Có vẻ như việc gọi ông Tập là “nhà lãnh đạo mạng xã hội đầu tiên” ở Trung Quốc là hơi lạ lùng.
Nhưng trước khi có bức ảnh này, chưa có bất kỳ một nhà lãnh đạo nào nói chung và cả bản thân ông Tập nói riêng sử dụng điện thoại thông minh để làm cái việc mà hàng ngày hàng triệu người dân của ông vẫn làm: Chụp ảnh bằng camera trước.
Vì vậy, khi một chính trị gia Indonesia gặp gỡ và cùng chụp với ông Tập một bức ảnh, người sử dụng mạng xã hội Trung Quốc trở nên điên loạn.
Bức ảnh được Fadli Zon của Đảng Phong trào Indonesia vĩ đại đăng tải trên mạng lần đầu tiên hôm thứ Tư (21/4), cùng với một loạt ảnh khác chụp các nhà lãnh đạo thế giới như Robert Mugabe của Zimbabwe, Vua Abdullah của Jordan, những người đang tham dự Hội nghị cấp cao Á – Phi tại Jakarta, Indonesia.
Khi bức ảnh lần đầu tiên được đăng tải trên trang Twitter của chính Fadli Zon, người cười rất tươi tắn, thì ông Tập lại có vẻ mặt khá miễn cưỡng, biểu cảm của người không có vẻ thoải mái lắm khi dùng cụm từ “chụp ảnh tự sướng” để miêu tả.
Điều đó không ngăn nổi một cơn sóng chia sẻ nó trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc lẫn các tài khoản cá nhân của người dùng mạng xã hội ở nước này.
Và đến khi hình ảnh được đẩy lên trang weibo (dịch vụ tiểu blog phổ biến ở Trung Quốc tương tự như Twitter), nó đã được chia sẻ lên tới hơn 30.000 lần.
Người dùng Weibo có vô vàn thái độ biểu cảm đối với hình ảnh lạ lẫm này của nhà lãnh đạo của mình: “Tôi yêu ông ấy”; “Chủ tịch Tập cười hiền thật”, “Ông ấy đẹp trai ghê”…
Một tài khoản weibo của một tạp chí công nghệ nổi tiếng Trung Quốc thậm chí còn dự đoán từ “chụp ảnh tự sướng” tiếng Trung sẽ là từ thông dụng nhất năm 2015.
Ông Tập Cận Bình đã sử dụng các phương pháp tiếp cận nhiều hơn với dân chúng, trái ngược với sự lạnh lùng xa cách mà những người tiền nhiệm của ông từng thể hiện.
Và câu chuyện “Ảnh tự sướng của Chủ tịch Tập” chắc chắn phù hợp với hình ảnh “người đàn ông của nhân dân” mà ông hướng tới nhiều hơn là hình ảnh ông trả tiền cho chiếc bánh bao tại một nhà hàng ở Bắc Kinh trước đây.
Hình ảnh ông Tập trả tiền ăn cho một nhà hàng ở Bắc Kinh cũng từng gây bão truyền thông ở Trung Quốc, tuy nhiên không hoàn toàn mang lại hiệu quả tích cực.
Hình ảnh ấy của ông từng bị biến thành một bức ảnh chế giễu trong các cuộc biểu tình ở Hong Kong hồi tháng Mười hai năm ngoái.