Chính phủ Tổng thống Syria Bashar Assad bực mình việc Mỹ không mời họ vào liên minh đánh phiến quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, vì sợ một khi Mỹ đánh xong IS, sẽ quay trở lại mục tiêu buộc chính ông Assad ra đi, theo các nhà phân tích.
Giáo sư Amr al-Azm của đại học Shawnee ở bang Ohio (Mỹ) nói: “Chiến dịch chống IS nhằm gây sức ép thật lớn lên chế độ Assad và cuối cùng, không chỉ làm suy yếu IS mà còn làm suy yếu khả năng chống cự một thỏa thuận của chế độ này, gồm cả việc ông Assad phải rời bỏ quyền lực”.
Ngày 10.9, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói chiến lược không kích ở Syria và Iraq nhằm vào sức đe dọa của IS. Nhưng ông cũng nói bóng gió về một mục tiêu lớn hơn nữa “chế độ Assad sẽ không bao giờ phục hồi được sự hợp pháp mà họ đã đánh mất".
Ông Obama còn nói:"Chúng ta phải củng cố phe đối lập để họ có thể chống lại các tổ chức cực đoan như IS, đồng thời theo đuổi giải pháp chính trị cần thiết để giải quyết dứt điểm khủng hoảng Syria”.
Chính phủ Syria nói họ hoan nghênh Mỹ không kích IS ở Syria, nhưng cũng hy vọng Mỹ sẽ phối hợp với họ để đánh IS, và kỳ vọng Mỹ sẽ thôi không đòi ông Assad ra đi. Ông Assaf đang có nhiệm kỳ tổng thống thứ ba, mỗi nhiệm kỳ 7 năm.
Sau bài diễn văn mà ông Obama khẳng định Mỹ ủng hộ phiến quân ôn hòa chống chế độ Assad, cố vấn chính trị Bouthaina Shaaban của ông Assad nói bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Mỹ tại Syria sẽ bị xem là xâm lược, trừ phi có sự điều phối của chính phủ Sirya.
Bà Shaaban cũng nói ông Obama phạm sai lầm lớn khi gạt chính phủ Syria ra khỏi liên minh quốc tế chống IS. Bà nói chính phủ Syria rất nghiêm túc theo đuổi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.
Hiện chính phủ Syria hưởng lợi từ sự nổi lên của IS tại nước này: sự bạo tàn của IS giúp ông Assad khẳng định ông đang chống khủng bố chứ không chống lại phe đòi dân chủ ở Syria. Trong năm qua, quân chính phủ đã tái chiếm nhiều khu vực, phần nào vì có đấu đá nội bộ trong các phe nổi dậy và cả trong IS.
Ban đầu IS đánh các phe nổi dậy ở bắc Syria, sau quay qua tấn công quân chính phủ, giết hàng trăm lính và dân vệ trong hai tháng qua sau khi chiếm được các căn cứ không quân ở miền đông Syria.
IS đã đem số hàng binh đi diễu rồi xử tử tập thể, sau đó tung phim lên mạng, và chúng cũng đã cắt đầu 2 nhà báo Mỹ và 1 nhân viên hoạt động nhân đạo người Anh.
Hình ảnh những binh lính bị diễu và xử tử diễn ra trên các đường phố ở hậu cứ của chính phủ như Lattakia và Tartous, là các trung tâm đông cộng đồng Alawite của tổng thống Assad. Nhiều lính còn mất tích, và số người chết đang khiến người Alawite dồn sức ép lên ông Assad.
Cũng đã xảy ra những vụ người trung thành với ông Assad đã tiến hành phản đối chính phủ. Mudar Khadur, một luật sư ủng hộ chính phủ ở Tartous đã bị bắt hồi đầu tháng 9, sau khi mở cuộc tuyên truyền “Waynon ?”( Họ đâu rồi) đòi chính phủ phải cung cấp thông tin về số lính mất tích.
Lina Khatib, giám đốc Viện Carnegie Trung Đông ở Beirut (Lebanon) nói: “Chính phủ Syria nhận ra quá muộn màng, rằng họ đã để cho IS hoạt động quá tự do và nay họ đã bị IS phơi trần. Nhưng sự phẫn nộ của người dân vẫn chưa đủ mạnh để tạo thành một mối đe dọa thật sự cho ông Assad:.
Ông Assad cũng thiếu quân, vì nhiều tay súng ở mặt trận là người Iraq dòng Shiite, đã trở về Iraq để đánh IS ở đó. Phong trào vũ trang Hezbollah từng giúp quân Assad tái chiếm đất từ tay phe nổi dậy, nay vấp phải phe cực đoan dòng Sunni gần biên giới giáp Lebanon.
Ông Assad cũng có thể cảm thấy hơi nóng từ khối liên minh khu vực sẵn sàng đối phó nỗi đe dọa của IS. Tại Iraq, một thủ tướng thân Iraq và Syria đã phải từ chức, và đây là mô hình mà phương Tây muốn lập lại ở Syria, để có một cuộc chuyển giao quyền lực.
Các nhà phân tích nói khối đồng minh khu vực của Mỹ-gồm Saudi Arabia vừa đồng ý mở cửa căn cứ để huấn luyện các tay súng nổi dậy ở Syria-xem việc Mỹ dẫn đầu liên minh chống IS cũng là để sau này lật đổ chế độ Assad.