Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 3/9 đã tuyên bố nước này sẽ cắt giảm 300.000 quân nhân thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Sau khi tinh giản biên chế, quân số của PLA sẽ còn khoảng 2.000.000 người và vẫn là lực lượng vũ trang có quy mô lớn nhất thế giới.
Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, lộ trình cắt giảm quân số sẽ cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2017 và mục đích của chính sách này là để "tiến thêm một bước trong việc điều chỉnh, tối ưu hóa quy mô cơ cấu quân đội".
Chuyên viên Viện khoa học quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Khương Xuân Lương nói với tờ The Paper, các trọng điểm chính sách quân sự mới của PLA là cắt giảm bộ đội "phi chiến đấu".
Kèm theo đó, một tỷ lệ không nhỏ sĩ quan các cấp bậc từ Thiếu úy cho đến Đại tá thuộc các đơn vị chủ lực của Lục quân Trung Quốc cũng sẽ được tinh giản.
Ông Khương giải thích, sức chiến đấu của quân đội có liên quan trực tiếp với tỷ lệ giữa số lượng binh sĩ và sĩ quan.
Ông này cũng thừa nhận, mặc dù trong quá trình phát triển, PLA vẫn không ngừng cắt giảm biên chế đối với sĩ quan, nhưng tỷ lệ nói trên vẫn cho thấy mức chênh lệch cao.
Kể từ đại hội đảng Trung Quốc khóa XVIII năm 2012, chống tham nhũng trong quân đội là một trong những hành động quan trọng nhất của chiến dịch "đả hổ đập ruồi" mà ông Tập Cận Bình khởi xướng.
Tính cả "hổ béo" quân đội "ngã ngựa" mới đây nhất là cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) Quách Bá Hùng, đến nay Bắc Kinh đã xử lý tổng cộng 39 "hổ quân đội".
Sau khi ông Tập mạnh tay chấn chỉnh "ổ kiến lửa" PLA, nhiều thông tin về "mảng tối" mua quan bán chức trong hệ thống quân đội Trung Quốc đã bị vạch trần, thậm chí "bảng giá" cụ thể cho các quân hàm tướng, tá... trong PLA cũng được tiết lộ.
Từ Tài Hậu (trái) và Quách Bá Hùng chỉ là bước đầu trong cuộc cải cách quân đội "chấn động" của ông Tập Cận Bình?
"Nấc thang mới" trong "cơn địa chấn" cải cách PLA
Ngay trước ngày kỷ niệm thành lập quân đội Trung Quốc 1/8, Bắc Kinh đã tuyên bố xử lý cựu phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) Quách Bá Hùng, đánh dấu sự "ngã ngựa" của cả hai cựu "số 2 quân đội" là Quách và Từ Tài Hậu.
Sau vụ tướng Quách, việc tuyên bố giảm quân của ông Tập hôm 3/9 được cho là sẽ đẩy cuộc chiến chống tham nhũng trong Lục quân Trung Quốc lên đỉnh điểm.
Trang Đa Chiều phân tích, hàng loạt động thái trên của Bắc Kinh sẽ tạo hiệu quả chấn động quân đội và củng cố quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc, chuẩn bị dư luận và chính trị cho cuộc cải cách quân đội sắp tới.
Trên thực tế, ngay từ năm 2014, Tập Cận Bình đã thành lập Tiểu ban lãnh đạo Cải cách quân đội và quốc phòng của Trung ương ĐCSTQ, đồng thời tự mình đảm nhận vai trò Tổ trưởng.
Trong tình hình như vậy, cuộc cải cách quân đội quy mô lớn là điều chắc chắn sẽ xảy ra, mà hành động tinh giản biên chế cũng như chống tham nhũng chỉ là "màn dạo đầu".
Theo Đa Chiều, trong gần 30 năm qua, PLA không gặp phải cuộc chiến tranh quy mô lớn nào, năng lực chiến đấu thực tế của lực lượng này cũng không được kiểm nghiệm.
Bên cạnh đó, trong hàng chục năm Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu thao túng quyền lực trong quân đội, Quách và Từ đã tự dựng nên cái gọi là "kiểm tra đánh giá" và "chế độ cán bộ dự bị".
Theo đó, những người có tiền "bẩn", biết tiêu tiền, dám tiêu tiền sẽ nhanh chóng được xếp vào nhóm quan chức tiềm năng, sau đó sẽ được đề bạt nếu "mạnh dạn"... đưa hối lộ. Những người không đưa hối lộ hoặc chống đối, sẽ không thông qua được "kiểm tra đánh giá".
Sự hủ bại trong nhiều năm khiến giới lãnh đạo Trung Quốc quan ngại khả năng chiến đấu của PLA bị thui chột, mà thay vào đó là... "năng lực kiếm tiền", tạo thành tình trạng "tướng không biết cầm quân, quân không biết đánh trận".
Trên thực tế, con số tướng lĩnh đương chức của PLA có liên quan tới các hoạt động mua quan bán chức của Quách, Từ trong quá khứ vẫn chưa được xác định. Điều này ảnh hưởng một cách cơ bản tới sự lãnh đạo của ông Tập đối với CMC, Đa Chiều bình luận.
Ngoài ra, cuộc cải cách theo hướng hiện đại hóa quân đội sắp được khởi động cũng được xem là một bước tiến mới của Bắc Kinh nhằm làm giảm ảnh hưởng của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân trong PLA.
Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu và cả cựu Bí thư Ủy ban chính pháp Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đều được cho là những nhân tố "đại diện" cho ông Giang trong đảng, chính phủ và quân đội nước này sau khi ông chính thức nghỉ hưu năm 2005.
Hôm 10/8, giới lãnh đạo Trung Nam Hải đã thông qua Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ - phát đi thông điệp chỉ trích và cảnh cáo các cựu lãnh đạo, quan chức nước này nên "yên phận" chứ không can thiệp vào chính trị khi đã nghỉ hưu.