsenyuk có thể sẽ là người phải chịu trách nhiệm và cuối cùng là bị buộc phải từ chức.
Việc này không chỉ giúp Tổng thống Poroshenko né được sức nóng trong thời gian tới, mà thậm chí còn có thể giúp ông đưa Groysman, nhân vật mà ông đã nhắm trước, vào vị trí Thủ tướng.
"Vết xe đổ"
Mặc dù vậy, theo một số nhà phân tích, Tổng thống và Thủ tướng hiện nay của Ukraine đủ thông minh để tránh "vết xe đổ" của những người tiền nhiệm.
Ông Adrian Karatnychy, chuyên gia về Ukraine tại Ủy ban Đại Tây Dương (Mỹ) nhận định: "Tôi tin rằng họ có thể, và đã hòa hợp. Sẽ không có sự lặp lại những năm tháng dưới thời Yushchenko-Tymoshenko, Yushchenko-Yanukovych". Theo ông này, mặc dù có nhiều nguy cơ nảy sinh xung đột, song "cuối cùng, họ là họ hàng, bè bạn".
Đại sứ Mỹ ở Ukraine Geoffrey R. Pyatt cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi cho rằng "cuộc bầu cử đã kéo Ukraine lại gần nhau".
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ trong cuộc bầu cử Ukraine, công bố sáng ngày 28/10, đảng Mặt trận Nhân dân của Tổng thống Arseny Yatsenyuk đã giành vị trí dẫn đầu khi nhận được 22,02% số phiếu bầu, vượt đảng của Tổng thống Petro Poroshenko - đang ở vị trí thứ 2, với 21,8%.
Cũng theo cuộc bầu cử, đảng của Tổng thống Poroshenko đang dẫn đầu về số ghế trong quốc hội (126 ghế), tiếp theo là đảng Mặt trận Nhân dân là 85 ghế.
Kết quả này đã được các quốc gia phương Tây đồng loạt lên tiếng ca ngợi, song cũng làm dấy lên những lo lắng về mối quan hệ giữa Nga - Ukraine cũng như căng thẳng trong nước. Bởi trong khi Tổng thống Poroshenko theo đuổi chính sách hoà hợp, chủ trương đàm phán với phe ly khai, mong muốn đối thoại với Nga, thì Thủ tướng Yatsenyuk lại chủ trương không đàm phán với ly khai cũng như với Nga.